Cần có văn hóa phản biện

Thứ sáu, ngày 14 tháng 4 năm 2023 | 14:31

Tranh biện cũng là một cách nhằm cải thiện tư duy logic, tư duy phân tích và tổng hợp thông tin, kỹ năng thuyết trình, rèn luyện trí nhớ và đặc biệt là biết cách tiết chế cảm xúc để trở nên điềm tĩnh

Hồi đến Tây Tạng, tôi chứng kiến một sự việc rất lạ ở tu viện Sera. Đấy là từ ba đến năm giờ chiều hằng ngày, người ta sẽ thấy các sư tranh luận ầm ĩ ngoài sân tu viện. Đấy chính là lúc các sư… học nhóm. Khách ngoại quốc không hiểu các sư nói gì nhưng nom động tác thì rất kỳ quặc và mắc cười. Sư sẽ tranh biện theo cặp. Trong lúc chất vấn về các giáo lý nhà Phật, sư co một chân rồi vỗ tay vào nhau chan chát liên hồi, sau mỗi cái vỗ tay lại trỏ thẳng vào mặt sư đang ngồi, điệu bộ chế nhạo, thách thức. Những động tác kỳ dị ấy nhằm kích động, khiến sư kia phải rối trí, mất tỉnh táo, nổi giận, u mê lên rồi nói quàng nói xiên dẫn đến việc thua cuộc. Đến ngày thi, hãn hữu cũng có những sư nổi khùng cả lên rồi lôi nhau ra tẩn giữa sân khảo thí, trước sự chứng kiến của hàng ngàn bạn học và các sư thầy.

Chưa có văn hóa phản biện

Bây giờ giáo dục tiên tiến mới vận dụng tranh biện và học nhóm, học theo cặp như một phương pháp thực hành tích cực, song hình thức này đã có từ trước Công nguyên, thời của Đức Phật. Sinh thời, Đức Phật được coi là một bậc thầy về phản biện. Và, nhờ thắng thế trong mọi cuộc tranh biện mà Người đã khiến những kẻ đối nghịch từng buộc tội Người dùng phép thuật để khiến các Phật tử u mê phải đầu hàng hoàn toàn. Tranh biện cũng là một cách nhằm cải thiện tư duy logic, tư duy phân tích và tổng hợp thông tin, kỹ năng thuyết trình, rèn luyện trí nhớ và đặc biệt là biết cách tiết chế cảm xúc để trở nên điềm tĩnh trước mọi ý đồ công kích cũng như các phản biện đa chiều. Trong suốt hơn 20 năm dạy học, điều tôi cảm nhận rõ nhất ở các sinh viên của mình là tư duy phản biện khá yếu kém và tính logic rất thấp trong tranh biện. Đó cũng là điểm yếu của đa số người Việt khi mà kỹ năng tranh biện không được đưa vào trường học. Cho đến đầu thế kỷ XXI, cũng chỉ có các trường quốc tế hoặc số ít trường tư ở Việt Nam đưa môn học "critical thinking" vào giảng dạy.

Chính vì vậy, rất nhiều bài viết trên mạng và các bình luận mới đầu là phản biện, xong chuyển sang cãi cọ, phỉ báng, hạ nhục nhau, thậm chí văng tục khiến những người quan sát phải buồn cười hoặc đúng hơn là cười buồn. Là bởi, người tham gia tranh biện (trí thức hẳn hoi) nhiều khi vi phạm hầu hết (hoặc tất cả) các nguyên tắc phản biện. Họ cãi cùn, cãi cố, cãi lấy được, đánh tráo khái niệm, ngụy biện, lạc đề, "dây cà ra dây muống". Và, sai lầm cơ bản nhất là hoàn toàn không có dẫn chứng, số liệu khách quan để chứng minh cho quan điểm của mình mà chỉ là những suy nghĩ chủ quan cảm tính. Chúng ta cơ bản chưa có văn hóa phản biện và kỹ năng phản biện. Điều này nhà trường cơ bản không dạy. Giáo dục Việt Nam vốn dĩ là trò khoanh tay ngồi nghe giảng, lúc nào thầy cô gọi thì mới lên bảng. Lỡ có phản biện là thành hỗn láo, coi thường giáo viên. Ở nhà, cha mẹ không cổ vũ việc con cái phản biện, đôi khi phản biện được đồng nghĩa với cãi láo; còn không phản biện, bảo gì nghe nấy thì được coi là "ngoan ngoãn". Truyền thống của người Việt trước đây nói chung không khuyến khích những tiếng nói phản biện. Dám phản biện và cất lên những tiếng nói riêng được coi như sự nổi loạn tiêu cực và kỳ dị.

Cần có văn hóa phản biện - Ảnh 1.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Phản biện là kỹ năng bậc cao

 

Phản biện là một môn học rất khó và một kỹ năng bậc cao. Để trở thành bậc thầy trong lĩnh vực tranh biện, người ta không những phải thường xuyên trau dồi kỹ năng "critical thinking" từ bậc tiểu học mà cần liên tục rèn luyện khả năng tự biện và phản biện suốt cuộc đời bằng cách quan sát, chiêm nghiệm, suy luận logic; liên tục bổ sung kiến thức. Thái độ phản biện cũng quan trọng không kém, nó giữ cho đầu óc người tham gia tranh luận được điềm tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt, kiên nhẫn và lịch sự. Rất tiếc rằng cả kỹ năng và thái độ này đều chưa bao giờ được đưa vào giáo dục nhà trường và gia đình. Không được khuyến khích phản biện, thậm chí cấm phản biện, thái độ điển hình của người Việt trước đám đông là hiếm khi giơ tay phát biểu. Im lặng là thái độ rất phổ biến.

NGUỒN TREANG PB