Cách nào thu hồi tối đa tài sản tham nhũng?
Kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới cho thấy, nếu nghi can tham nhũng không giải trình được nguồn gốc, lập tức tài sản sẽ bị thu hồi.
Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV ngày 20/3, một trong những nội dung được cử tri quan tâm là chất vấn của một số đại biểu về việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng còn ít, chưa đạt kỳ vọng của Quốc hội và người dân.
Ảnh minh họa: Internet
Trả lời chất vấn, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, trên thế giới cũng như Việt Nam, việc thu hồi tài sản tham nhũng không hoàn toàn triệt để.
Ông Bình cho rằng, theo quy định của pháp luật, chỉ thu hồi những tài sản tham nhũng, vì thế trong quá trình tố tụng, các cơ quan phải chứng minh được tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng. Muốn thu hồi nhiều hơn thì phải nâng cao chất lượng điều tra và kịp thời phong tỏa tài sản.
Quả thực, trên thực tế, việc thu hồi triệt để tài sản tham nhũng chưa thể thực hiện được, vì nhiều lý do.
Trong đó, trường hợp có căn cứ khẳng định tiền, tài sản liên quan đến hành vi tham nhũng nhưng chưa thể truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội, đối tượng phạm tội đã chết, mất tích hoặc bỏ trốn...
Về vấn đề xác định nguồn gốc tài sản để thực hiện việc tịch thu, thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước, hệ thống pháp luật hiện hành quy định nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc tiền, tài sản thuộc về cơ quan có thẩm quyền (cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thanh tra).
Quy định này của hệ thống pháp luật dẫn đến thực tế là trong hầu hết các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế người phạm tội luôn tìm mọi thủ đoạn chuyển các tài sản liên quan đến tội phạm thành tài sản không xác định được nguồn gốc do phạm tội mà có. Vì thế, việc thu hồi rất khó thực hiện được.
Trong một số vụ án, số lượng tài sản nằm rải rác ở các địa phương khác nhau trên cả nước, nguồn gốc tính pháp lý của nhiều tài sản được kê biên, đưa ra xử lý phức tạp, mất nhiều thời gian xác minh.
Việc xác định tài sản chung hay riêng, đặc biệt tài sản chung của vợ chồng, hộ gia đình và của các chủ sở hữu khác nhau trong quá trình sản xuất kinh doanh… cũng không hề đơn giản.
Vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào có thể thu hồi được tối đa tài sản tham nhũng?
Kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới cho thấy, nếu nghi can tham nhũng không giải trình được nguồn gốc, lập tức tài sản sẽ bị thu hồi. Đây chính là cơ chế tăng nghĩa vụ giải trình. Tuy nhiên, pháp luật của chúng ta chưa điều chỉnh được ở góc độ này.
Một khía cạnh nữa là hiện nay chúng ta mới chỉ kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị, còn tài sản do người thân của các đối tượng phạm tội tham nhũng đang đứng tên sở hữu thì chưa. Thực tế nhiều vụ án cho thấy các đối tượng tham nhũng đều có hành vi tẩu tán tài sản thông qua người thân, người quen, thậm chí việc đưa, nhận các khoản tiền hoa hồng, lại quả (thực chất là tiền hối lộ) cũng thông qua các tài khoản của người thân chứ không phải tài khoản của họ.
Vì vậy, cần kiểm soát hiệu quả hơn tài sản, thu nhập của các đối tượng này, đặc biệt là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
Đó là chưa kể quy trình xử lý từ thanh tra, kiểm tra, điều tra đều kéo dài đã tạo ra kẽ hở để các đối tượng tham nhũng tẩu tán tài sản khi thấy mình có nguy cơ bị phát giác, xử lý. Bịt được lỗ hổng này thì công tác thu hồi tài sản tham nhũng mới đạt hiệu quả như mong muốn.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Khẳng định vai trò Đảng cầm quyền
- Giữ chữ tín để đi đường dài
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo