CIC Group lý giải nguyên nhân lợi nhuận sau thuế giảm hơn 14 tỷ đồng
CIC Group giải trình nguyên nhân lợi nhuận sau thuế tại báo cáo tài chính riêng và hợp nhất giảm lần lượt 13% và 8%, xuống mức 148 tỷ đồng và 155 tỷ đồng so với năm 2022.
Công ty cổ phần Tập đoàn tư vấn đầu tư xây dựng Kiên Giang (CIC Group, mã ck: CKG) vừa có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh về việc giải trình báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023.
Cổ phiếu CKG bị HOSE đưa vào diện kiểm soát từ ngày 12/10/2023. Ảnh minh họa |
Năm 2023, doanh thu thuần tại báo cáo tài chính riêng và hợp nhất của CIC Group ghi nhận lần lượt 1.198 tỷ đồng và 1.301 tỷ đồng, giảm lần lượt 7% và 10%. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 148 tỷ đồng và 155 tỷ đồng, giảm lần lượt 13% và 8%.
Trước kết quả kinh doanh giảm, CIC Group cho biết nguyên nhân do năm 2023 thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, tính thanh khoản thấp, nhà đầu tư cân nhắc kỹ, dè dặt việc đầu tư vào bất động sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Doanh nghiệp đã thực hiện các chương trình khuyến mãi nhằm thu hút khách hàng đẩy nhanh việc bán nhà các dự án đã đủ điều kiện nên chi phí bán hàng tăng so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, doanh thu của dự án nhà ở xã hội chiếm tỷ trọng 58% trên tổng doanh thu năm 2023 và theo quy định về giá bán nhà ở xã hội, lợi nhuận không vượt quá 10% chi phí đầu tư. Vì vậy, tỷ suất lợi nhuận của dự án nhà ở xã hội giảm lợi nhuận chung của doanh nghiệp.
Ngoài ra, CIC Group cũng giải trình về việc chênh lệch lợi nhuận sau thuế trước kiểm toán (155 tỷ đồng) và sau kiểm toán (166 tỷ đồng), tức chênh lệch gần 11 tỷ đồng, tương đương 6%.
Theo CIC Group, nguyên nhân chủ yếu do chi phí quản lý tăng 10,4 tỷ đồng, tương đương tăng 8% với báo cáo trước kiểm toán, do trích bổ sung các khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi đến hạn của các công ty con dẫn đến lợi nhuận sau thuế báo cáo kiểm toán giảm 6% so với báo cáo đã công bố.
Tính đến ngày 31/12/2023, CIC Group ghi nhận 3.391 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó, vay và nợ thuê tài chính là 1.726 tỷ đồng, chiếm 51% nợ phải trả. Vốn chủ sở hữu ghi nhận 1.391 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2023, tổng tài sản của CIC Group là 4.782 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm 34% xuống còn 44 tỷ đồng. Đầu tư tài chính ngắn hạn giảm mạnh 97% xuống còn 500 triệu đồng. Hàng tồn kho tăng nhẹ 3% lên 2.901 tỷ đồng.
Được biết, Công ty cổ phần Tập đoàn tư vấn đầu tư xây dựng Kiên Giang được thành lập vào ngày 29/10/1992 với tên gọi là Công ty Khảo sát thiết kế có số vốn điều lệ ban đầu là 118 triệu đồng. Sau khi thực hiện chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp theo chủ trương cổ phần hoá của Chính phủ vào tháng 03/2006, CIC GROUP đã hoạt động với vốn điều lệ đăng ký 45 tỷ đồng, nay đã tăng lên hơn 950 tỷ đồng.
Hiện, cổ phiếu CKG bị HOSE đưa vào diện kiểm soát từ ngày 12/10/2023 do chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 quá thời hạn 30 ngày so với thời hạn quy định.
|
- Cơ hội nào cho VN-Index trong giai đoạn cuối năm 2024?
- Tăng trưởng lợi nhuận và lãi suất thấp là động lực cho thị trường chứng khoán
- “Cửa sáng” cho thị trường chứng khoán Việt Nam
- “Cửa sáng” cho thị trường chứng khoán Việt Nam
- Cải thiện tính minh bạch để tăng giá trị, sức hút cho thị trường chứng khoán
- Tìm lời giải cho bài toán bán ròng của khối ngoại
- Cổ phiếu VNI bị đưa vào diện cảnh báo và tiếp tục bị đình chỉ giao dịch
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?