"Cân não" cuộc chiến chống lại quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật
Theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hiện nay vi phạm pháp luật trong hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vẫn diễn ra rất phức tạp.
Quảng cáo sai sự thật đánh lừa người dùng
Trong thời gian qua, tình trạng quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật, quảnq cáo quá công dụng của sản phẩm diễn ra phức tạp, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng, thậm chí không ít người “tiền mất, tật mang” khi tin theo những quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội.
Trước thực trạng này, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có trao đổi với bà Phó Cục trưởng, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Trần Việt Nga về vấn đề này.
Hiện nay có quá nhiều quảng cáo sai sự thật tràn lan trên nền tảng mạng xã hội.
Hiện nay, vấn đề sai phạm trong quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe diễn ra phức tạp, mới đây Cục An toàn thực phẩm đã đưa ra cảnh báo và tiến hành xử lý sai phạm của nhiều đơn vị. Tuy nhiên, qua theo dõi thông tin có thể thấy tình trạng sai phạm không có chiều hướng thuyên giảm. Vậy, bà đánh giá như thế nào về thực trạng trên, đâu là nguyên nhân?
Phó Cục trưởng Trần Việt Nga: Trong thời gian vừa qua, việc quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) đã được Bộ Y tế và các Bộ, ngành tăng cường kiểm soát, tuy nhiên vi phạm pháp luật trong hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vẫn diễn ra rất phức tạp.
Tình trạng, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo quá công dụng của sản phẩm, gây hiểu lầm với thuốc chữa bệnh. Sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các cơ sở y tế, bác sỹ; quảng cáo thực phẩm kèm theo ý kiến phản hồi của người tiêu dùng có tác dụng điều trị bệnh hoặc có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
Giả danh Đài truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình Công an, Quốc phòng, sử dụng hình ảnh người của công chúng, nhà khoa học đã nghỉ hưu để quảng cáo thực phẩm như thuốc chữa bệnh, đặc biệt quảng cáo trên mạng xã hội.
Nguyên nhân của thực trạng trên, theo tôi, trước hết, vì lợi nhuận một số tổ chức, cá nhân đã bất chấp các quy định của pháp luật quảng cáo quá mức về tác dụng của sản phẩm, quảng cáo khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung vẫn tự in các tờ rơi, tờ gấp, tổ chức hội thảo, tư vấn qua điện thoại, livestreame bán hàng trực tuyến qua mạng xã hội để quảng cáo, bán sản phẩm...
Phương tiện quảng cáo hiện nay hết sức đa dạng và phong phú, đặc biệt là việc sử dụng điện thoại tư vấn, internet, mạng xã hội, trang web của các tổ chức, cá nhân đã không bị hạn chế về không gian, thời gian để quảng cáo.
Việc đăng ký mở website rất dễ dàng kể cả tên miền nước ngoài. Việc đăng ký mở website ẩn danh cũng đã xuất hiện nhiều.
Việc quảng cáo xuyên biên giới rất khó giải quyết vì do các công ty nước ngoài, trụ sở đặt ở nước ngoài và hoạt động theo pháp luật của nước sở tại thực hiện quảng cáo, do đó rất khó quản lý.
Một số cơ quan phát hành quảng cáo như báo, đài địa phương chưa thực hiện đúng quy định quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phát hành các nội dung quảng cáo gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh.
Một số sàn giao dịch thương mại điện tử chưa có biện pháp kỹ thuật để quản lý nội dung quảng cáo, bán hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Đăng ký, thành lập doanh nghiệp quá đơn giản, chỉ cần một chỗ ngồi, một pháp nhân là đăng ký thành công lập doanh nghiệp, gây khó khăn cho cơ quan quản lý khi hậu kiểm (không có công ty tại địa chỉ đăng ký).
Áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp đối phó
Với vai trò chức năng trong quản lý thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cục An toàn thực phẩm đã có các biện pháp như thế nào?
- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm hằng năm đã ban hành và tổ chức triển khai trên toàn quốc công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm về an toàn thực phẩm trong đó có hậu kiểm việc thi hành pháp luật về quảng cáo.
Cụ thể năm 2022: Cục tham mưu cho Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm ban hành Kế hoạch số 2299/KH-BCĐTƯATTP ngày 31/12/2021 về triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2022, Cục An toàn thực phẩm ban hành Công văn số 62/ATTP-PCTTR ngày 11/01/2022 về việc triển khai công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm năm 2022.
Trong năm 2021, qua rà soát trên các báo, đài, website, mạng xã hội, Cục phát hiện 40 sản phẩm với 86 đường link vi phạm quy định về quảng cáo. Cục ATTP đã xử phạt vi phạm về quảng cáo 28 cơ sở (với 40 hành vi vi phạm), tổng số tiền phạt: 1.544.500.000đ.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp là chủ sở hữu bản công bố sản phẩm nhưng không thừa nhận và không đứng tên thực hiện các quảng cáo vi phạm, do vậy cơ quan chức năng không xác định được đối tượng vi phạm, nên không thể xử lý.
Với các trường hợp này, Cục đã cảnh báo trên website của Cục và thông báo để các báo đăng tin. Năm 2021, website Cục (vfa.gov.vn) đã đăng 98 tin cảnh báo.
Cục phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý quảng cáo, cụ thể: chuyển Cục phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin truyền thông các website, đường link quảng cáo vi phạm để phối hợp xác định chủ thể quảng cáo; Chuyển Cục thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương để xử lý các đường link của sàn giao dịch thương mại điện tử quảng cáo vi phạm.
Đồng thời, Cục ATTP đã ban hành các văn bản như công văn gửi các Bệnh viện trực thuộc Trung ương về việc không để bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế tham gia quảng cáo cho các sản phẩm thực phẩm;
Công văn gửi Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị nhắc nhở các văn nghệ sĩ không quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh;
Công văn gửi Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) – Bộ Công An phối hợp trong công tác quản lý về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Công văn gửi Google LLC, Facebook Inc về việc phối hợp quản lý nội dung quảng cáo thực phẩm.
Công văn gửi các một số cơ quan thông tấn, báo chí để nhắc nhở về hành vi vi phạm và yêu cầu khắc phục, không để tình trạng quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm xảy ra trong thời gian tiếp theo.
Giải pháp quản lý: Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm trong quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Chỉ đạo các cơ quan phát hành quảng cáo thuộc sự quản lý của Bộ ngành thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe và đăng công khai các đơn vị vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.
Nhiều người cho rằng, một trong những nguyên nhân được cho là nhiều doanh nghiệp sẵn sàng vi phạm quảng cáo không đúng công dụng là chế tài xử lý chưa nghiêm. Vậy bà bình luận như thế nào và có ý kiến gì đóng góp để công tác này ngày một tốt lên không?
- Hiện nay, Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong công tác quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe tương đối đầy đủ và chặt chẽ. Hành lang pháp lý về xử lý vi phạm trong lĩnh vực này cũng được quy định cụ thể, có tính răn đe cao.
Việc xử phạt vi phạm hành chính về quảng cáo được Chính phủ quy định tại Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ban hành ngày 29 tháng 3 năm 2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, có hiệu lực từ ngày 1/6/2021 và Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo.
Tại Nghị định số 38/2021/NĐ-CP và Nghị định số 129/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức.
Ngoài ra còn có hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 1 đến 6 tháng tùy hành vi vi phạm; Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải chính thông tin, Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
Chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe và đăng công khai các đơn vị vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.
Theo Congluan.vn
https://congluan.vn/can-nao-cuoc-chien-chong-lai-quang-cao-thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-sai-su-that-post183811.html
- Giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi
- Siêu thị 0 đồng phục vụ bệnh nhân ung thư tại thành phố Hồ Chí Minh
- Cảnh báo mạo danh cơ quan BHXH yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân cập nhật thẻ BHYT trên ứng dụng VssID
- Cấp đổi thẻ căn cước trực tuyến được giảm 50% lệ phí
- Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
- Phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành 3 nhiệm vụ về hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Tổ chức xóa nhà tạm, nhà dột nát trong cả nước như chiến dịch, ngày hội của toàn dân
- Lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật
- 1.337 chỉ tiêu tại Hội chợ việc làm cho người lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước