Cần ngăn chặn nguy cơ sốt rét quay trở lại từ nguồn ngoại lai
Trong 321 trường hợp sốt rét ghi nhận được 10 tháng đầu năm 2024 tại Việt Nam, đáng lưu ý có 101 ca ngoại lai. Các chuyên gia dịch tễ cho rằng cần có biện pháp mạnh để ngăn nguy cơ sốt rét quay trở lại từ các ca ngoại lai.
Số liệu mới nhất của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho thấy, số ca sốt rét của Việt Nam xấp xỉ 18% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng vẫn cao so với mục tiêu đề ra nhưng số ca sốt rét ngoại lai có xu hướng tăng. 10 tháng đầu năm 2024, con số này là 101, trong khi các năm từ 2021-2023 lần lượt là 2-47 và 86.
Các trường hợp sốt rét ngoại lai không chỉ ở các tỉnh đã loại trừ sốt rét mà xuất hiện ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ nơi có ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc. Đây là nguy cơ tiềm ẩn sốt rét quay trở lại.
Phát hiện sớm, điều trị kịp thời các ca sốt rét ngoại lai, ngăn sốt rét quay lại
Theo các chuyên gia, điều kiện khí hậu nhiệt đới và 3/4 địa hình là rừng núi với hệ thống sông, suối, ao hồ là môi trường thuận lợi cho muỗi sốt rét phát triển. Bên cạnh đó là nhu cầu đi lại làm việc, lao động, học tập, du lịch và giao lưu của người dân tăng cao, đặc biệt người dân qua lại các vùng biên giới khi không được kiểm soát chặt chẽ về bệnh sốt rét, dẫn tới tình trạng người nhiễm sốt rét từ bên ngoài (khác địa phương, khác quốc gia) và mang mầm bệnh về địa phương.
TS.BS Hoàng Đình Cảnh phát biểu tại Hội nghị huy động nguồn lực cho phòng chống và loại trừ sốt rét tại Điện Biên. Ảnh: BVCC
Việc ngăn chặn nguy cơ sốt rét quay lại từ sốt rét ngoại lai thâm nhập vào các địa phương đã loại trừ sốt rét đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt và trách nhiệm không chỉ của ngành y tế mà của toàn xã hội, theo Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương.
“Cần loại bỏ tâm lý chủ quan và cần có sự cam kết chính trị mạnh mẽ từ các cấp chính quyền địa phương thông qua các nghị quyết bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng được chuyển biến thành hành động cụ thể”, ông Cảnh chia sẻ ngày 13/12.
Cùng đó, tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe về phòng chống sốt rét thường xuyên ở các tuyến y tế cơ sở nhằm nâng cao nhận thức cho người dân. Điều này giúp người dân chủ động bảo vệ sức khỏe của mình và cộng đồng.
Ở những vùng không có sốt rét lưu hành, y tế cơ sở cần tuyên truyền cho người dân duy trì thói quen ngủ màn. Đối với người dân đi làm ở vùng rừng núi cần mang theo màn, đặc biệt là ngủ màn tẩm hóa chất. Trước khi đi nên đến cơ sở y tế để được cấp thuốc uống phòng, khi trở về phải đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, phát hiện, điều trị kịp thời.
Nhân viên trạm y tế xã lấy lam máu xét nghiệm cho người nghi ngờ sốt rét. Ảnh: BVCC
Đối với người dân đi từ các nước có sốt rét lưu hành, đặc biệt từ châu Phi; người dân từ các tỉnh không còn sốt rét đến vùng có sốt rét lưu hành, khi trở về địa phương cần đến ngay cơ sở y tế khai báo, làm xét nghiệm sàng lọc, phát hiện kịp thời.
Ở vùng đang có sốt rét lưu hành, y tế cơ sở lập kế hoạch và triển khai thực hiện phun hóa chất diệt muỗi, cấp màn tẩm hóa chất do Quỹ Toàn cầu tài trợ, huy động cộng đồng tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường, lập các nhóm tuyên truyền viên với sự tham gia của hội phụ nữ, đoàn thanh niên… để tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ gia đình các biện pháp phòng chống sốt rét.
Tất cả các trường hợp nghi ngờ sốt rét phải đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, xét nghiệm. Nếu mắc sốt rét, cần được điều trị kịp thời. Cơ sở y tế theo từng tuyến duy trì hoạt động giám sát, cung cấp các dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị, đảm bảo thuốc điều trị sốt rét miễn phí nhằm cắt đứt mầm bệnh lây lan ra cộng đồng.
Các cán bộ nghiên cứu của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam tại điểm nghiên cứu sốt rét xã Trà Cang, Nam Trà My, Quảng Nam. Ảnh: BVCC
“Chính quyền cơ sở và y tế phường, thôn bản, quản lý người dân đi và đến địa phương, đặc biệt người từ vùng sốt rét trong nước và nước ngoài trở về địa phương”, Tiến sĩ Cảnh nhận định. Theo ông, cần vận động những người này đến các cơ sở y tế gần nhất làm xét nghiệm sàng lọc, phát hiện và điều trị kịp thời, nếu họ mắc sốt rét hay đang mang mầm bệnh.
Việt Nam đã có bài học tham khảo kinh nghiệm về loại trừ một số bệnh như phong, uốn ván… với sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Do đó, nếu thực hiện tốt biện pháp phòng chống sốt rét, đảm bảo song song 2 nhiệm vụ phòng chống sốt rét tích cực hướng đến loại trừ sốt rét đối với tỉnh đang có sốt rét lưu hành và đề phòng sốt rét quay trở lại từ trường hợp sốt rét ngoại lai đối với tỉnh đã loại trừ sốt rét. Theo Tiến sĩ Cảnh, Việt Nam sẽ hành động tích cực để đạt được mục tiêu loại trừ sốt rét vào năm 2030.
- Hà Nội: Có thêm 50 ca mắc sởi/tuần, nhiều trẻ phải thở máy
- Nhiều bệnh nhân ung thư sống thêm 10-20 năm
- Phát hiện ung thư giai đoạn cuối từ dấu hiệu ăn không ngon miệng
- Lao động nữ được khám sàng lọc ung thư vú, cổ tử cung như thế nào?
- Lao động nữ được khám sàng lọc ung thư vú, cổ tử cung như thế nào?
- Phát hiện ung thư giai đoạn cuối từ dấu hiệu ăn không ngon miệng
- Người đàn ông phát hiện khối u ác tính từ dấu hiệu đơn giản
- Cực hiếm: Bé gái 'vượt ngàn chông gai' chào đời với 9 vòng dây rốn quấn cổ
- Bệnh tiểu đường ngày càng trẻ hóa, bác sĩ tiết lộ dấu hiệu ‘3 tăng 1 giảm’