Cân nhắc kỹ lưỡng, vì lợi ích người lao động

Thứ sáu, ngày 15 tháng 9 năm 2023 | 12:46

Mục tiêu của Bảo hiểm xã hội (BHXH) là bảo đảm an sinh xã hội cho toàn dân. Ðể hạn chế tình trạng người lao động rút BHXH một lần, cần phải có giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của người lao động, bảo đảm cho họ có đủ nguồn lực tài chính để trang trải các chi phí sinh hoạt và có tích lũy để phòng khi rủi ro.

Người lao động giải quyết chế độ, quyền lợi tại Bảo hiểm xã hội thành phố Ðà Nẵng.
Người lao động giải quyết chế độ, quyền lợi tại Bảo hiểm xã hội thành phố Ðà Nẵng.

Cần đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp truyền thông của BHXH để cung cấp thông tin, định hướng dư luận, giúp người lao động nhận thức một cách đầy đủ, sâu sắc về ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH. Thông qua đó, từng bước tạo dựng và củng cố niềm tin của người tham gia BHXH đối với chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ngăn làn sóng rút BHXH một lần

Tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật BHXH (sửa đổi). Về điều kiện hưởng lương hưu có hai loại ý kiến: Một là, tán thành đề xuất của Chính phủ giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. Quy định này được cho rằng sẽ hấp dẫn người lao động hơn, tỷ lệ bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH sẽ tăng trong trung và dài hạn, cải thiện tính công bằng, nhất là với lao động có thu nhập thấp, không thường xuyên. Hai là, giữ nguyên quy định 20 năm như hiện hành, bảo đảm tiền lương hưu được nhận không quá thấp. Ðồng thời, tạo sự hấp dẫn cho chế độ hưu trí về mức hưởng, bảo đảm mức sàn an sinh xã hội nhất định. Ða số đại biểu cho rằng, việc giảm số năm tối thiểu đóng BHXH xuống còn 15 năm là phù hợp với quan điểm định hướng của Nghị quyết số 28 nhằm tạo điều kiện, thu hút nhóm người lao động cao tuổi (từ 45 tuổi đến 55 tuổi). Thậm chí, kể cả đối với một số nhóm đối tượng đã hưởng chế độ BHXH một lần có thể quay lại tham gia BHXH để được hưởng lương hưu.

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ nêu rõ, Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH đã xác định lập quỹ BHXH với nguyên tắc an toàn đặt lên hàng đầu. Theo đó, Nghị quyết số 28 quy định khi đầu tư quỹ BHXH phải cân nhắc an toàn lên hàng đầu, bền vững là thứ hai, thứ ba mới đến hiệu quả. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, quỹ BHXH là quỹ tài chính ngoài ngân sách nhưng thông với ngân sách và là quỹ tập trung lớn nhất, chỉ sau quỹ ngân sách Nhà nước cho nên không thể có khái niệm "vỡ quỹ BHXH" do có chính sách bảo đảm cân đối.

Mới đây, Ðoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Ðà Nẵng tổ chức hội nghị lấy ý kiến người lao động về các chế độ, chính sách, Phó Giám đốc BHXH thành phố Ðà Nẵng Nguyễn Hùng Anh, cho biết: Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, người lao động khi tham gia BHXH muốn hưởng chế độ hưu trí phải bảo đảm hai điều kiện, đó là đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên. Trong khi đó, điều kiện đủ 20 năm tham gia BHXH để hưởng lương hưu là thời gian quá dài. Như vậy, sẽ hạn chế quyền lợi đối với một số người lao động khi tham gia vào quan hệ lao động muộn, có số năm đóng thấp rất khó để đủ thời gian hưởng chế độ hưu trí. Chính vì vậy, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH đã xác định sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp, nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH. Việc giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu có thể sẽ là một giải pháp mang lại "lợi ích kép": Vừa góp phần chặn làn sóng rút BHXH một lần, mở rộng diện hưởng lương hưu, vừa giúp gia tăng số lượng người tham gia hệ thống BHXH.

Tiếng nói người trong cuộc

Là tổ chức đại diện cho quyền và nghĩa vụ hợp pháp của người lao động, đại diện tổ chức Công đoàn Việt Nam Phan Văn Anh, cho biết: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhất trí với sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu tại Ðiều 71 Dự thảo Luật theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. Việc điều chỉnh nêu trên sẽ tạo điều kiện để người lao động có thể hưởng lương hưu sớm hơn trong trường hợp đã đủ tuổi và có thời gian đóng BHXH từ 15 năm trở lên. Ðồng thời, việc sửa đổi cũng phù hợp với quan điểm, đường lối của Ðảng và được người lao động rất đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, để khuyến khích người lao động có tuổi đời cao từ 45 tuổi trở lên tham gia BHXH để được thực hiện chế độ hưu trí thì người lao động vẫn còn băn khoăn. Bởi, lao động nam có 15 năm đóng BHXH, tỷ lệ hưởng lương hưu là 33,75%, nếu nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi bị trừ 10% tỷ lệ hưởng lương hưu chỉ còn 23,75%. Do đó, vấn đề này cần xem xét ở khía cạnh có hỗ trợ đối với đối tượng khi về hưu có thu nhập thấp, không bảo đảm được cuộc sống tối thiểu. Về quy định hưởng BHXH một lần đang có hai phương án, tổ chức Công đoàn Việt Nam cho rằng, mỗi một phương án đều có ưu, nhược điểm riêng.

 

Do vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị cần có các nhóm giải pháp để đồng bộ hơn nữa nhằm hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn trước mắt, giúp họ duy trì cuộc sống như hỗ trợ tín dụng ưu đãi, vấn đề việc làm, dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp... Ðối với trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, để khuyến khích người lao động gắn bó lâu dài với hệ thống BHXH, giảm thiểu tình trạng người lao động rút BHXH một lần, Tổng Liên đoàn kiến nghị, nghiên cứu, xem xét để nâng mức trợ cấp một lần đối với người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ lương hưu 75%.

Từ thực tiễn, đa số người lao động cho rằng, trường hợp nào đóng đủ 20 năm thì nên để họ hưởng lương hưu. Khi đóng đủ 20 năm mà chờ đến nữ 60 tuổi, nam 62 tuổi là quá lâu. Do đó, nếu 20 tuổi đã đóng đến 40 tuổi, đủ 20 năm thì được nhận lương hưu. Những năm còn lại vừa tiếp tục làm công ăn lương, vừa lĩnh lương hưu mới hấp dẫn người tham gia BHXH. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị, khi người lao động có nhu cầu nghỉ thì nên giải quyết chế độ, không nên giảm thời gian đóng BHXH bởi sẽ không bảo đảm chính sách an sinh về lâu dài như tiêu chí Nhà nước đề ra. Ðồng thời, cũng chưa đúng với nguyện vọng đa số người lao động.

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao, thành phố Thủ Ðức) Lưu Kim Hồng, nhận định: Không có chiếc áo nào đủ rộng đủ vừa cho tất cả mọi người, do đó bất kỳ một phương án đưa ra cũng sẽ có người đồng ý, người phản đối. Các cơ quan chức năng cần tính toán, cân nhắc, kỹ lưỡng phương án giảm số năm tối thiểu đóng BHXH để nhận lương hưu một cách tối ưu nhất, vì quyền lợi của người lao động, bảo đảm mức sống tối thiểu cho người nghỉ hưu, chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận cao của xã hội.

Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật-Liên đoàn lao động Thành phố Hồ Chí Minh Trần Văn Triều, cho rằng: Trước đây luật quy định cho người lao động hưởng BHXH một lần, nếu bây giờ tước đi quyền này, dễ gây bức xúc. Do vậy, việc sửa Luật cần có lộ trình. Ông Triều gợi ý: Nên chăng, từ năm 2025 trở đi vẫn giải quyết cho người lao động rút BHXH một lần nhưng giảm tỷ lệ hưởng dần dần để họ không bị sốc. Thí dụ: Năm 2025 giảm 10%, năm 2026 giảm 20%... Còn Giám đốc BHXH huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) Nguyễn Văn Nhiên đề xuất, Luật BHXH cần được sửa đổi theo hướng đóng BHXH linh hoạt hơn. Có thể quy định đã có 5 năm đóng BHXH sau đó hết tuổi lao động được đóng một lần cho các năm còn thiếu để hưởng lương hưu... Như vậy, người lao động thấy chính sách phù hợp sẽ bảo lưu quá trình đóng BHXH và không rút BHXH một lần.

---------------------------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 14/9.