Cải cách sao mà quá gian nan
Kể từ ngày 1-1-2023 sổ hộ khẩu đã không còn giá trị sử dụng, theo Luật Cư trú 2020; mọi thông tin cá nhân đều đã được tích hợp vào thẻ căn cước công dân gắn chip và người dân chỉ cần xuất trình thẻ căn cước này để chứng minh thông tin cư trú thay cho sổ hộ khẩu để làm thủ tục hành chính và các thủ tục xác minh nhân thân khác.
Đây là một bước cải cách lớn, ứng dụng công nghệ số vào quản lý dân cư để tạo thuận tiện cho người dân cũng như khắc phục những bất cập của chế độ quản lý bằng sổ hộ khẩu.
Thế nhưng, trong thực tế, khi không còn hộ khẩu thì nhiều cơ quan ở địa phương lại yêu cầu người dân phải có giấy xác nhận cư trú. Thuận tiện đâu chưa thấy mà chỉ rắc rối hơn!
Đại diện Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Bộ Công an cho biết tình trạng trên là do “nhận thức chưa đủ” của cán bộ. Cũng theo vị đại diện này, qua kiểm tra trực tiếp “phần lớn các đơn vị thẩm quyền, chức năng tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng không thực hiện, mà vẫn yêu cầu công dân cung cấp giấy xác nhận cư trú khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch”. Việc này là “vi phạm pháp luật, cản trở công cuộc cải cách hành chính”. Ngoài ra còn một số lý do khác được nêu ra như chưa có máy quét mã căn cước công dân, chưa có hướng dẫn…
Những gì đang diễn ra với việc bỏ sổ hộ khẩu cho thấy một thực tế là những nỗ lực cải cách từ cấp cao nhất của Nhà nước có thể dễ dàng bị vô hiệu hóa như thế nào ở ngay cấp thừa hành thấp nhất – cấp gần dân và doanh nghiệp nhất. Nếu lý do là “nhận thức chưa đủ” để “vi phạm pháp luật, cản trở công cuộc cải cách hành chính” thì không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, những lý do mà phía ngân hàng cũng như cơ quan công chứng đưa ra để cho thấy thông tin tích hợp trong căn cước công dân còn thiếu, nên buộc phải có giấy xác nhận cư trú, là điều cần phải suy nghĩ. Ví dụ như khi làm hồ sơ thế chấp nhà đất để vay hay mua bán nhà đất thì phải xác minh tài sản chung của vợ chồng, của hộ gia đình, và loại thông tin này thì không thể cứ quét mã căn cước công dân là có.
Việc nhiều cơ quan nhà nước địa phương có xu hướng bắt người dân phải cung cấp giấy xác nhận cư trú, thay vì những phương thức khác thuận tiện hơn, có thể do cán bộ “nhận thức chưa đủ” hay cố ý gây phiền hà, nhưng với các ngân hàng, cơ quan công chứng thì khả năng cao là thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa đầy đủ.
Nếu do cán bộ thiếu nhận thức, hoặc cố ý gây phiền hà thì Nhà nước cần xử lý nghiêm, nhất là khi tình trạng này còn xuất hiện ở khá nhiều lĩnh vực liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh và các nhu cầu về thủ tục hành chính khác của người dân và doanh nghiệp. Nhưng nếu thiếu sót thuộc về hệ thống thông tin dữ liệu, do việc tổ chức thu thập dữ liệu chưa sát với yêu cầu thực tế thì phía Nhà nước cần rút kinh nghiệm và có hướng giải quyết sớm.
Công nghệ số đang mở ra tiềm năng to lớn để cải cách hành chính. Nhưng nếu chỉ vì lý do nhận thức chưa đầy đủ mà ngay cả cấp thừa hành thấp nhất mà đã có thể vô hiệu hóa quy định mới của pháp luật một cách dễ dàng; hoặc vội vã áp dụng công nghệ vào cải cách mà thiếu chuẩn bị các nền tảng một cách đầy đủ và chi tiết thì công nghệ sẽ không thể phát huy tác dụng.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Khẳng định vai trò Đảng cầm quyền
- Giữ chữ tín để đi đường dài
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo