Cả năm nuôi lợn vất vả, nông dân nhỏ lẻ chỉ có hòa vốn

Thứ tư, ngày 5 tháng 1 năm 2022 | 10:55

Năm 2021, giá vật tư, thức ăn chăn nuôi không ngừng tăng giá, trong khi đó, giá lợn hơi lại xuất hiện nghịch lý, khi cắm đầu đi xuống. Điều này khiến người nông dân chăn nuôi sau 1 năm vất vả không có nhiều lợi nhuận.

Năm 2021, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại hầu hết các địa phương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên cả nước nói chung và thị trường lợn nói riêng.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục, giá thịt lợn vẫn ở mức thấp

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Lân, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin - Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương, trong năm 2021, có 3 yếu tố tác động trực tiếp vào ngành chăn nuôi lợn.

ca nam nuoi lon vat va nong dan nho le chi co hoa von hinh 1

Cuối năm, giá lợn hơi dao động ở mức thấp, khoảng 35.000 - 40.000 đồng/kg.

Thứ nhất, đại dịch COVID-19 đã làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng và tác động rất mạnh vào giá cả của các nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi. 

Thứ hai, bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn tiếp tục là cơn ác mộng của người dân và các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi. Theo số liệu từ Cục Thú y, từ đầu năm tới ngày 22/12, cả nước xảy ra 2.286 ổ dịch tại 380 huyện thuộc 57 tỉnh, thành phố. 

Tổng số lợn tiêu hủy là 233.740 con, chiếm khoảng 0,87% tổng đàn lợn cả nước, tổng trọng lượng khoảng 11.678 tấn, tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Thứ ba, giá lợn hơi trên thị trường liên tục giảm mạnh, kể từ tháng 4/2021. Trong đó, giá lợn hơi xuống mức thấp nhất thời điểm tháng 8 - 9/2021, ghi nhận ở ngưỡng 30.000 - 35.000 đ/kg, sau đó tăng lên 35.000-45.000 đ/kg và dao động ở mức thấp đến cuối năm. 

Ông Lân phân tích: Nguyên nhân do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, khiến nhu cầu sử dụng thịt lợn giảm. Đến nay, mặc dù các địa phương đã trở lại trạng thái bình thường, song nhiều trường học vẫn đóng cửa, các quán ăn mở đón khách với số lượng hạn chế, nên mức tiêu dùng thực phẩm vẫn còn chưa nhiều. Do đó, giá thịt lợn xuất chuồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

“Mặt khác, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, dịch Covid-19 ảnh hưởng tới việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, đẩy giá cám lên cao khiến nhiều hộ phải bán sớm cắt lỗ”, ông Lân nói.

Thông thường, giá lợn hơi sẽ tăng dần từ thời điểm cuối tháng 11 đến trước Tết Nguyên đán do các công ty chế biến tăng cường thu mua, chuẩn bị cho đợt hàng phục vụ dịp Tết. 

Tuy nhiên năm nay, giá lợn hơi biến động không đáng kể. Nguyên nhân do nhu cầu tiêu thụ thịt lợn giảm và nguồn cung đã dần ổn định nên giá lợn hơi và thịt lợn thành phẩm không tăng đột biến, mặc dù giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 20 - 30% so với thời điểm đầu năm 2020.

Chi phí tăng không kiểm soát, lợi nhuận thì chẳng đáng là bao

Hiện tại, đại dịch vẫn ảnh hưởng ít nhiều tới thị trường tiêu dùng trong nước, do đó, ông Nguyễn Quốc Lân dự báo, mức tiêu thụ thịt lợn vào dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ giảm khoảng 30% so với thời điểm năm ngoái. 

Do đó, giá lợn hơi dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng, nhưng chỉ dao động ở mức 55.000 – 60.000 đồng/kg, mức giá hài hòa giữa 3 khâu sản xuất - lưu thông - tiêu dùng.

“Sẽ rất khó có đột biến giá xảy ra bởi các doanh nghiệp chuẩn bị sẵn nguồn hàng 5,5 triệu con cho dịp Tết. Dự báo giá lợn thời điểm sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần sẽ giảm nhẹ vì nhu cầu tiêu thụ giảm”, ông Lân nói.

ca nam nuoi lon vat va nong dan nho le chi co hoa von hinh 2

Cả năm vất vả, hộ nông dân nhỏ lẻ chỉ hòa vốn và có lãi nhẹ.

Cũng theo vị chuyên gia này, diễn biến giá lợn năm 2022 sẽ phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch COVID-19. Tuy nhiên, với chính sách thích ứng linh hoạt với dịch, giá lợn hơi sẽ không có những biến động mạnh như thời điểm tháng 9-10/2021. 

“Với triển vọng này, những hộ nông dân nhỏ lẻ chỉ hòa vốn và có lãi nhẹ. Còn các doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi có thể lãi 10.000 - 15.000 đồng/kg vì chi phí sản xuất chỉ dao động 45.000 đồng/kg”, ông Lân nói.

Việc giá lợn hơi giảm khiến nhiều hộ chăn nuôi treo chuồng, dừng tái đàn, khiến nhiều địa phương lo ngại nguy cơ thiếu nguồn cung trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. 

Tuy vậy, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu dịch bệnh cơ bản kiểm soát được, ngành chăn nuôi tự tin sẽ chủ động cung cấp được đủ cho nhu cầu trong nước, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Quốc Lân kiến nghị các doanh nghiệp, người dân chăn nuôi cần  tiếp tục đẩy mạnh vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, xây dựng các chuỗi đảm bảo cung ứng thịt lợn và ổn định thị trường.

Đồng thời, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, dự báo thị trường giúp người chăn nuôi biết tính toán để đảm bảo cân đối đầu ra và sản xuất, tránh thừa cung, cầu giảm, phải bán tháo, chịu lỗ, giảm nguồn cung về tương lai.

Đặc biệt, ông Lân mong muốn các cơ quan quản lý cần giải pháp bình ổn giá thức ăn chăn nuôi góp phần giảm bớt khó khăn cho chăn nuôi lợn nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung.

“Nhà nước có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào”, ông Lân nói.

Về lâu dài, cần có cuộc cách mạng thay đổi hình thức chăn nuôi, đầu tư bài bản và áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, dần công nghiệp hóa thay thế hình thức chăn nuôi nông hộ. 

Mặt khác, đây cũng là một trong các giải pháp giữ đƣợc sự tồn tại ngành chăn nuôi lợn trong nước khi chúng ta thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Nguồn Congluan.vn

https://congluan.vn/ca-nam-nuoi-lon-vat-va-nong-dan-nho-le-chi-co-hoa-von-post175785.html