Cần tháo gỡ những điểm nghẽn

Thứ năm, ngày 11 tháng 1 năm 2024 | 16:27

Để các cơ chế, chính sách theo kịp bối cảnh mới, đáp ứng và hỗ trợ hoạt động khoa học công nghệ một cách hiệu quả, năm 2024, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ nỗ lực tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc, bất cập.

Qua đó, tạo môi trường, điều kiện tốt hơn, giải phóng các nguồn lực thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.

phat-song.jpg

Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel (Viettel Group) sản xuất thành công khối vô tuyến trạm thu phát sóng 5G.

Nhiều vướng mắc, bất cập

Năm 2023, hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, song vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, có nhiều ràng buộc trong việc triển khai công việc ở các cơ sở nghiên cứu của ngành Nông nghiệp, trong đó có 3 điểm ràng buộc lớn nhất là: Tự chủ nhiệm vụ, tự chủ tài chính và tự chủ tổ chức. Cả 3 vướng mắc này đến nay vẫn chưa tháo gỡ được khiến môi trường tài chính giằng chéo. Ngoài ra, còn rất nhiều rào cản khác khiến các trường, viện nghiên cứu không phát huy được nguồn lực phát triển khoa học công nghệ như: Cơ sở vật chất lạc hậu, người làm khoa học chưa được quan tâm đúng mức, kinh phí đầu tư cho khoa học mới đáp ứng được 50% nhu cầu...

Giáo sư Lê Minh Thắng (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, đa số các nhà khoa học ở Việt Nam chủ yếu làm nghiên cứu cơ bản. Nguyên nhân vì nghiên cứu ứng dụng chưa có nhiều môi trường phát triển, các công ty chưa dành nhiều đầu tư cho bộ phận nghiên cứu phát triển (R&D). Hơn nữa, cơ sở vật chất dành cho nghiên cứu còn thiếu thốn, chưa đủ điều kiện để các nhà khoa học có khả năng phục vụ những nghiên cứu thực tế. Ngoài ra, thủ tục liên quan đến tài chính đối với các đề tài nghiên cứu khoa học còn cứng nhắc, hành chính hóa, không phù hợp với diễn biến thực tế của nghiên cứu.

Về vấn đề này, theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, công tác phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hà Nội hiện còn tồn tại những khó khăn, rào cản chưa được tháo gỡ như: Vấn đề xử lý tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước; hoạt động của quỹ phát triển khoa học và công nghệ; chính sách về đổi mới sáng tạo… Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này, cần có những cơ chế, chính sách đặc thù “đủ mạnh”, vượt trội, có thể huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô.

Thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp lớn

Báo cáo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, hệ thống pháp luật về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hiện chưa đồng bộ với pháp luật về tài chính, ngân sách, đầu tư; đấu thầu, quản lý tài sản công, chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và thông lệ quốc tế. Quy định về đầu tư và cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học công nghệ còn nhiều vướng mắc trong đấu thầu; thanh quyết toán...

Ngoài ra, việc thực hiện cơ chế tự chủ của các tổ chức khoa học công nghệ công lập theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ cũng gặp nhiều bất cập, chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động khoa học công nghệ, chưa tạo điều kiện cho các tổ chức khoa học công nghệ được tự chủ toàn diện...

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành đột phá chiến lược và động lực chính cho phát triển kinh tế - xã hội, đưa nước ta nhanh chóng trở thành một nước có nền công nghiệp hiện đại vào năm 2030, nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 như Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục kiên trì đổi mới tư duy, thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp lớn về phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; đổi mới cơ chế quản lý khoa học, công nghệ; nâng cao tiềm lực và trình độ khoa học, công nghệ; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Một trong 8 nhiệm vụ trọng tâm của ngành Khoa học và Công nghệ trong năm 2024 là xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó tập trung sửa đổi quy định về đầu tư, cơ chế tài chính và xử lý tài sản đối với các hoạt động khoa học công nghệ. Bộ sẽ tham mưu sửa đổi, bổ sung các bộ luật: Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Khoa học và Công nghệ... Một số nghị định cũng sẽ được sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế tài chính, đầu tư, qua đó giải phóng các nguồn lực cho phát triển khoa học công nghệ.