Cần giải pháp tổng thể gỡ "nút thắt" trái phiếu doanh nghiệp

Thứ sáu, ngày 10 tháng 3 năm 2023 | 9:17

Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã chính thức được ban hành với nhiều điểm mới kỳ vọng sẽ góp phần giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bớt khó khăn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, thị trường này vẫn còn rất nhiều nút thắt cần tháo gỡ, thông qua các giải pháp tổng thể từ nhiều bộ, ngành và đặc biệt là sự nỗ lực của các doanh nghiệp, cũng như sự thấu hiểu của nhà đầu tư.

Áp lực còn rất lớn

Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS), điểm đáng chú ý nhất trong Nghị định 08/2023/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành là quy định đàm phán kéo dài thời hạn trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Việc có khung pháp lý chính thức giúp cho doanh nghiệp có thêm thời gian và không gian xử lý lượng trái phiếu đến hạn là điểm tích cực trong ngắn hạn đối với thị trường TPDN. Đây sẽ là bước đầu tiên tạo khung pháp lý cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn với thị trường TPDN nói riêng và thị trường vốn nói chung. Các bước tiếp theo nhằm xử lý lượng trái phiếu chậm thanh toán gốc, lãi sẽ bao gồm quá trình đàm phán các điều khoản, tài sản khác giữa trái chủ và doanh nghiệp phát hành. Quá trình được dự báo tương đối phức tạp, phụ thuộc vào từng trường hợp riêng biệt.

Nguồn: VNDIRECT RESEARCH, HNX
Nguồn: VNDIRECT RESEARCH, HNX

“Nhìn rộng hơn, các khó khăn trung hạn vẫn tồn tại bao gồm khả năng phát hành mới, phát hành tái cơ cấu bị hạn chế; đồng thời chi phí phát hành mới duy trì ở ngưỡng cao. Lượng trái phiếu mua lại trước hạn cũng sẽ tiếp tục làm giảm quy mô chung của thị trường TPDN” - chuyên gia của VCBS cho hay.

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), ước tính giá trị đáo hạn TPDN năm 2023 vào khoảng 252 nghìn tỷ đồng (tăng 64% so với cùng kỳ), trong đó, giai đoạn quý II - III/2023 khá thử thách với gần 160 nghìn tỷ trái phiếu đáo hạn. Nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất với 43% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong năm 2023, tương đương 107,7 nghìn tỷ đồng.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn, danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ đang dần tăng lên.

Đến ngày 5/3/2023, có khoảng 46 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc TPDN theo thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). “Chúng tôi ước tính, tổng dư nợ TPDN của các doanh nghiệp này vào khoảng 121,1 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng gần 12% dư nợ TPDN toàn thị trường. Khoảng gần 38,5 nghìn tỷ đồng TPDN của các doanh nghiệp trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 15% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm” - chuyên gia của VNDIRECT cho biết.

Chờ đợi thêm nhiều giải pháp đồng bộ khác

Theo ông Vương Hoàng Sơn - Giám đốc Khối Ngân hàng đầu tư của VNDIRECT, thị trường TPDN Việt Nam đã gặp phải nhiều thách thức trong thời gian qua, làm suy giảm niềm tin cho nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân. Do vậy, để có thể ổn định và phục hồi niềm tin cho thị trường cần có các giải pháp để tăng tính minh bạch cho thị trường này.

Cũng theo ông Sơn, các cơ quan quản lý cần các giải pháp để thu hút nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu. Nhà đầu tư có thể được khuyến khích đầu tư vào thị trường trái phiếu bằng cách tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi và giảm các rào cản để tiếp cận đến các lựa chọn đầu tư khác nhau.

“Việc ngưng thi hành một số quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp của Nghị định 08 là một động thái tích cực hướng đến mục tiêu này trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong thị trường hiện nay không có nhiều nhà đầu tư cá nhân sẵn sàng tham gia trở lại, mà vai trò của nhà đầu tư tổ chức cần được đề cao hơn. Chúng tôi cho rằng, cần nới lỏng ngay một số điều kiện của các nhà đầu tư tổ chức như ngân hàng, bảo hiểm, công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ khi tham gia đầu tư vào TPDN.

Bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Phân tích của VNDIRECT cũng cho rằng, để thị trường TPDN có thể phục hồi sẽ cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ khác. Đầu tiên là cần thêm nhiều giải pháp quyết liệt hơn từ doanh nghiệp để củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào TPDN. Các doanh nghiệp bất động sản cũng phải nỗ lực tái cơ cấu, tái cấu trúc sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thực của thị trường; đồng thời có biện pháp xử lý hàng tồn kho nhằm thu tiền về để giải quyết những khó khăn hiện tại của dòng tiền.

Bên cạnh đó, bà Khánh Hiền đề xuất, cơ quan quản lý cần có phương án đẩy nhanh giải quyết các thủ tục pháp lý cho các dự án bất động sản. Ngoài ra, “tương tự như bài học từ việc xử lý khủng hoảng TPDN tại các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, việc hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng, để giải quyết vấn đề thanh khoản ngắn hạn là rất quan trọng. Vì vậy, chúng tôi cho rằng thị trường chờ đợi những tín hiệu tích cực hơn từ các nhóm giải pháp này” - bà Hiền cho hay.

Phát triển quỹ đầu tư và mở rộng kênh trái phiếu đại chúng

“Về lâu dài, nhà đầu tư chuyên nghiệp cần được xác định chủ yếu là những nhà đầu tư tổ chức và một số ít cá nhân hoạt động chuyên nghiệp trên thị trường tài chính hoặc có tài sản lớn. Tuy vậy, trước khi điều chỉnh tiêu chí sàng lọc đến mục tiêu đó, cần tạo ra các kênh đầu tư khác phù hợp để nắn dòng vốn của nhà đầu tư cá nhân như phát triển các quỹ đầu tư hay mở rộng kênh phát hành trái phiếu ra công chúng. Điều này sẽ giúp quá trình chuyển dịch của thị trường diễn ra mượt mà hơn, không gây sốc cho các chủ thể tham gia” - ông Vương Hoàng Sơn, Giám đốc Khối Ngân hàng đầu tư, VNDIRECT.

Nguồn: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/