Ngày 7/9, bão Yagi chính thức đổ bộ vào Việt Nam gây ra hàng loạt hiện tượng cực đoan như mưa lớn, sạt lở, lũ quét tại các tỉnh miền bắc, gây thiệt hại nghiêm trọng cả về người và của. Tính tới thời điểm hiện tại, Yagi là cơn bão mạnh nhất khu vực Tây Thái Bình Dương trong năm 2024, đồng thời là cơn bão có tốc độ tăng cấp nhanh nhất lịch sử khí tượng khu vực Biển Đông với sức tàn phá mạnh, trên một phạm vi rộng lớn của ba quốc gia Việt Nam, Philippines và Trung Quốc.
Ngay khi bão Yagi còn ở vị trí phía đông Philippines, Việt Nam đã khẩn trương xây dựng những kịch bản phòng, chống thiên tai có thể xảy ra. Từ ngày 3/9 đến 6/9, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục ban hành Công điện khẩn số 86/CĐ-TTg về việc khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024, Công điện số 87/CĐ-TTg tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024, Công điện số 88/CĐ-TTg về việc tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão.
Trên cơ sở sự chỉ đạo quyết liệt này, các bộ, ngành và địa phương đã tập trung ứng phó với bão từ sớm, từ xa, với tinh thần chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để hạn chế thiệt hại. Trước ngày bão đổ bộ, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập hai Ban Chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng và Quảng Ninh - hai tỉnh chịu tác động sớm và mạnh nhất khi bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam.
Cùng với đó, Việt Nam đã huy động, phân công hơn 400.000 người và khoảng 6.000 phương tiện để kịp thời ứng phó với bão tại các vị trí xung yếu. Trong thời gian ngắn, các cơ quan chức năng đã hướng dẫn 51.319 tàu cá cùng 219.913 người về nơi neo đậu an toàn; tổ chức sơ tán gần 53.000 người trên các lồng bè, chòi nuôi thủy sản.
Ngày 9/9, ngay sau khi bão Yagi suy yếu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chỉ đạo khắc phục hậu quả do bão gây ra. Đảng ta đã thể hiện tinh thần chỉ đạo thống nhất là phải huy động tất cả các nguồn lực để nhanh chóng bảo đảm an toàn và ổn định đời sống cho nhân dân sớm nhất có thể.
Theo đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đề ra 5 mục tiêu nhằm khắc phục hậu quả do bão Yagi để lại với ưu tiên hàng đầu là tập trung cao độ cho việc cứu người, rà soát, tìm kiếm người mất tích; cứu chữa những người bị thương, nhất là những người bị thương nặng; lo hậu sự cho những người xấu số; không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không có nơi nương tựa; không để các em học sinh thiếu lớp, thiếu trường; không để người bệnh không có nơi khám, chữa bệnh.
Các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đã trực tiếp đến những điểm nóng về mưa lũ để có chỉ đạo sát sao, kịp thời với chính quyền, lực lượng chức năng song song với công tác thăm hỏi, động viên, hỗ trợ đồng bào chịu mất mát, đau thương.
Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đã không quản ngày đêm và sự khắc nghiệt của thời tiết để sát cánh cùng nhân dân vượt qua nghịch cảnh. Nhiều nhà báo đã xung phong lên tuyến đầu để kịp thời truyền tải những thông tin, hình ảnh mới nhất về địa điểm gặp thiên tai. Trong gian khó, nhiều câu chuyện đẹp, tấm gương hy sinh anh dũng khi đang làm nhiệm vụ khắc phục bão số 3 đã khiến nhân dân cả nước cũng như cộng đồng quốc tế bàng hoàng, xót thương và ngưỡng mộ.
Chính vì vậy, hưởng ứng từ Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về vận động ủng hộ đồng bào khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra, nhân dân cả nước đã chuyển về tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương và các địa phương hơn 1.000 tỷ đồng cùng nhiều hàng hóa, thực phẩm, thuốc men.
Rút kinh nghiệm những năm trước, một số nhóm thiện nguyện đã có ý thức phối hợp, liên kết chặt chẽ hơn với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng trong công tác cứu trợ và giúp đỡ người dân đang gặp khó khăn tại các vùng bị chia cắt bởi mưa lũ, sạt lở.
Dù còn nhiều khó khăn trước mắt nhưng có thể khẳng định đời sống của nhân dân ở các vùng chịu ảnh hưởng của bão Yagi đang bắt đầu hồi phục trở lại. Chỉ hai ngày sau bão, 95% doanh nghiệp ở Hải Phòng và nhiều đơn vị tại Quảng Ninh đã nối lại sản xuất. Các hoạt động tái thiết khác cũng được đẩy mạnh trên những địa phương chịu thiệt hại của bão và thiên tai như Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Tuyên Quang...
Những vùng bị chia cắt do thiên tai, mưa bão đang dần thoát khỏi tình trạng cô lập. Tất cả những kết quả trên có được là bởi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã sớm có tinh thần cảnh giác cao độ và đưa ra các phương án chủ động phòng chống hiệu quả bão Yagi, góp phần minh chứng cho tinh thần đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trên dưới một lòng cùng nhau vượt qua thử thách của thiên tai.
Thế nhưng, trong khi cả nước đang cùng hướng về các địa phương chịu hậu quả nặng nề bởi cơn bão, một số tổ chức, cá nhân đã có những hành vi tiêu cực, phản cảm, gây bức xúc dư luận. Một số cá nhân thường xuyên đăng tải, chia sẻ nhiều thông tin, bài viết, hình ảnh về chủ đề này trên các nền tảng mạng xã hội song phần lớn các nội dung đều là tin giả, tin sai sự thật nhằm phóng đại thiệt hại do bão Yagi gây ra, thổi phồng, bi kịch hóa tình cảnh sống của người dân tại các tỉnh thành phía bắc.
Để lừa gạt người dùng mạng xã hội về sự tàn phá của siêu bão Yagi, một số người đã thu thập, cắt ghép, chỉnh sửa hình ảnh, video của những cơn bão khác đã từng xuất hiện ở Tây Thái Bình Dương như Haiyan, Maysak, Noru,...; hoặc cố tình xuyên tạc về tình hình thời tiết, bịa đặt thông tin như "vỡ đập thủy điện Cốc Ly (Lào Cai)", "Phượng Hoàng, Thanh Hà (Hải Dương) vỡ đê rồi", "EVN cắt điện toàn Hà Nội", "nhắn tin để được tặng dung lượng 5G miễn phí của Viettel",... Một số người nổi tiếng tranh thủ đánh bóng tên tuổi bằng việc tổ chức các đoàn cứu trợ rình rang nhưng chủ yếu mang tính "trình diễn" thay vì quan tâm thật sự đến gia đình các nạn nhân.
Chưa dừng lại ở đó, một số đối tượng còn cố tình đánh cắp hình ảnh, video cá nhân, dựng thành những câu chuyện sống sượng để mua nước mắt cộng đồng mạng như "em bé mất mẹ sau cơn lũ", "chiến sĩ cứu hộ hy sinh", "tình nguyện viên thiệt mạng"… bất chấp những cá nhân được nhắc đến trong các bài viết, video này vẫn đang sống, học tập, làm việc bình thường.
Nhiều nạn nhân buộc phải lên mạng xã hội để đính chính những tin đồn ác ý này. "Đục nước béo cò", một số đối tượng đứng lên kêu gọi quyên góp tiền từ thiện giúp đỡ nạn nhân bão lũ nhưng thực chất là lừa đảo để trục lợi. Nguy hiểm hơn, các thế lực thù địch ra sức khai thác các thông tin xuyên tạc, sai sự thật về tình hình bão lũ, từ đó chỉ trích, lên án công tác phòng, chống thiên tai của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.
Như trên trang của tổ chức khủng bố Việt Tân ngang nhiên bịa đặt rằng: "dân bị mưa bão, lũ lụt, sạt lở - tang thương toàn miền bắc, hàng trăm người chết thì họ (ám chỉ Quốc hội-PV) vẫn im lặng như không thấy, không nghe"; "Cách cứu trợ vô tổ chức và thiếu khoa học cũng là một trong những cách xé tiền của thiện nhân",...
Không khó để nhận ra dã tâm của các thế lực phản động là nhằm gieo rắc tâm lý hoang mang, hoài nghi trong một bộ phận nhân dân về vai trò lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước, chia rẽ người dân với chính quyền.Do đó, người dân cần tỉnh táo nhận diện các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm mục tiêu gây bất ổn xã hội và chống phá chế độ.
Thời gian qua, trước các nội dung sai sự thật về bão Yagi, các lực lượng chức năng, phương tiện truyền thông đại chúng và một số chuyên gia truyền thông đã nhanh chóng, chủ động xác minh và gửi đến người dân cả nước những thông tin chính xác, kịp thời. Để tri ân những người đóng góp và tránh vụ lợi trong từ thiện, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã công khai sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng do bão số 3 để nhân dân tham gia giám sát.
Tuy nhiên, bên cạnh việc ngăn chặn, bóc dỡ, xử lý tin giả, tin xấu độc của các đối tượng chống phá, thù địch, cơ hội chính trị về tình hình bão lũ ở Việt Nam, cơ quan chức năng cũng cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng đưa tin sai sự thật nhằm câu like, câu view, trục lợi cá nhân…
Trên thực tế, pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể về xử phạt hành vi đăng tải những thông tin sai sự thật như Điều 8 Luật An ninh mạng 2018; Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP).
Tuy nhiên, việc xử phạt hiện nay chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc giáo dục, nhắc nhở và xử phạt hành chính người vi phạm, do đó nhiều đối tượng do thiếu hiểu biết, hoặc muốn trở nên nổi tiếng vẫn cố tình đăng tải, chia sẻ các thông tin sai sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng, cũng như lợi dụng thiên tai bão lũ để trục lợi, dẫn đến tình trạng "nhờn luật".
Thời gian qua, chỉ riêng tại Hải Dương, cơ quan công an đã xử lý 21 trường hợp có hộ khẩu thường trú trên địa bàn có hành vi đưa tin sai sự thật về tình hình mưa lũ, vỡ đê. Song trên mạng xã hội TikTok, một số đối tượng vẫn tiếp tục đăng tải những nội dung như "cơn bão số 4 xuất hiện", "các tỉnh miền nam sắp có bão",...
Từ đây cho thấy các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc quyết liệt hơn, cần nghiêm trị những đối tượng lợi dụng tình hình thiên tai, thảm họa, dịch bệnh để gây rối, phá hoại, trục lợi theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, người sử dụng mạng xã hội cần tỉnh táo khi tiếp nhận nguồn thông tin chưa được kiểm chứng, không để đối tượng xấu kích động làm nảy sinh tâm lý tiêu cực hay vô tình lan tỏa thông tin xấu độc, có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Việc người dân tham gia từ thiện để cứu trợ các nạn nhân bão lũ cần lựa chọn cách thức phù hợp, hiệu quả, không tạo cơ hội cho các đối tượng xấu lợi dụng.