Cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền Luật Thủ đô 2024

Thứ tư, ngày 6 tháng 11 năm 2024 | 14:36

Ngày 1-11, Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội cho biết, đã hoàn tất tài liệu tuyên truyền về Luật Thủ đô số 39/2024/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025 (trừ 5 nội dung có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025) thay thế Luật Thủ đô số 25/2012/QH13.

z3996176859776_db380fea79231131671947f496253960.jpg

Hà Nội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật về Luật Thủ đô năm 2024. Ảnh: PV

Hội đồng đề nghị cả hệ thống chính trị thành phố Hà Nội vào cuộc tuyên truyền Luật Thủ đô 2024 tới nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên, trên địa bàn.

Theo tài liệu tuyên truyền về Luật Thủ đô, Luật Thủ đô năm 2024 quy định vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Phạm vi điều chỉnh của Luật tập trung quy định một số cơ chế, chính sách thực sự cần thiết để vừa giải quyết những vấn đề bức xúc trước mắt, vừa đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phát triển lâu dài của Thủ đô; những vấn đề khác thì được điều chỉnh theo quy định của cả hệ thống pháp luật.

Điểm nhấn đáng lưu ý, trên cơ sở quy định Hiến pháp năm 2013; Nghị quyết số 15-NQ/TƯ đồng thời kế thừa Điều 2 Luật Thủ đô năm 2012, Điều 2 của Luật tiếp tục ghi nhận: “Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội. Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là thành phố trực thuộc trung ương, là đô thị loại đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước”.

Cùng đó, Luật tăng cường tổ chức bộ máy, nhân sự và thẩm quyền của HĐND thành phố, HĐND quận, thị xã. Điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền các cấp. Mục đích điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính tại các quy định trên theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền các cấp tại Thủ đô nhằm tạo sự chủ động, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của chính quyền các cấp Thủ đô.

Về thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao (Khoản 1, 2 Điều 15; khoản 1 Điều 16), luật mở rộng đối tượng thu hút: Công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội, có kinh nghiệm thực tiễn, đang làm việc ở trong nước, ở ngoài nước có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô; người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có công trình hoặc sản phẩm đã được nghiệm thu, công nhận, ứng dụng đem lại hiệu quả cao (điểm a, c khoản 1 Điều 16). Đa dạng hóa hình thức thu hút, tuyển dụng: Đối tượng thu hút là công dân Việt Nam có thể được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức hoặc được ký hợp đồng để thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ kể cả đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của thành phố, trong tất cả các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông…; đối tượng thu hút là người nước ngoài được ký hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Quy định này sẽ tạo ra khả năng liên thông trong thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao giữa khu vực công và khu vực tư (Điều 16).

Luật cũng giao quyền cho người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố, Chủ tịch UBND cấp huyện được ký hợp đồng có thời hạn với người đáp ứng các điều kiện đảm nhiệm một số vị trí việc làm thuộc nhóm nghiệp vụ chuyên ngành, nghiệp vụ chuyên môn dùng chung trong các cơ quan đó.

Đặc biệt, Luật Thủ đô năm 2024 có tầm nhìn đột phá lớn, tạo cơ sở pháp lý cho Hà Nội thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực như mục tiêu Bộ Chính trị đề ra.

Để tạo cơ sở pháp lý xử lý các xung đột pháp luật trong trường hợp có sự khác nhau giữa Luật Thủ đô năm 2024 với các luật hiện hành có liên quan và các luật ban hành sau ngày Luật Thủ đô năm 2024 có hiệu lực về cùng một vấn đề, nhưng vẫn bảo đảm minh bạch và thứ bậc về hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính thống nhất với quy định tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Thủ đô năm 2024 bổ sung Điều 4 quy định về áp dụng Luật Thủ đô.

Quy định về áp dụng Luật Thủ đô nhằm xử lý mối quan hệ giữa Luật Thủ đô với các luật, nghị quyết của Quốc hội, giữa văn bản quy định chi tiết, văn bản do Chính phủ, Bộ, ngành, chính quyền thành phố ban hành để thực hiện những nội dung được phân quyền trong Luật Thủ đô với văn bản của các cơ quan nhà nước khác là vấn đề rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả, hiệu lực thi hành của Luật Thủ đô sau khi được ban hành.