Căn bệnh khiến nhiều người không bao giờ tỉnh lại vào ngày hôm sau
Nhiều người trước khi đi ngủ không có biểu hiện bất thường nhưng qua một đêm đã hôn mê hoặc tử vong có thể do đột quỵ gây ra. 3 giây thế giới có 1 người đột quỵ
Thông tin trên được Phó giáo sư Nguyễn Văn Chi, Chủ tịch danh dự Hội Đột quỵ Hà Nội, cho biết tại Hội nghị Đột quỵ quốc tế năm 2024 do Hội Đột quỵ Hà Nội phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tổ chức ngày 9/11.
Theo bác sĩ Chi, tử vong do đột quỵ vượt qua cả ung thư, ngày càng trẻ hóa. Nhiều người khi đi ngủ trông vẫn khỏe mạnh nhưng sáng hôm sau đã hôn mê sâu hoặc tử vong trong đêm. Những trường hợp này có tỷ lệ không nhỏ liên quan tới đột quỵ.
Đột quỵ hiện là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật trên toàn cầu, đặt ra thách thức lớn đối với hệ thống y tế của nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam. Mỗi năm, trên thế giới có hơn 12,2 triệu ca mới, tức là trung bình 3 giây trôi qua có 1 người đột quỵ và 6,5 triệu ca tử vong mỗi năm, trong đó hơn 6% xảy ra ở người trẻ.
Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận hơn 200.000 ca bệnh và con số đáng báo động này đang ngày càng tăng. Tỷ lệ người bệnh đột quỵ vào viện quá thời gian vàng còn cao, nguy cơ tử vong, di chứng lớn.
Bác sĩ Chi cho biết nhờ các hoạt động tuyên truyền, tỷ lệ người dân vào cấp cứu đột quỵ trong giờ vàng tăng hơn trước. Vì vậy, số ca bệnh được can thiệp với các kỹ thuật công nghệ cao, lấy huyết khối, tái tưới máu cũng tăng hơn nhưng bệnh lý này vẫn là gánh nặng tử vong.
Giáo sư Nguyễn Văn Chi chia sẻ bên lề hội nghị. Ảnh: Thế Anh.
Phó giáo sư Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tại trung tâm, tỷ lệ người bệnh được cứu sống khoảng 60% sau đó trở lại công việc bình thường, 30% có di chứng, 10% tử vong. Để giảm tình trạng di chứng, tử vong, Việt Nam cần đẩy mạnh tuyên truyền cho cộng đồng về đột quỵ, dấu hiệu nhận biết sớm và đưa người bệnh đi cấp cứu trong giờ vàng.
Ngoài ra, hệ thống cấp cứu đột quỵ cần được mở rộng, ưu tiên hơn. Theo bác sĩ Tôn, hiện nay rất ít địa phương có trung tâm, khoa đột quỵ ở bệnh viện tỉnh, đơn vị đột quỵ ở bệnh viện tuyến huyện. Nếu xây dựng các đơn vị điều trị chuyên biệt đột quỵ, bệnh nhân sẽ được chăm sóc, phục hồi chức năng, dự phòng tái phát tốt hơn.
Các bước phòng đột quỵ
Phó giáo sư Chi khẳng định đột quỵ nguy hiểm nhưng hoàn toàn dự phòng được. Những yếu tố nguy cơ của đột quỵ là huyết áp cao, rung nhĩ, bất thường bệnh tim, van tim, béo phì, thừa cân, đái tháo đường. Để phòng tránh đột quỵ, người có các bệnh lý trên cần kiểm soát tốt, đưa về các chỉ số an toàn.
Ví dụ, người cao huyết áp cần điều trị thường quy huyết áp ở mức dưới 140-85mmhg. Nếu bạn bị bệnh rối loạn mỡ máu, kiểm soát cholesterol xấu (LDL) về mức dưới 2,6mmol/l, nếu có tổn thương mạch máu cần ở mức 1,8mmol/l. Trường hợp đái tháo đường cần điều trị đường huyết về dưới 7mmol/l. Nếu kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ trên, người bệnh tránh được nguy cơ đột quỵ trong tương lai.
Hằng ngày, người dân cần vận động thể dục thể thao; hạn chế ăn mặn, sử dụng các thực phẩm giàu chất béo, cholesterol. Ngoài ra, cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện bản thân có bị các bệnh lý như trên không. Các xét nghiệm đường máu, mỡ máu… không tốn kém nhưng giúp dự phòng đột quỵ.
Khi có một trong các biểu hiện giảm thị lực, yếu tay chân, nói ngọng/nói khó, đau đầu, chóng mặt… cần đưa người bệnh đến ngay các đơn vị điều trị đột quỵ.
- Bé 4 tuổi đi cấp cứu với tiên lượng tử vong do biến chứng đái tháo đường
- 4 triệu chứng ở chân cảnh báo bệnh tiểu đường đã nghiêm trọng
- Bộ Y tế đề xuất cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng
- 4 thực phẩm giúp giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư
- Ngứa cảnh báo tình trạng nguy hiểm không chỉ là bệnh ngoài da khi trời hanh khô
- Bác sĩ trẻ phát hiện mắc ung thư giai đoạn cuối từ 2 dấu hiệu mờ nhạt
- Hà Nội: Số ca mắc sởi, sốt xuất huyết trong tuần cao nhất từ đầu năm
- Bác sĩ trẻ phát hiện mắc ung thư giai đoạn cuối từ 2 dấu hiệu mờ nhạt
- Hút thuốc lá 10-20 năm, phổi đen kịt do hắc ín