Cân đối lãi suất huy động - cho vay: Ngân hàng đứng trước áp lực lớn

Chủ nhật, ngày 1 tháng 9 năm 2024 | 14:14

Vừa phải tăng lãi suất huy động để giữ chân khách hàng cũ và thu hút khách hàng mới nhưng lại phải tính đến bài toán giảm lãi suất cho vay để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại đang đứng trước áp lực lớn trong một bối cảnh phải cân đối bài toán lãi suất huy động - cho vay.

ngan-hang.jpg

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong. Ảnh: Đỗ Tâm

Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động

Theo thống kê, từ đầu tháng 8-2024 đến nay, có hơn 10 ngân hàng tăng lãi suất huy động, như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế (VIB), Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank), Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thương Tín (VietBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB)...

Trong biểu lãi suất mới, các kỳ hạn 6, 9, 12, 24 tháng được nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng 0,1-1,3%/năm. Thậm chí lãi suất ở một số ngân hàng đã vượt mốc 6%/năm, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh gấp 3 lần so với tốc độ tăng của huy động vốn. Ngoài ra, các ngân hàng tăng lãi suất huy động nhằm nâng tính cạnh tranh của kênh gửi tiết kiệm so với các kênh đầu tư khác.

Không chỉ tăng lãi suất một lần, có những ngân hàng đã có 2 lần điều chỉnh trong tháng 8. Khảo sát ngày 21-8, sau Sacombank đến lượt Vietbank, DongA Bank tiếp tục tăng lãi suất huy động hầu hết kỳ hạn tiền gửi. Kỳ hạn 18-36 tháng tăng mạnh 0,5%/năm, lên 5,2%/năm. Các kỳ hạn 12 và 13 tháng duy trì ở mức 5,3%/năm và 5,6%/năm. Lãi suất “siêu cao” 7,5%/năm được áp dụng cho khách hàng gửi từ 200 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng trở lên.

Đáng chú ý, tham gia vào cuộc đua tăng lãi suất huy động có một ngân hàng ở nhóm “Big 4” (4 ngân hàng lớn nhất Việt Nam) là Agribank. Đây là nhóm có thị phần tín dụng lớn trên thị trường, có tầm ảnh hưởng về lãi suất và thanh khoản, nên mỗi động thái của nhóm này đều được thị trường theo dõi, dự báo về chính sách lãi suất điều hành.

Theo biểu lãi suất mới của Agribank, kỳ hạn 1 tháng tăng lên mức 1,7%/năm; kỳ hạn 3 tháng tăng lên 2%/năm; 6-9 tháng tăng lên 3%/năm; 12-18 tháng 4,7%/năm; 24-36 tháng 4,8%/năm. So với 3 ngân hàng còn lại cùng nhóm, mức tăng của Agribank vẫn trong mặt bằng chung, chỉ nhỉnh hơn hoặc thấp hơn khoảng 0,1%/năm tùy kỳ hạn. BIDV huy động lãi suất trong khoảng 1,7-4,8%/năm; VietinBank 2-5%/năm; Vietcombank 1,6-4,7%/năm.

Còn cơ hội giảm lãi suất cho vay?

Câu hỏi đặt ra là ngân hàng làm thế nào để vừa tăng lãi suất huy động nhưng vẫn có cơ hội giảm lãi suất cho vay? Theo nhận định của chuyên gia, dù các ngân hàng thương mại tăng lãi suất tiết kiệm nhiều đợt và liên tục, song các ngân hàng "Big 4" (Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank) vẫn giữ mặt bằng lãi suất thấp hơn so với thị trường, cho thấy chủ trương giảm chi phí, nỗ lực giảm lãi vay, cải thiện điều kiện tiếp cận tín dụng nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước.

Mới đây, Agribank công khai lãi suất cho vay ngắn hạn với lĩnh vực ưu tiên là 4%/năm; cho vay ngắn hạn thông thường (tối thiểu) 5%/năm; cho vay trung và dài hạn thông thường (tối thiểu) 5,5%/năm. Cho vay thẻ tín dụng 13%/năm. Lãi suất cho vay bình quân của Agribank là 7,06% năm trong đó chi phí vốn bình quân là 5,51%/năm, chênh lệch 1,55%.

Đại diện Agribank khẳng định, ngân hàng vẫn đang giữ chênh lệch ở biên rất mỏng theo hướng hỗ trợ tối đa khách hàng vay vốn. Với mức lãi suất này, giả định chi phí vốn điều chỉnh theo biểu huy động mới, việc nhích lãi suất vay nếu có cũng không đáng kể.

Đại diện các ngân hàng đều có chung nhận định, mặc dù tăng lãi suất huy động, song, lãi suất cho vay sẽ duy trì hợp lý để tiếp tục hỗ trợ khách hàng, góp phần phục hồi kinh tế. Theo ông Đoàn Minh Tuấn - đại diện Công ty cổ phần FIDT (tư vấn đầu tư và quản lý tài sản), khả năng các ngân hàng lớn vẫn giữ mặt bằng lãi suất thấp như hiện tại. Tuy nhiên, xu hướng lãi suất đi theo 2 kịch bản. Thứ nhất, nếu tăng trưởng tín dụng cao, đến hết quý III có thể đạt 90% chỉ tiêu mà huy động không tăng trưởng mạnh, đồng thời không có rủi ro vĩ mô, khả năng “trần” lãi huy động cao có thể điều chỉnh nhẹ ở mức 5%/năm. Thứ hai, tăng trưởng tín dụng hệ thống đạt mục tiêu 14-15%, lãi suất huy động cao nhất của nhóm có thể lên mức 5,5-6%/năm, là mức tăng phù hợp tăng trưởng kinh tế và không có rủi ro đảo chiều chính sách tiền tệ.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán rồng Việt (VDSC), lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng nhẹ và kết thúc năm 2024 cao hơn mức đầu năm bình quân khoảng 0,5-1%/năm.

Đối với lãi suất cho vay, VDSC dự báo, sự thay đổi từ lãi suất huy động sang lãi suất cho vay luôn có độ trễ, do đó, lãi suất huy động tăng trở lại có thể sẽ chưa ảnh hưởng đến đà giảm của lãi suất cho vay, ít nhất là cho đến cuối năm 2024.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể nhích thêm 50 điểm cơ bản, quay về mức 5,2-5,5% vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và các ngân hàng thương mại đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.