Cần gỡ vướng mắc để cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ
Trong quá trình cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, TP. HCM đã gặp một số khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.
Ngày 8/2, UBND TP. HCM tiếp tục có cuộc họp liên quan đến những khó khăn vướng mắc trong việc cải tạo chung cư cũ nhằm chuẩn bị những đề xuất trước khi làm việc với Bộ Xây dựng.
Theo UBND TP. HCM, Bộ Xây dựng cần có ý kiến thống nhất về việc áp dụng điều khoản chuyển tiếp của Nghị định số 69/2021 của Chính phủ để tiếp tục thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ tạm cư, tái định cư đã được chấp thuận của các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã triển khai tại TP. trước đây.
Cụ thể, việc chấp thuận chủ đầu tư đã chi hỗ trợ bằng tiền cho người đang thuê các căn hộ thuộc sở hữu Nhà nước mà không có nhu cầu tái định cư để tự lo chỗ ở mới bằng 60% giá trị đất và 60% giá trị nhà theo đơn giá bồi thường được thẩm định và hộ dân đang thuê nhà ở sở hữu Nhà nước không có nhu cầu thuê lại nhà ở sở hữu Nhà nước.
Chủ đầu tư có trách nhiệm tiếp tục nộp vào ngân sách Nhà nước phần còn lại bằng 40% giá trị đất và 40% giá trị nhà theo đơn giá bồi thường được thẩm định.
Sau khi thực hiện hoàn tất 2 công tác trên thì công nhận chủ đầu tư đã hoàn thành bồi thương đối với nhà, căn hộ thuộc sở hữu Nhà nước.
Đối với các trường hợp dự án mới triển khai thì thực hiện đúng quy định của Nghị định 60 là không chi trả hỗ trợ bằng tiền đối với trường hợp đang thuê chọn hình thức tự lo nơi ở mới.
Theo UBND TP. HCM, trước đây nhiều dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã chọn được chủ đầu tư và được cơ quan Nhà nước chấp thuận phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo cách hỗ trợ di dời người dân đang thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước bằng 60% giá trị đất và 60% giá trị nhà đang thuê.
Tuy nhiên, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được chấp thuận không có phương án quy định bồi thường cho Nhà nước đối với các căn hộ thuộc sở hữu Nhà nước.
Về vấn đề liên quan thủ tục chấp nhận chủ trương đầu tư, TP. HCM đề nghị Bộ Xây dựng có ý kiến về việc quyết định phê duyệt phương án bồi thường (có nội dung xác định rõ tên doanh nghiệp được lựa chọn để xây dựng, cải tạo nhà chung cư cũ) do UBND TP. ban hành theo Nghị định 69 có được xem lại tài liệu pháp lý để đề xuất việc chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định tại Điều 32, Nghị định 69 hay không.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cần có ý kiến về việc xử lý các dự án không thể xây dựng lại nhà chung cư để bố trí tái định cư, theo hướng là Nhà nước sẽ tổ chức di dời, bố trí tái định cư cho người dân tại các địa điểm khác bằng nguồn vốn đầu tư công và vị trí khu đất của chung cư cũ để được chuyển đổi chức năng quy hoạch và chức năng sử dụng đất phù hợp để tổ chức đấu giá theo quy định.
Theo UBND TP. HCM, thành phố có một số chung cư cần xây dựng lại có khuôn viên diện tích đất nhỏ (=<1.000m2). Mặc dù đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu quy hoạch – kiến trúc nhưng vẫn không bảo đảm tính khả thi để đầu tư xây dựng lại chung cư để bố trí tái định cư. Tuy nhiên, Nghị định 69 không có quy định cụ thể về xử lý nhà, đất đối với trường hợp này.
Nguồn Congluan.vn
https://congluan.vn/can-go-vuong-mac-de-cai-tao-xay-dung-lai-chung-cu-cu-post180461.html
- Bất động sản: Cú vấp với ‘Ba lằn ranh đỏ’ của Trung Quốc và bài học cho Việt Nam
- Trung Quốc làm gì để giải cứu thị trường bất động sản?
- Thiết kế chính sách phát triển nhà ở xã hội dựa trên lợi ích và nhu cầu
- Những khó khăn chính của thị trường bất động sản Việt Nam và giải pháp tháo gỡ
- Các ông trùm bất động sản mất 65 tỷ USD vì chính sách Thịnh vượng chung của Trung Quốc
- Bị thu hồi dự án gần 800 ha, doanh nghiệp khởi kiện tỉnh Lâm Đồng
- Phát lộ những lần điều chỉnh ‘nhồi’ cao ốc vào ‘con đường đau khổ’ Lê Văn Lương
- Hơn 2,2 triệu tỷ cho vay bất động sản, Ngân hàng Nhà nước chỉ rõ mối nguy cơ
- 13 dự án chung cư dọc tuyến đường Lê Văn Lương nhiều sai phạm