Cần định vị rõ quy hoạch cầu Thủ Thiêm 4

Thứ sáu, ngày 23 tháng 8 năm 2024 | 9:54

Thành phố Hồ Chí Minh vừa bổ sung thêm phương án thiết kế tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 (nối từ thành phố Thủ Ðức qua Quận 7). Với phương án thiết kế tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 chỉ ở mức 15 m như đề xuất vừa nêu, dư luận một lần nữa không khỏi lo ngại về sự nhất quán và hợp lý khi các phương án liên tục thay đổi cũng như định hướng phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh đối với khu vực cảng Nhà Rồng-Khánh Hội.

Khu vực quy hoạch cầu Thủ Thiêm 4 vượt sông Sài Gòn.
Khu vực quy hoạch cầu Thủ Thiêm 4 vượt sông Sài Gòn.

Nhiều ý kiến đã đề xuất chính quyền thành phố xem xét, chốt phương án thiết kế cầu Thủ Thiêm 4 cần gắn với quy hoạch chung, nhất là lựa chọn vị trí để xây dựng cảng hành khách quốc tế trong tương lai.

Dự án cầu Thủ Thiêm 4 nằm trong danh mục các công trình tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) của Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi hoàn thành, công trình sẽ tạo thành trục giao thông quan trọng, kết nối giữa thành phố Thủ Ðức qua Quận 7, giải quyết ùn tắc giao thông và tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế khu đô thị mới phía nam cũng như khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo phương án thiết kế ban đầu Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trình Bộ Giao thông vận tải, tĩnh không thông thuyền của cầu Thủ Thiêm 4 chỉ cao 10 m. Với chiều cao tĩnh không này, đồng nghĩa với việc tàu trọng tải lớn không thể ra vào, tự mình đánh mất đi lợi thế của một cảng đang tiếp nhận tàu biển chở khách du lịch, cản trở mục tiêu chuyển đổi công năng, làm mất đi cảnh “trên bến, dưới thuyền” của một thương cảng sầm uất, vốn làm nên thương hiệu của thành phố Sài Gòn xưa.

Nhiều chuyên gia kinh tế, kiến trúc sư, doanh nghiệp và người dân do lo ngại khu vực Cảng Sài Gòn sẽ trở thành “ốc đảo”, bằng tâm huyết và trách nhiệm của mình, đã bày tỏ chính kiến và tìm cách phản biện, hiến kế trên các kênh truyền thông uy tín.

Tại hội thảo “Ảnh hưởng của tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 đến tiềm năng phát triển du lịch khu vực Cảng Sài Gòn” do Báo Nhân Dân tổ chức vào tháng 8/2023, các kiến trúc sư, chuyên gia kinh tế, đô thị, nhà quản lý đã thảo luận, nêu giải pháp ưu việt, tư vấn cho lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng và lựa chọn phương án thiết kế cầu Thủ Thiêm 4 với tĩnh không phù hợp.

Tại hội thảo, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải đã cảm ơn, ghi nhận ý kiến đóng góp của các nhà khoa học. Ông cho rằng, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã nhìn nhận vấn đề và chắc chắn sẽ phát triển khu vực Cảng Nhà Rồng-Khánh Hội thật tương xứng với lợi thế, tiềm năng của sông Sài Gòn.

Trên cơ sở này, tháng 12/2023, Sở Giao thông vận tải đã trình Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kết quả nghiên cứu, đề xuất chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 theo phương thức đối tác công-tư (hợp đồng BOT). Theo phương án đề xuất mới, khi hoạt động bình thường, cầu có tĩnh không 15m; khi có tàu lớn đi qua, tĩnh không lên 45 m.

Phương án này được các nhà khoa học, người dân và doanh nghiệp đồng tình ủng hộ. Việc thay đổi phương án thiết kế tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 đã thể hiện tinh thần cầu thị, trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải trước những góp ý, hiến kế của các chuyên gia kinh tế, đô thị đầu ngành.

“Cầu Thủ Thiêm 4 với kiến trúc độc đáo, hài hòa và kết cấu phù hợp, sẽ là điểm nhấn thu hút du lịch, tạo thuận lợi cho việc khai thác bến tàu khách quốc tế trên sông Sài Gòn, làm gia tăng hiệu quả kinh tế và mang lại các tiện ích, phúc lợi cho cộng đồng xã hội, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội Thành phố Hồ Chí Minh”, ông Lâm nêu quan điểm.

Tuy nhiên, trong văn bản báo cáo và kiến nghị Bộ Giao thông vận tải ngày 9/8/2024 mới đây, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh lại chỉ đưa ra hai phương án thiết kế tĩnh không cầu cao 10 m và 15 m. Sau khi phân tích nhược điểm của phương án cầu cao 10 m, Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét phương án xây cầu Thủ Thiêm 4 với tĩnh không thông thuyền (dài x cao) 80 m x 15 m, quy mô 6 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 4.840 tỷ đồng để hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, sớm trình cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án.

 

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, ông Lâm cho rằng, phương án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 với tĩnh không thông thuyền 15m như phương án vừa trình Bộ Giao thông vận tải chỉ là một trong những phương án nghiên cứu của thành phố theo quy hoạch. “Hiện Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang tiếp tục rà soát quy hoạch, đưa ra nhiều phương án xây dựng để so sánh, đánh giá”, ông Lâm giải thích.

Tuy nhiên, việc không đưa thêm phương án thiết kế với tĩnh không cao 45 m vào phương án trình Bộ Giao thông vận tải, đã khiến dư luận xã hội hết sức băn khoăn, hụt hẫng. Trước đó, chính Sở Giao thông vận tải đánh giá phương án thiết kế hiện đại theo mô hình cầu của Pháp này là khả thi, tạo điều kiện “mở cửa” phát huy tiềm năng du lịch, tô đẹp cảnh quan trên sông Sài Gòn,…

Ở diễn biến liên quan, tại cuộc họp nghe báo cáo một số nội dung điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phan Văn Mãi khẳng định, thống nhất nghiên cứu quy hoạch vị trí Cảng Nhà Rồng-Khánh Hội là cảng hành khách quốc tế.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đã giao đơn vị tư vấn lấy ý kiến của chuyên gia, cơ quan có thẩm quyền và thiết kế theo hướng tuân thủ tổng thể về không gian, cảnh quan, môi trường, quy hoạch hệ thống đường sắt kết nối liên quan,...

Từng tham gia hội thảo về ảnh hưởng của tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 do Báo Nhân Dân tổ chức, Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn vẫn giữ quan điểm nên xem xét thiết kế tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 trong mối tương quan với quy hoạch đường thủy và cảng hành khách quốc tế.

Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh cần làm rõ ba yếu tố trước khi lựa chọn phương án: Thứ nhất là cầu đặt ở đâu, tĩnh không cao bao nhiêu? Thứ hai là đường dẫn lên cầu quy hoạch như thế nào (yếu tố này rất quan trọng)? Thứ ba là không gian quy hoạch kiến trúc của khu vực chung quanh ra sao? Trong đó, phải xác định cho được cảng hành khách quốc tế nằm ở vị trí nào, đó chính là tiêu chí quan trọng chọn tĩnh không cầu, cho tàu bè lớn từ bên ngoài ra vào cảng.

“Kinh nghiệm của nhiều quốc gia, cảng hành khách được xem như một sân bay lớn, phương tiện và hành khách khắp nơi đổ về và toả đi. Do đó, việc chọn tĩnh không cầu phù hợp quy mô và tầm nhìn dài hạn của một cảng hành khách quốc tế, cần được Thành phố Hồ Chí Minh tham vấn thật kỹ, tính toán về lâu dài, tận dụng triệt để lợi thế đô thị cảng”, ông Sơn lý giải.

Ðại diện nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, nếu Thành phố Hồ Chí Minh quy hoạch khu vực Cảng Nhà Rồng-Khánh Hội thành cảng hành khách quốc tế thì phương án tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 cao 15m cũng không khả thi, bởi với chiều cao như vậy, các tàu du lịch quốc tế lớn đều không vào được khu vực bến cảng. Trong khi đó, Cảng Nhà Rồng-Khánh Hội nằm ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, có khả năng tiếp nhận tàu khách quốc tế là lợi thế rất lớn cho phát triển du lịch mà không phải đô thị lớn nào trên thế giới cũng có được.

Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nhã nêu rõ quan điểm, lãnh đạo thành phố đã xác định Cảng Nhà Rồng-Khánh Hội là cảng hành khách quốc tế. Như vậy, phương án tĩnh không cầu 15m đối với cầu Thủ Thiêm 4 vẫn chưa phải là tối ưu và khả thi. “Tĩnh không là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với thiết kế cầu. Do vậy, định vị quy hoạch cầu Thủ Thiêm 4 như thế nào chính là điều mà cơ quan quản lý có trách nhiệm phải làm rõ, sớm công bố cụ thể trước khi triển khai thực hiện”, ông Nhã bày tỏ.