Cần đầu tư xứng tầm cho giao thông tĩnh trong đô thị lớn
Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đang đối mặt với nguy cơ không đủ chỗ đỗ cho xe ô tô, bởi lĩnh vực “giao thông tĩnh” này chưa được phát triển đúng tầm trong nhiều năm qua.
Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 900.000 ô tô đã đăng ký hoạt động, nhưng điểm đỗ xe đang rất thiếu.
Thiếu điểm đỗ xe
Khu trung tâm quận 1 của thành phố Hồ Chí Minh có Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Công viên Bạch Đằng, Nhà hát thành phố và nhiều trung tâm thương mại lớn. Tuy nhiên, giao thông tĩnh (nơi đậu, đỗ xe phục vụ các tụ điểm trên) lại rất thiếu.
Anh Vũ Trọng Chiến, một du khách từ Hà Nội vừa thực hiện chuyến du lịch đưa cả nhà xuyên Việt. Buổi tối khi đến thành phố Hồ Chí Minh, anh đã phải vòng xe nhiều vòng quanh khu vực Phố đi bộ Nguyễn Huệ mới tìm được điểm đỗ xe.
“Một số điểm trông xe thu phí trên các tuyến đường xung quanh Phố đi bộ Nguyễn Huệ chật kín xe. Theo chỉ dẫn của người bạn, tôi phải lái xe ra một trung tâm thương mại cách đó khoảng 1km để gửi xe xuống hầm và cũng phải xuống đến tầng hầm thứ 6 mới có chỗ đỗ”, anh Chiến nói.
Ô tô đỗ tại phần đường phía trước Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng cảnh với anh Chiến, bạn Hoàng Phương Trang, sinh viên năm nhất Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Em và các bạn lòng vòng hơn nửa tiếng đồng hồ mới tìm được điểm gửi xe máy để vào Công viên Bạch Đằng ven sông Sài Gòn chơi buổi tối. Lạ là điểm thu hút nhiều người như vậy, nhưng không có bãi giữ xe”.
Có thể nói, phần lớn những điểm vui chơi, mua sắm của thành phố Hồ Chí Minh chưa có bãi đỗ xe tương xứng lượng người đến đó. Nhà hát thành phố đành để ô tô đậu tràn ra khoảng đường trống phía trước, bởi không có bãi đỗ riêng. Tầng hầm để xe máy tại Trung tâm Thương mại Parkson trên đường Lê Thánh Tôn, dù đã phải bố trí giá 2 tầng để xe máy, nhưng luôn chật kín xe.
Nhiều tuyến phố trung tâm Đà Nẵng phải cho ô tô đậu lề đường, vì thiếu điểm đỗ.
Tại Đà Nẵng, đô thị đang phát triển với tốc độ rất nhanh này cũng bắt đầu đối mặt với nguy cơ thiếu điểm đỗ ô tô, dù chưa nghiêm trọng như thành phố Hồ Chí Minh. Những tuyến phố chính trong nội đô Đà Nẵng có mật độ giao thông đông đúc như: Hùng Vương, Ông Ích Khiêm, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Trường Sa - Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa... cũng phải tạm để xe đỗ 2 bên đường.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông Vận tải thành phố Đà Nẵng Bùi Hồng Trung cho biết, từ năm 2014 đến nay, UBND thành phố đã chỉ đạo triển khai nhiều dự án bãi đỗ xe khu vực trung tâm. Nhưng do nhiều nguyên nhân, các dự án chưa hoàn thành như mong muốn. Hiện quỹ đất dành cho giao thông tĩnh ở các quận trung tâm như Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn rất nhỏ, ở mức dưới 1% trong khi lượng phương tiện ô tô đang ở mức trên 103.310 chiếc (tính đến hết tháng 7-2022).
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai thêm 22 tuyến phố được đỗ xe ô tô.
Cần sớm khắc phục
Để đáp ứng nhu cầu đỗ xe cho khoảng 900.000 ô tô đăng ký tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đã quy hoạch nhiều bãi đỗ xe ngầm, nhưng hầu như chưa được triển khai. 4 dự án được cho là khả thi nhất gồm bãi đỗ ngầm phía dưới Công viên Tao Đàn hay dưới Sân khấu Trống Đồng, dưới Công viên Lê Văn Tám và Sân vận động Hoa Lư (tổng công suất khoảng 7.000 ô tô và hàng chục nghìn xe máy) vẫn chỉ có trên giấy, bởi các nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn khi triển khai.
Ngành Giao thông thành phố Hồ Chí Minh đang sử dụng lòng đường của 20 tuyến đường tại quận 1, quận 3, quận 5 và quận 10 để trông giữ xe có thu phí. Sắp tới, thành phố dự định triển khai thêm 23 tuyến phố nữa được trông giữ xe ô tô, với hy vọng đáp ứng phần nào nhu cầu của người dân. Xa hơn nữa, từ nay đến năm 2030, thành phố tính chuyện triển khai đề án thu phí phương tiện cá nhân vào nội đô, để khuyến khích người dân dùng phương tiện công cộng, giảm áp lực giao thông động và tĩnh.
Thành phố Đà Nẵng xây thêm nhiều nhà để xe công cộng.
Tại thành phố Đà Nẵng, mọi việc dường như đang được triển khai sớm hơn, với việc hướng đến tỷ lệ 3-4% đất đô thị được dành cho giao thông tĩnh như Quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong số này, tổng diện tích các bãi đỗ xe vào khu vực trung tâm khoảng 120ha.
Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố Đà Nẵng Lê Văn Lâm cho biết, từ cuối năm 2018, UBND thành phố Đà Nẵng có chủ trương kêu gọi đầu tư các bãi đỗ xe thông minh theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng diện tích 23.270m2, dự kiến khoảng gần 1.000 vị trí đỗ. Hiện bãi đỗ xe tại 255 Phan Chu Trinh được đầu tư bằng vốn ngân sách, công suất 50 vị trí đỗ đã được khai thác từ năm 2019; đang triển khai giai đoạn 2 bằng việc xây tòa nhà 6 tầng với 74 vị trí đỗ. Bãi đỗ xe tại 166 đường Hải Phòng với quy mô 173 vị trí đỗ dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm 2022. Một bãi đỗ xe khác rộng hơn 4.800m2 cũng đang được thành phố xây dựng tại quận Ngũ Hành Sơn…
Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông Vận tải thành phố Đà Nẵng Bùi Hồng Trung thông tin: “Thành phố Đà Nẵng ưu tiên phát triển các dự án giao thông tĩnh sử dụng công nghệ thông minh để tăng hiệu suất cho bãi đỗ xe ô tô; tăng cường xây dựng bãi đỗ xe nhiều tầng để tăng hiệu quả sử dụng đất và đáp ứng nhu cầu của người dân, du khách đến thành phố”.
(HNNN) - Mật độ dân cư đông, lưu lượng phương tiện giao thông ngày càng tăng trong khi hạ tầng giao thông còn hạn chế..., đó là …
- Anh dân quân không tham của rơi, tìm người để trả
- Trục vớt, di dời quả bom M-118 thứ 3 tại quận Long Biên
- Thủ tướng Chính phủ đồng ý nghỉ 9 ngày liên tục trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Cháy rừng ở Sóc Sơn ngày càng khó kiểm soát
- Lễ hội cây cảnh hoa giấy Phù Đổng - “Sắc hoa trên miền di sản”
- Khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine do căng thẳng leo thang
- Trách nhiệm, đồng lòng chống lãng phí
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3