Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này
Căng thẳng gia tăng giữa Nga và phương Tây về vấn đề Ukraine và những đồn đoán về chính sách tiền tệ có thể sẽ khiến các nhà đầu tư quan tâm trong tuần này.
Mối lo ngại về lạm phát gia tăng vẫn tiếp tục là vấn đề quan trọng sau khi một số liệu lạm phát chính của Mỹ cũng sẽ được công bố trong tuần này.
Thị trường tiếp tục biến động mạnh
Các chỉ số chứng khoán của Mỹ đều sụt giảm trong tuần qua. Trong đó, chỉ số Dow Jones giảm 1,9%, Nasdaq giảm 1,7% và S&P 500 giảm 1,6%. Các cổ phiếu thuộc lĩnh vực năng lượng, dịch vụ truyền thông và tài chính là những lĩnh vực sụt giảm mạnh nhất trong tuần qua.
Thị trường chứng khoán Mỹ sẽ đóng cửa vào thứ Hai (21/2) do là ngày lễ Ngày Tổng thống, nhưng các nhà đầu tư có thể sẽ phải đối mặt với một tuần đầy biến động khác do lo ngại về một cuộc xâm lược tiềm năng của Nga vào Ukraine làm cơ sở cho nhu cầu về tài sản trú ẩn an toàn tăng cao.
Sự không chắc chắn đang diễn ra về động thái chính sách tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cũng có khả năng tiếp tục đè nặng lên thị trường cổ phiếu.
Fed đã báo hiệu rằng sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp sắp tới vào tháng 3 để giảm lạm phát vốn đã vượt qua mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương và đạt mức cao nhất trong bốn thập kỷ, nhưng mức tăng lãi suất như thế nào là điều các nhà đầu tư đang lo ngại.
Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard đã kêu gọi thực hiện các biện pháp nhanh chóng để kiềm chế lạm phát, trong khi Chủ tịch Fed New York John Williams cho biết rằng ông thấy ngân hàng trung ương không cần phải bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất quá nhanh.
"Đây là một thị trường hoang mang, bối rối về Ukraine, bối rối về mức độ thắt chặt của Fed và bỏ qua khá nhiều kết quả thu nhập rất tốt từ quý IV", Tim Ghriskey, chiến lược gia danh mục đầu tư cao cấp tại Ingalls & Snyder cho biết.
“Câu chuyện cho năm nay là lạm phát và Fed rút lại các biện pháp kích thích. Ngay cả khi mối đe dọa từ Nga biến mất, thị trường vẫn có thể đối mặt với sự biến động khi Fed tiến hành tăng lãi suất bắt đầu từ tháng 3”, Scott Redler, giám đốc chiến lược tại T3Live.com cho biết.
Dữ liệu kinh tế Mỹ
Trong bối cảnh đồn đoán về triển vọng Fed tăng lãi suất 0,5% vào tháng 3, dữ liệu về chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) sẽ được theo dõi chặt chẽ.
Chỉ số giá PCE hay còn được xem là thước đo lạm phát ưa thích của Fed dự báo sẽ tăng 6% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi chỉ số tiêu dùng cốt lõi, không bao gồm giá thực phẩm và nhiên liệu dự kiến sẽ tăng 5,2%.
Ngoài ra, còn có các bài phát biểu của một số quan chức Fed trong tuần này, bao gồm Chủ tịch Fed Richmond Tom Barkin, Chủ tịch Fed San Francisco Mary Daly, Chủ tịch Fed Cleveland Loretta Mester và Thống đốc Fed Christopher Waller.
Giá dầu
Giá dầu có thể sẽ tiếp tục biến động mạnh trong tuần này khi các nhà kinh doanh năng lượng cân nhắc khả năng gián đoạn nguồn cung do cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine gây ra trước triển vọng tăng xuất khẩu dầu của Iran.
Lo ngại về nguồn cung có thể bị gián đoạn do các lệnh trừng phạt đối với nhà xuất khẩu hàng đầu Nga nếu nước này tấn công Ukraine đã góp phần hỗ trợ giá dầu, bên cạnh kỳ vọng nhu cầu phục hồi từ đại dịch.
Giá dầu thô của Mỹ đang dao động quanh mức 91 USD/thùng và đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2014 trong tuần qua, trong khi giá dầu Brent cũng đạt gần mức cao nhất trong 7 năm.
Giá dầu cao hơn đang góp phần làm lạm phát tăng vọt, làm tăng thêm lo ngại rằng Fed sẽ cần phải mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát.
Dữ liệu PMI
Anh và Khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ công bố dữ liệu PMI cho tháng 2 vào thứ Hai (21/2), dự liệu có thể cho thấy sự thúc đẩy hoạt động kinh tế từ việc các chính phủ loại bỏ các biện pháp hạn chế thời đại đại dịch.
Các dấu hiệu tích cực về sự phục hồi kinh tế có thể khuyến khích các ngân hàng trung ương nhanh chóng rút lại các biện pháp kích thích hậu đại dịch và tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đang trên đà tăng lãi suất lần nữa vào tháng 3 trong khi các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn đang tranh luận về việc liệu có cần tăng lãi suất trong năm nay để hạn chế lạm phát hay không.
Thống đốc BoE Andrew Bailey cùng với một số nhà hoạch định chính sách sẽ xuất hiện trước Ủy ban Ngân khố của Quốc hội vào thứ Tư (23/2) để trả lời các câu hỏi về lạm phát và triển vọng kinh tế.
Theo TNCK
https://tinnhanhchungkhoan.vn/cac-su-kien-va-thong-tin-nha-dau-tu-chung-khoan-khong-the-bo-qua-tuan-nay-post291512.html
- “Cửa sáng” cho thị trường chứng khoán Việt Nam
- “Cửa sáng” cho thị trường chứng khoán Việt Nam
- Cải thiện tính minh bạch để tăng giá trị, sức hút cho thị trường chứng khoán
- Tìm lời giải cho bài toán bán ròng của khối ngoại
- Cổ phiếu VNI bị đưa vào diện cảnh báo và tiếp tục bị đình chỉ giao dịch
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Gỡ rào cản về cơ chế thanh toán để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán
- Sửa Luật Chứng khoán hướng tới thu hút vốn, tăng quy mô nhà đầu tư tổ chức