Cầm về tiền tốt, đừng cầm về tiền "tệ"
"Mang tiền về cho mẹ - Mang tiền về cho mẹ - Mang tiền về cho mẹ - Đừng mang ưu phiền về cho mẹ"...
Đó là lời bài hát trong tác phẩm mới nhất vừa phát hành của nhạc sĩ - ca sĩ trẻ Đen, hiện đang gây "bão" trên các nền tảng mạng xã hội lẫn các phương tiện truyền thông.
Vẫn là cách đặt vấn đề rất gần gũi, vẫn là lối tự sự mang theo nhiều triết lý của chàng ca sĩ sinh năm 1989, Đen mang đến cho người nghe những suy ngẫm sâu xa, những rung cảm rất đời, nhất là khi đã vào thời điểm cuối năm, Tết đến xuân về, người người, nhà nhà đều dành thời gian để nhìn lại được - mất của một năm đã qua.
Thú vị là, không như nhiều bài hát thịnh hành khác trước đây của Đen, "Mang tiền về cho mẹ" thu hút sự quan tâm và tranh luận của nhiều tầng lớp công chúng nghe nhạc, từ những bạn trẻ đang bươn chải với đời cho đến những doanh nhân lớn.
Ngay trong MV bài hát, thông qua cách dàn dựng tài tình của đạo diễn Thành Đồng, lần đầu tiên Đen tự đảm nhận tới 5 hình tượng nhân vật khác nhau: Từ ngư dân lênh đênh trên biển, công nhân làm việc ở xưởng cơ khí đến giáo viên và cả rapper - nghề nghiệp thực sự ngoài đời của chàng nghệ sĩ.
Chính vì vậy, mỗi người với trải nghiệm của bản thân sẽ có những cảm nhận, những tầng suy nghĩ cho riêng mình.
Trước hết, với thế hệ những bạn trẻ mới vào đời, khi vừa ra trường, mới đi làm, việc có thể mang tiền về cho mẹ dường như là một dấu mốc khẳng định về sự trưởng thành, cứng cáp, bao gồm cả ý thức, trách nhiệm xây dựng.
Bản thân người viết cũng đã trải qua giai đoạn tự hào đó, khi bắt đầu kiếm được những đồng tiền chân chính đầu tiên trong những năm tháng còn trên giảng đường đại học, đã có thể hỗ trợ gia đình chu cấp cho các em… Khoảnh khắc đầu tiên đó - khi con người ta tự bước đi được trên đôi chân của chính mình, tự kiếm sống bằng bàn tay khối óc - thực sự rất thiêng liêng và để lại dấu ấn sâu đậm, khó phai mờ trong cuộc đời mỗi người.
"Mang tiền về cho mẹ" có thể chỉ phổ biến trong văn hóa Á Đông và cũng đang dần thay đổi theo thời gian. Song, giá trị của tinh thần biết ơn, hướng về gia đình, hướng về nguồn cội luôn cần được coi trọng và duy trì.
Lời bài hát này cũng có một số chi tiết khá thú vị:
Tiền của con không có cần phải rửa
Nó cũng chỉ ám mùi mồ hôi
Mẹ yên tâm con là công dân tốt
Đóng thuế đều và chỉ có đủ mà thôi.
(…)
Lao động hăng say, hơn cả tiền "đề"
Cầm về tiền tốt, đừng có cầm về tiền "tệ"
Nghĩa là, nếu có tiền để mang về cho mẹ cũng phải là tiền bằng mồ hôi, công sức lao động, đánh đổi bằng tính sáng tạo. Đó là tiền đã đóng thuế đầy đủ và còn là đồng tiền sạch, không phải "tiền tệ" (chơi chữ - ý là tiền bẩn).
Tưởng là đơn giản nhưng việc đưa những "đồng tiền tốt" về cho mẹ không phải ai cũng làm được. Đáng buồn hơn cả việc làm ăn thất bát không mang được tiền về cho mẹ chính là có những người kiếm được nhiều tiền, nhưng lại mang muộn phiền cho mẹ, gia đình "mất Tết" vì lao lý, tù tội.
Sau khi bài hát ra đời và được phát hành, nhiều tranh luận cuốn theo cả các chuyên gia tài chính, về ý nghĩa tiền bạc, về cách sử dụng tiền (mang tiền về cho mẹ hay đầu tư) v.v… nhưng như Đen đã trao đổi thẳng thắn:
"Câu chuyện mưu sinh kiếm tiền vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Đôi khi mình mải kiếm tiền ngoài đời mà lơ là với gia đình, hãy dành thời gian cho gia đình. Nếu các bạn trẻ đang chơi vơi, không biết mục đích sống và làm việc của mình là gì, hãy coi mang tiền về cho mẹ là một mục đích nhỏ - làm để mang tiền về cho mẹ, sống để mang tiền về cho mẹ, những đồng tiền lương thiện thể hiện sự tự lập của mình để bố mẹ an tâm".
Cũng có thể không có tiền mang về cho mẹ, nhưng nhất thiết là không được mang muộn phiền về nhà.
Dù với ý nghĩa gì, tiền cũng chỉ là một công cụ để chúng ta sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội. Cuộc sống - sau tất cả - chính là tình cảm, tình thân và tình yêu!
Nguồn Dân Trí
https://dantri.com.vn/blog/cam-ve-tien-tot-dung-cam-ve-tien-te-20220111103046204.htm
- Khẳng định vai trò Đảng cầm quyền
- Giữ chữ tín để đi đường dài
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam