Cần thêm chính sách phù hợp với từng đối tượng trong đào tạo, giải quyết việc làm

Thứ hai, ngày 24 tháng 6 năm 2024 | 10:49

Thường trực HĐND thành phố Hà Nội phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về ‟Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố”.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến từ điểm cầu trụ sở Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố tới các điểm cầu tại 30 quận, huyện, thị xã.

5.jpg

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà điều hành phần trao đổi ý kiến của cử tri.

Dự hội nghị có các đồng chí: Phó Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Tạ Thị Yên; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên; Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà.

6(1).jpg

Lãnh đạo UBND huyện Thạch Thất kiến nghị một số vấn đề về lao động, việc làm trên địa bàn huyện.

Vẫn còn tâm lý không muốn học nghề

Báo cáo tóm tắt về công tác đào tạo, giải quyết việc làm cho người lao động, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Tây Nam cho biết, kết quả tuyển sinh đào tạo nghề giai đoạn 2020-2023 vượt 6,14% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng liên tục hằng năm góp phần quan trọng cung cấp nguồn lao động cho thị trường lao động Thủ đô và các tỉnh lân cận.

2(3).jpg

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Tây Nam báo cáo tại hội nghị.

Hiện nay, mức hỗ trợ tối đa theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28-9-2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng thấp hơn nhiều so với quy định giá dịch vụ đào tạo đã được HĐND thành phố ban hành tại Nghị quyết số 12/2023/NQ-HĐND ngày 6-12-2023. Trường hợp thành phố thực hiện mức hỗ trợ theo quy định của Trung ương, phần chênh lệch giữa mức giá dịch vụ đào tạo và mức hỗ trợ sẽ rất cao, người học phải tự bù phần chênh lệch này, gây nhiều khó khăn cho đối tượng được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg khi triển khai thực hiện.

7.jpg

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc thành phố trao đổi tại hội nghị.

Các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm chưa có sự phối hợp chặt chẽ, kết nối với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, các sàn, điểm giao dịch vệ tinh để phục vụ tốt hơn cho người lao động tìm được việc làm và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là hỗ trợ tìm việc làm cho người lao động bị khuyết tật...

3.jpg

Đại diện lãnh đạo Sở Tài chính trao đổi tại hội nghị.

Muốn nguồn nhân lực cao thì đội ngũ giáo viên phải chất lượng

Nhiều cử tri các quận, huyện bày tỏ đồng tình với việc thời gian qua, thành phố rất quan tâm đến công tác đào tạo, giải quyết việc làm, song thực tiễn vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn, vẫn cần thêm những chính sách phù hợp với từng đối tượng, ngành nghề.

Cử tri các quận Đống Đa, Tây Hồ, Hoàn Kiếm đề nghị, thành phố cần có giải pháp để giúp người chấp hành xong án phạt tù nhanh chóng tái hòa nhập, không để lãng phí nguồn lao động vì đối tượng này vẫn bị kỳ thị, phân biệt đối xử. Việc đào tạo nghề cho người khuyết tật cần gắn với việc làm sau đào tạo, để người khuyết tật tự hào với sự vươn lên phấn đấu của họ có ích cho mình, xã hội. Thành phố nên có ưu đãi đào tạo trình độ sơ cấp nghề cho các đối tượng là đoàn viên, thanh niên.

Cử tri các huyện: Thường Tín, Gia Lâm, Thạch Thất, Phú Xuyên… đề nghị, thành phố tăng kinh phí đào tạo, tập huấn an toàn lao động, nhất là ở các làng nghề truyền thống; cần đổi mới chương trình đào tạo nghề gắn với vị trí việc làm trong các doanh nghiệp; xem xét tăng mức hỗ trợ cho đối tượng được đào tạo nghề ở các địa phương.

4.jpg

Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà trả lời các vấn đề cử tri nêu.

Cũng rất quan tâm đến công tác đào tạo nghề, lãnh đạo đại diện các trường đào tạo nghề của thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố cho rằng, các doanh nghiệp vẫn thiếu lao động, nhiều ngành nghề có nhu cầu lao động cao nhưng tuyển dụng đạt tỷ lệ thấp; nhiều ngành nghề về năng lượng thông minh, tái tạo robot không đạt tỷ lệ tuyển dụng tại Hà Nội, phải tìm nguồn nhân lực từ các tỉnh. Do đó, Hà Nội cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có chính sách đối với các ngành nghề mới, chất lượng cao. Cùng với đó, cần phân luồng tốt học sinh, để bảo đảm với ngành nghề chất lượng cao thì học sinh phải có chất lượng tương ứng... Muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao, cần có đội ngũ giáo viên, hệ thống trường chất lượng, vì thế, cần đầu tư vật chất cho các trường đào tạo nghề để bắt kịp nhu cầu xã hội.

Đặc biệt, ngành công nghiệp bán dẫn hiện đang phát triển nhanh, được Chính phủ ưu tiên phát triển; tương lai ngành trí tuệ nhân tạo có khả năng thay các ngành lao động chân tay, máy móc. Trong bối cảnh đó, nhiều ngành đào tạo sẽ có sự thay đổi về mặt nhu cầu của thị trường lao động, vậy thành phố chuẩn bị như thế nào, đặc biệt về nguồn nhân lực để có thể đáp ứng nhu cầu và cạnh tranh với thị trường lớn hơn?

1-4-.jpg

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu kết luận hội nghị.

Xác định đào tạo ngành nghề mũi nhọn

Phát biểu tiếp thu các kiến nghị của cử tri, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà cho biết, thời gian tới, UBND thành phố sẽ đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi nhận thức của xã hội, nhân dân về công tác giáo dục nghề nghiệp, tránh tâm lý coi trọng bằng cấp. Thành phố sẽ xác định đào tạo ngành nghề mũi nhọn đáp ứng xu thế phát triển của Thủ đô.

Bên cạnh đó, thành phố cũng xây dựng lộ trình phát triển các trường nghề, đồng thời, trang bị cơ sở vật chất cho các trường nghề công lập, quan tâm xứng đáng qua việc hỗ trợ chính sách đặc thù.

Ngoài ra, thành phố cũng sẽ có cơ chế, chính sách đặc thù cho các đối tượng khuyết tật, thanh niên, người chấp hành xong án phạt tù… Sau khi Luật Thủ đô sửa đổi được thông qua, UBND thành phố sẽ chỉ đạo các sở, ngành tham mưu các dự thảo nghị quyết trình HĐND thành phố để thực hiện các danh mục chính sách liên quan đến lĩnh vực này.

Về những kiến nghị giải quyết việc làm, nhất là lao động phổ thông cần được bồi dưỡng, đào tạo dưới 3 tháng, đồng chí Vũ Thu Hà đề nghị, các địa phương khảo sát đối tượng, xác định nhu cầu để đặt hàng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đối với đào tạo lao động chất lượng cao, yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát, thay đổi phương thức đào tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả các phiên giao dịch việc làm… để đáp ứng xu thế hiện nay.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá cao 30 điểm cầu và nhiều quận, huyện kết nối đến cấp xã với trên 1.700 đại biểu tham dự tiếp xúc cử tri chuyên đề này. Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn ghi nhận 64 ý kiến trực tiếp tại hội nghị và gián tiếp trên Trang thông tin điện tử của Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm với 7 nhóm vấn đề. Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố tổng hợp, phân rõ nhóm vấn đề, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, trả lời và giám sát, đôn đốc.

Theo Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, thời gian qua, thành phố đã có nhiều chỉ đạo bằng nghị quyết, chương trình công tác, tiêu biểu là Chương trình 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025.

Đồng tình với một số giải pháp của UBND thành phố trong lĩnh vực này, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị khi triển khai thực hiện cần quan tâm về giải pháp, lộ trình; các kế hoạch triển khai phải khoa học, thực chất, hiệu quả, trong đó cần có giải pháp căn cơ, đảm bảo cung - cầu hợp lý; đánh giá kỹ lĩnh vực nào cần để đào tạo, đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát triển, đời sống; chú trọng đưa các nghị quyết của HĐND thành phố, chương trình cho vay đào tạo nghề, giải quyết việc làm… vào đời sống.