Cần giải pháp đồng bộ
Thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay có hiện tượng bất thường, bởi kinh tế vĩ mô rất tốt nhưng thị trường này lại gần như "đóng băng" và rõ ràng là có điểm nghẽn cần tháo gỡ.
Những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm của thị trường BĐS hiện nay đến từ xu hướng điều chỉnh chung của thị trường BĐS thế giới và Việt Nam sau hơn 2 năm tăng trưởng khá nóng. Vướng mắc về pháp lý chưa được giải quyết kịp thời. Nguồn vốn bị thu hẹp hơn thời gian qua. Nhiều vụ việc vi phạm liên tiếp xảy ra khiến niềm tin nhà đầu tư giảm sút, thanh khoản thị trường giảm nhanh và liên quan đến quan hệ cung cầu khiến giá cả chưa hợp lý.
Trong các nhóm khó khăn, vướng mắc chính thì môi trường pháp lý còn nhiều điểm nghẽn, là khó khăn lớn nhất hiện tại. Nhiều quy định còn chồng chéo, thiếu nhất quán, không rõ ràng, không được hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời, chưa phù hợp với thực tiễn... Trong khi có tâm lý sợ trách nhiệm, sợ sai ở một bộ phận cán bộ công chức khá rõ nét khiến cho nhiều dự án không thể triển khai được hoặc thời gian triển khai kéo dài, muốn bán, chuyển nhượng, thế chấp hay muốn nộp tiền thuê đều khó. Từ đó, dẫn đến bỏ hoang, tồn kho, lãng phí, tốn kém, suy giảm niềm tin...
Công tác quy hoạch, thực thi và giám sát thực thi quy hoạch còn nhiều bất cập. Công tác giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Cơ cấu thị trường mất cân đối nghiêm trọng. Riêng về giá cả, hiện nay, giá BĐS đang ở mức tương đối cao so với thu nhập của đa số người dân…
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên thị trường BĐS ở thời điểm này, về quan điểm, theo tôi nhà nước không nhất thiết phải dùng tiền ngân sách để hỗ trợ, giải cứu. Có thể dùng cơ chế, chính sách và vốn đối ứng, nhất là vốn mồi (chủ yếu đối với nhà ở xã hội). Thị trường BĐS cũng như thị trường tài chính, cần tiến tới minh bạch thị trường và chuyên nghiệp hơn.
Về giải pháp trước mắt, Quốc hội, Chính phủ, bộ ngành, địa phương cần giải quyết dứt điểm những vụ việc vừa qua để bảo đảm lấy niềm tin của thị trường và nhà đầu tư. Sớm sửa đổi các nghị định, thông tư trong thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là liên quan đến chuyển nhượng dự án, xác định tiền thuê đất, định giá đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, quy hoạch nhà ở xã hội.
Đối với các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản, nên xem xét có phương án cụ thể, quyết liệt để giải quyết căng thẳng thanh khoản khi các trái phiếu đáo hạn. Sửa đổi Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nên có hướng dẫn khuyến khích doanh nghiệp phát hành ra công chúng; các bộ ngành hướng dẫn để có thể đổi trái phiếu lấy BĐS.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cần chủ trì phối hợp Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính sớm trình đề án phát triển nhà ở xã hội gói 110.000 tỉ đồng, trong đó cần rút kinh nghiệm từ 6 bất cập khi triển khai gói 30.000 tỉ đồng trước đây để triển khai hiệu quả.
Nguồn: https://nld.com.vn/
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Khẳng định vai trò Đảng cầm quyền
- Giữ chữ tín để đi đường dài
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo