Các di chứng của ngộ độc khí CO

Thứ năm, ngày 28 tháng 7 năm 2022 | 9:11

Các trường hợp tử vong do khí CO được ví như những “cái chết êm dịu’’ vì rất ít khi được phát hiện kịp thời và cảnh báo trước. Vậy làm thế nào để phát hiện sớm ngộ độc và xử trí ra sao để kịp thời giữ được tính mạng người bệnh?

TS, BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy.
TS, BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy.

Thời gian gần đây, xảy ra nhiều trường hợp tử vong do ngộ độc khí CO và nhiều loại khí khác nhau. Trường hợp đáng tiếc gần đây nhất là một gia đình 6 người tử vong do ngộ độc khí CO (trong đó có 4 người là trẻ em), tại thị xã Bến Cát-Bình Dương khi sử dụng máy phát điện trong nhà kín.

Vậy đâu là những dấu hiệu ban đầu, các cấp độ nặng và các di chứng có thể để lại của ngộ độc khí?

Theo TS, BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, khi người bệnh hít khí CO ở ngưỡng độc, khí CO sẽ kết hợp với hồng cầu trong máu dẫn tới việc vận chuyển oxy đến các mô không đủ, dần dần gây ra tình trạng suy hô hấp, tổn thương.

Mặt khác, bản thân khí CO đi theo máu đến các cơ quan khác như tim, thần kinh, có thể gắn chặt vào tế bào cơ tim, thần kinh gây tổn thương, gây ra ngộ độc cấp.

Với ngộ độc cấp, nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới hậu quả lớn.

Ở mức độ nhẹ, người bệnh hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn. Nếu nặng hơn, dẫn tới hoại tử cơ, khó thở, suy hô hấp thể trung bình, lú lẫn. Nếu thời gian kéo dài hơn nữa, nhiễm nồng độ khí CO cao có thể làm bệnh nhân tử vong.

 

Về di chứng, phần lớn ngộ độc khí nói chung gây di chứng ở 2 cơ quan là thần kinh hoặc hoại tử cơ tim, viêm cơ tim và suy tim. Đây là di chứng lâu dài cho người bệnh sau khi bị ngộ độc.

Theo bác sĩ Hùng, khi phát hiện bệnh nhân bị ngộ độc khí, cần phải đưa bệnh nhân ra khỏi vùng có khí độc để bệnh nhân có oxy thở, tự đào thải dần lượng khí CO trong cơ thể.

Nếu bệnh nhân có nôn ói phải móc sạch chất nôn vùng hầu họng, để tạo đường thông khí tốt nhất, cho bệnh nhân nằm gối đầu cao.

Nếu bệnh nhân suy hô hấp, phải biết cách hô hấp nhân tạo trên đường đi cấp cứu. Bệnh nhân cần được nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế để thở oxy. Trường hợp ngộ độc nặng, cấp cứu bằng thở oxy nồng độ cao, oxy áp lực sẽ hữu hiệu cho cấp cứu bệnh nhân.