'Cái chết' rình rập mùa đông, bác sĩ chỉ ra cách phân biệt đột quỵ và trúng gió

Thứ ba, ngày 17 tháng 12 năm 2024 | 16:28

Nhiều người đột quỵ nhưng nhầm lẫn với trúng gió nên bỏ qua thời gian vàng cấp cứu dẫn tới di chứng nặng nề, thậm chí tử vong.

Mới đây, người quen của tôi 29 tuổi sau khi ngủ dậy thấy đau đầu, buồn nôn. Gia đình cho biết anh nghĩ mình trúng gió nên đã cạo gió và nằm nghỉ. Đến trưa, người thân phát hiện anh đã hôn mê, đi cấp cứu mới biết bị bị đột quỵ. Xin chuyên gia chỉ ra dấu hiệu trúng gió và đột quỵ khác nhau như thế nào? (Lê Minh Dũng - Cầu Giấy, Hà Nội).

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Anh, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tư vấn: 

Đột quỵ là tổn thương tại não, dấu hiệu diễn ra rất nhanh, chậm cấp cứu có thể tử vong hoặc di chứng tàn phế.

Toàn thế giới ghi nhận khoảng 15 triệu người đột quỵ mỗi năm, mỗi 45 giây có một người đột quỵ và 3 phút có một người tử vong.

Tỷ lệ tử vong do đột quỵ tại Việt Nam cao hơn thế giới. Bệnh có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Về mùa đông, tỷ lệ đột quỵ cao, nhất là thời điểm sáng sớm khi ngủ dậy.

Nguyên nhân trời lạnh khiến số lượng ca đột quỵ tăng là do nhiệt độ thấp có thể làm mạch máu co lại, gây tăng huyết áp, máu cô đặc dẫn đến hình thành cục máu đông gây đột quỵ. Trong mùa này, nhiều người lười vận động, tập thể thao hơn, có thể là một yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ.

đot quy 2.png

Bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC.

Dấu hiệu đột quỵ và trúng gió:

Trong khi đó, nhiều người khi thấy dấu hiệu chóng mặt, đau đầu, xây xẩm cho rằng mình bị trúng gió, chỉ cần đánh cảm hoặc cạo gió là khỏi. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu của đột quỵ. Vì vậy, người dân cần phân biệt rõ để xử lý đúng cách, giúp giảm nguy cơ bị liệt, rối loạn ngôn ngữ, hôn mê, sống thực vật, thậm chí tử vong.

Triệu chứng của trúng gió là cảm giác bủn rủn, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt. Người bệnh có thể thêm triệu chứng xổ mũi, gai rét, sốt nhẹ.

Còn đột quỵ là vấn đề xảy ra ở não, biểu hiện khu trú hơn, nhanh. Dấu hiệu được gói gọn trong 4 chữ: FAST.

F (FACE): Miêu tả sự biến đổi của khuôn mặt, bệnh nhân có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi bệnh nhân cười mở miệng lớn. Khi đó, bạn yêu cầu người bệnh nói xem mặt có lệch, miệng méo không?

A (ARM): Bệnh nhân cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt 1 bên cơ thể. Cách xác nhận nhanh chóng nhất là yêu cầu bệnh nhân giơ 2 tay lên cùng lúc, cân bằng. Nếu 1 tay thấp hơn hoặc không thể giơ lên được bạn nghĩ ngay tới đột quỵ.

S (SPEECH): Bệnh nhân khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn kiểm tra bằng cách yêu cầu người nghi ngờ bị đột quỵ lặp lại một câu đơn giản. Bạn xem người bệnh nói có tròn vành rõ chữ như thường ngày không. Hoặc người bệnh hơi lú lẫn nói không liên quan như hỏi tên nhưng trả lời tuổi.

Nếu 1 người có 1 trong 3 dấu hiệu trên thì khả năng 70% là đột quỵ não. Khi đó, bạn phải thực hiện chữ T cuối cùng.

T (TIME): Khi ai đó xuất hiện đột ngột các triệu chứng trên hãy nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Khi cơn đột quỵ xảy ra, cứ mỗi phút trôi qua sẽ làm mất 2 triệu tế bào thần kinh. Do đó, phải tiếp cận điều trị càng sớm càng tốt. 

Cấp cứu thường giới hạn trong 3-4,5 giờ đầu (một số trường hợp có thể mở rộng lên 6 đến 24 giờ) từ khi có dấu hiệu đột quỵ đầu tiên. Giờ vàng cấp cứu đột quỵ có vai trò quan trọng trong cứu sống người bệnh, giúp hạn chế tối đa các biến chứng và người bệnh phục hồi nhanh.

Để phòng đột quỵ, bạn thường xuyên tập luyện, vận động, kiểm soát cân nặng, từ bỏ thói quen hút thuốc, ăn uống không lành mạnh. Tầm soát các yếu tố nguy cơ của đột quỵ như bệnh tim mạch, cao huyết áp, mỡ máu, tiểu đường.