Cải tạo Công viên Tuổi trẻ Thủ đô: Vẫn “giậm chân tại chỗ”
Nhằm tránh tình trạng công viên bị xuống cấp, "xẻ thịt", nhiều diện tích đất biến thành nhà hàng, sân bóng, bãi trông giữ xe, không còn chỗ cho người dân đến vui chơi, rèn luyện sức khỏe, ngày 17-1-2024, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 336/QĐ-UBND về việc chấm dứt giao Công ty Thương mại và đầu tư phát triển Hà Nội tổ chức giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư xây dựng, cải tạo Công viên Tuổi trẻ Thủ đô (quận Hai Bà Trưng).
Thế nhưng, đến thời điểm này, công tác đầu tư, cải tạo công viên vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Nhiều diện tích trong Công viên Tuổi trẻ Thủ đô trở thành các điểm tập kết rác thải.
Tại Quyết định số 336/QĐ-UBND ngày 17-1-2024, UBND thành phố Hà Nội đã giao quận Hai Bà Trưng quản lý toàn bộ phạm vi ranh giới Công viên Tuổi trẻ theo hiện trạng quản lý, sử dụng 199.939,045m2 đất đã giải phóng mặt bằng vào mục đích làm công viên; đồng thời khẩn trương lập điều chỉnh quy hoạch phù hợp với định hướng điều chỉnh quy hoạch chung của Thủ đô và thẩm định phê duyệt dự án đầu tư theo phân cấp cấp huyện quản lý.
Để giải quyết dứt điểm những tồn tại sau khi tiếp nhận mốc giới từ Công ty Thương mại và đầu tư phát triển Hà Nội và tạo cảnh quan sạch đẹp cho người dân khu vực đến Công viên Tuổi trẻ vui chơi, rèn luyện sức khỏe, ngày 12-3-2024, UBND quận Hai Bà Trưng có Thông báo số 37/TB-TB về công tác tiếp nhận, quản lý, vận hành công viên.
Theo nội dung Thông báo, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hai Bà Trưng là đơn vị có trách nhiệm rà soát hợp đồng duy tu, duy trì bổ sung khối lượng cây xanh, chiếu sáng, thoát nước, vệ sinh môi trường trong công viên. UBND phường Thanh Nhàn tiếp tục quản lý về đất đai, không gian cảnh quan, trật tự đô thị, bảo đảm an ninh trật tự trong công viên đến khi có đơn vị mới đến tiếp quản.
Thế nhưng, hơn 8 tháng nay, công viên vẫn như bãi đất hoang, các vi phạm về trật tự đô thị cũng như vệ sinh môi trường, an ninh trật tự trong và ngoài công viên diễn ra phổ biến khiến người dân không muốn đến để thư giãn, tập luyện thể thao…
Theo phản ánh của bà Đặng Thúy Hà, một người dân sống ở phường Quỳnh Lôi thì hiện nay các lối vào công viên trên phố Thanh Nhàn và Võ Thị Sáu đã được chính quyền dựng rào chắn, hàn chặt khóa nhằm hạn chế các lái xe ô tô vào công viên để đón trả khách. Song, mỗi khi vắng mặt nhân viên bảo vệ, một số người lại phá khóa, tự do ra vào, biến lối đi trong công viên thành chỗ dừng, đỗ phương tiện.
Cũng vì chậm được đầu tư, cải tạo nên hệ thống đèn chiếu sáng, đường giao thông trong công viên hiện nhiều chỗ đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Một số vườn hoa, ô đất cỏ mọc ngang đầu, cây cối mọc um tùm do không được thường xuyên cắt tỉa, cành khô, lá rụng chất đầy trên lối đi, mặt đường gãy vỡ, lún sụt.
Tỏ ra bức xúc trước việc buông lỏng quản lý, chậm đầu tư, cải tạo công viên của chính quyền sở tại, ông Nguyễn Văn Quyết, một người dân phường Bạch Mai cho biết, do thiếu nhà vệ sinh công cộng nên gần đây tình trạng ô nhiễm môi trường trong công viên đã đến mức báo động. Nhất là khi trời mưa, mùi hôi tanh từ các bãi rác lại bốc lên nồng nặc, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân mỗi khi vào công viên...
Ngày 24-11-2024, quan sát thực tế tại Công viên Tuổi trẻ, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, tình trạng bỏ hoang, xuống cấp ở công viên là đúng với phản ánh của người dân. Hơn 8 tháng sau khi tiếp nhận việc quản lý, đầu tư, cải tạo công viên, ngoài việc tránh phát sinh các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị thì hiện nay Công viên Tuổi trẻ Thủ đô chưa có bất kỳ sự đầu tư, đổi mới nào.
Ngoài việc bị hoang hóa, nhếch nhác, gây lãng phí tài sản của Nhà nước thì hơn 64.000m2 đất chưa giải phóng mặt bằng trên phố Võ Thị Sáu, Trần Khát Chân đã biến thành các nhà hàng, điểm sửa chữa ô tô, xe máy… Một số trường hợp trước đây lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất đã quy hoạch còn tái vi phạm, gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai cũng như trật tự xây dựng của chính quyền địa phương.
Như vậy, có thể thấy việc chậm đầu tư, cải tạo, khiến cho Công viên Tuổi trẻ ngày càng xuống cấp, ảnh hưởng đến việc sinh hoạt của người dân là do đến thời điểm này chính quyền địa phương, cơ quan chức năng chưa tìm được phương án quản lý, vận hành, khai thác các diện tích đất, công trình trong công viên một cách hiệu quả. Sự chậm trễ này không chỉ gây lãng phí, bức xúc dư luận, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quản lý đất đai, trật tự đô thị trên địa bàn.
- Ba tòa chung cư tại quận Hoàng Mai bỏ hoang đến bao giờ?
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Khẳng định vai trò Đảng cầm quyền
- Giữ chữ tín để đi đường dài
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí