Cần khuyến khích người dân góp ý, phản biện sách giáo khoa
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), hiện nay, mạng xã hội lan truyền thông tin về một số nội dung được cho là ngữ liệu trong sách giáo khoa hiện hành là không chính xác.
Một số hình ảnh về ngữ liệu lan truyền truyền mạng xã hội bị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho là không có trong sách giáo khoa hiện hành. Ảnh: MOET
Từ đó, Bộ GD-ĐT đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra nguồn gốc thông tin trên, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức đăng tải, xuyên tạc. Kèm theo đó là danh sách các hình ảnh được gạch chéo, với nội dung cho rằng những hình ảnh này không có trong SGK hiện hành.
Sách giáo khoa là tài liệu giảng dạy trong các nhà trường, được tổ chức biên soạn theo Chương trình giáo dục và do Hội đồng Quốc gia giáo dục thẩm định, phê duyệt. Sách giáo khoa phải đạt các yêu cầu rất khắt khe về tính chuẩn mực, tính chính xác, tính giáo dục, tính thẩm mĩ... phù hợp với từng lứa tuổi học sinh. Sách giáo khoa cũng là “bộ mặt” của nền giáo dục. Do đó, các hành vi xuyên tạc nội dung sách giáo khoa cần phải xử lý nghiêm minh, kịp thời theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trong một số nội dung, hình ảnh mạng xã hội lan truyền được Bộ GD-ĐT khẳng định là không có trong sách giáo khoa hiện hành nhưng thực tế đã tồn tại trong bộ sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục của tác giả Hồ Ngọc Đại. Cụ thể là các hình ảnh về các bài học, nội dung như: “Vẽ gì khó”, “Bé xách đỡ mẹ”, “Núi cao sông hãy còn dài. Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen”…
Cuốn Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục nói trên đã được Bộ GD-ĐT cho triển khai dạy dưới dạng thí điểm từ năm 2009, sau mở rộng ra đến 48 tỉnh thành với khoảng 800 nghìn học sinh. Đến năm 2017, sau khi có đại biểu quốc hội lên tiếng, Bộ GD-ĐT mới tiến hành lập hội đồng thẩm định, phát hiện sách có nhiều nhược điểm, hạn chế.
Trước đó, dư luận đã lên tiếng phản ánh cuốn sách nói trên có nhiều “sạn”, nhiều nội dung không phù hợp với học sinh lớp 1, quá khó…. Như vậy, chính sự lên tiếng của dư luận, các ý kiến của người dân trên mạng xã hội, báo chí… đã dẫn đến việc Bộ GD-ĐT phải thẩm định lại nội dung và phát hiện nhiều nhược điểm, hạn chế. Sau đó, cuốn sách nói trên không còn được sử dụng trong nhà trường.
Sau sự kiện nói trên, dư luận quan tâm nhiều hơn và có nhiều ý kiến góp ý, phản biện về nội dung sách giáo khoa, trong đó có nhiều ý kiến đến từ các chuyên gia giáo dục, nhà giáo và phụ huynh.
Sách giáo khoa cũng là một loại hàng hóa, do đó tất cả đều có quyền nhận xét, đóng góp ý kiến. Những ý kiến phản biện xác đáng sẽ rất hữu ích, góp phần làm cho sản phẩm đặc biệt này ngày càng hoàn thiện.
Do đó, thiết nghĩ, cơ quan quản lý giáo dục các cấp cần có thái độ cầu thị, khuyến khích người dân, các chuyên gia, các thầy cô giáo và các em học sinh nghiên cứu góp ý, nhận xét, phản biện về nội dung, hình thức sách giáo khoa.
Tất cả đều trên tinh thần xây dựng, vì sự phát triển của giáo dục, vì tương lai của đất nước.
Xôn xao tin đồn sách giáo khoa dạy trẻ nói dối, Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Khẳng định vai trò Đảng cầm quyền
- Giữ chữ tín để đi đường dài
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo