Cần luật hóa một số quy định cụ thể về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhắc lại một số vụ đình công, bãi công ở các doanh nghiệp xuất phát từ việc không lấy ý kiến người lao động. Do vậy, cần luật hóa một số quy định cụ thể về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp…
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 9, ngày 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Theo tờ trình của Chính phủ, tên gọi ban đầu của dự án luật được xác định là Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, nếu chỉ giới hạn tên gọi và phạm vi điều chỉnh ở xã, phường, thị trấn thì chưa phù hợp với chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do vậy, Chính phủ đã thống nhất đề nghị tên gọi của dự án là “Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở”. Tên gọi của dự án luật nhận được sự nhất trí của cơ quan chủ trì thẩm tra sơ bộ là Thường trực Ủy ban Pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Luật với những lý do như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Việc ban hành Luật này sẽ kịp thời thể chế hóa chủ trương phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được đặc biệt nhấn mạnh trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng; tiếp tục cụ thể hóa quyền làm chủ của Nhân dân, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013…
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhắc lại một số vụ đình công, bãi công ở các doanh nghiệp xuất phát từ việc không lấy ý kiến người lao động, nhất là về những vấn đề liên quan trực tiếp đến người lao động như tăng giờ làm. Do vậy, cần luật hóa một số quy định cụ thể về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp, như doanh nghiệp nhà nước thì cần công khai, minh bạch vấn đề gì, doanh nghiệp tư nhân thì thực hiện dân chủ như thế nào…
Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, với mục đích, yêu cầu và thực tiễn thì phạm vi điều chỉnh của dự án luật cần đầy đủ và toàn diện về việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Dân chủ ở cơ sở bao gồm 3 khối. Khối xã, phường, thị trấn có các “tế bào” là cộng đồng dân cư ở tổ dân phố, thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc… Khối các cơ quan, đơn vị, tổ chức bao gồm cả các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Khối các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế bao gồm cả doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh… Cùng với đó, nước ta có một số huyện đặc thù không có tổ chức chính quyền cấp xã như Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Côn Đảo nên tính chất mối quan hệ dân chủ ở cơ sở tại những địa phương này cũng có đặc thù riêng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm, đây là dịp để thể chế hóa chủ trương, quan điểm lớn của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Qua phiên họp này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, giải trình một bước và hoàn thiện Dự án Luật trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3.
Theo Congluan.vn
https://congluan.vn/can-luat-hoa-mot-so-quy-dinh-cu-the-ve-thuc-hien-dan-chu-o-doanh-nghiep-post186809.html
- Vụ rơi trực thăng: Lần du lịch cuối và chuyến bay định mệnh
- Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8
- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các cơ quan báo chí tại TP. HCM
- Chủ tịch nước chủ trì hội nghị góp ý vào Dự thảo Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền
- Bộ GTVT trình Quốc hội 3 dự án cao tốc hơn 84.000 tỷ đồng
- Buộc thôi việc Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc
- Chủ tịch Quốc hội: Không được “đụng” nguồn cải cách tiền lương để làm đường
- Xem xét kỷ luật các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long liên quan vụ Việt Á
- Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman thăm Việt Nam