Cần xem xét điều chỉnh lại các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp
- Các chính sách tài khóa đã có hiệu quả trong việc tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp du lịch, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, giúp Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế dương trong những năm qua. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ tài khóa cần được xem xét mở rộng đối tượng thụ hưởng, liều lượng, thời gian.
TS. Phạm Mạnh Hùng (Học viện Ngân hàng) nhấn mạnh nội dung trên trong trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ khi đánh giá về những chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp du lịch, chịu ảnh hưởng nặng nề dịch COVID-19 cũng như những giải pháp để tháo gỡ nhằm đưa chính sách sát với thực tế.
Các gói chính sách hỗ trợ đã tiệm cận với thế giới
Theo TS. Phạm Mạnh Hùng, do ảnh hưởng dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam năm 2021 hứng chịu cú sốc kép từ phía cung do hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, chuỗi cung ứng gián đoạn và phía cầu do người tiêu dùng cắt giảm mạnh chi tiêu. Để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Chính phủ đã ban hành các chính sách hướng tới việc giảm nhẹ nghĩa vụ tài chính, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng và bảo đảm khả năng duy trì sản xuất cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Trong các chính sách về phục hồi và phát triển kinh tế, các biện pháp hỗ trợ thông qua công cụ tài khóa đóng một vai trò hết sức quan trọng. Để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp ngay trong năm 2020 khi dịch COVID xuất hiện và các năm 2021 và 2022 tiếp theo. Chính sách tài khóa được triển khai xoay quanh các cơ chế miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất, các loại phí, lệ phí, hỗ trợ lãi suất...
Các chính sách tài khóa nhìn chung đều thể hiện rõ quan điểm và mục tiêu hỗ trợ của Chính phủ. Từ góc độ của mình, các doanh nghiệp ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trong chính sách hỗ trợ đã ban hành.
Các gói chính sách cũng tương đồng với chính sách của các quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên theo TS. Phạm Mạnh Hùng, trong thực tiễn triển khai đã bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục.
Thứ nhất, các chính sách đa số được thiết kế và thực thi theo hướng bình quân giữa các địa phương, ngành nghề, quy mô mà ít tính đến mức độ ảnh hưởng và khả năng chống chịu. Trong khi đó du lịch lại là lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất và nặng nề nhất.
Thứ hai, liều lượng chính sách còn khiêm tốn, cùng với đó là số lượng đối tượng được hỗ trợ quá nhiều, nên lợi ích từ chính sách bị dàn trải.
Thứ ba, mức độ hữu ích của chính sách hỗ trợ có xu hướng tỉ lệ thuận với mức độ tiếp cận thông tin về chính sách. Theo đó, những doanh nghiệp tiếp cận thông tin chính sách kém thường là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong khi đó doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch lại chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng gặp khó khăn nhiều hơn tuy nhiên lại chưa được hỗ trợ hiệu quả từ chính sách.
Thứ tư, nhiều chính sách hỗ trợ có quy trình xét duyệt còn phức tạp, các điều kiện để được thụ hưởng chưa rõ ràng, thời gian xử lý lâu do bị ảnh hưởng bởi các quy định giãn cách xã hội…
Khuyến nghị đối với chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp
Khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, bối cảnh chính sách tài khóa về cơ bản sẽ thay đổi, chuyển dần từ mục tiêu ngắn hạn là kiềm chế đại dịch và hỗ trợ doanh nghiệp sang mục tiêu dài hạn là phục hồi nền kinh tế. Vì vậy, các cơ chế hỗ trợ thông qua công cụ tài khóa hiện nay xuất hiện những vấn đề cần củng cố, bổ sung nhằm nâng cao khả năng tiếp cận cũng như hiệu quả hỗ trợ cho hệ thống doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Dư địa chính sách tài khóa hiện tại của Việt Nam còn lớn thể hiện ở thu ngân sách năm 2021 vượt dự toán. Cả năm 2021, thu ngân sách nhà nước (NSNN) là 1.545.060 tỷ đồng, đạt 115,03%; thu thuế, phí vượt năm 2020 khoảng 7%. Bên cạnh đó, bội chi ngân sách và trần nợ công vẫn duy trì trong mức cho phép, khả năng huy động nguồn vốn tài chính trong nước vẫn khá dồi dào. Vì vậy, trong ngắn hạn, Việt Nam có thể chấp nhận mức bội chi NSNN cao hơn và nợ công tăng trong giai đoạn 2022 - 2023 để hỗ trợ nền kinh tế.
Tuy nhiên, về dài hạn, khi nền kinh tế đã dần phục hồi, vai trò hỗ trợ của chính sách tài khóa cũng giảm dần nên cần có các biện pháp mở rộng cơ sở thu, tăng cường quản lý thu và cải thiện hiệu quả chi NSNN để thiết lập lại kỷ luật tài khóa trong vòng 3 - 5 năm sau, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính quốc gia trong giai đoạn 2021 - 2025.
Trên cơ sở dư địa chính sách khả dụng, Chính phủ cần xác định các mục tiêu phù hợp với từng thời kỳ để xây dựng gói hỗ trợ tài khóa với quy mô đủ lớn nhằm đáp ứng các tiêu chí kịp thời, đúng đối tượng, đủ dài, đủ bao trùm để mang lại hiệu quả như mong đợi.
Trong ngắn hạn, mục tiêu của gói hỗ trợ tài khóa là kiềm chế đại dịch, giảm bớt tác động về y tế và kinh tế nên sẽ cần dành ưu tiên cho chi tiêu y tế, đảm bảo an sinh xã hội đối với người dân và người lao động, hỗ trợ khu vực doanh nghiệp hướng vào các ngành lan tỏa và các doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhanh sau đại dịch. Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực du lịch, các khoản trợ cấp trực tiếp vẫn đóng vai trò quan trọng.
Về dài hạn, với mục tiêu hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, các biện pháp tài khóa trong giai đoạn này cần chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp, từ hỗ trợ về tài chính sang hỗ trợ về cơ chế, từ hỗ trợ số nhiều sang số ít các đối tượng còn chịu ảnh hưởng lâu dài của đại dịch, hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng trưởng xanh, bền vững.
Các chính sách hỗ trợ tài khóa cụ thể đã được triển khai cần được xem xét mở rộng đối tượng thụ hưởng, liều lượng, thời gian hỗ trợ. Đồng thời các đơn vị triển khai hỗ trợ cần tập trung cải thiện hiệu quả của công tác tuyên truyền và thực thi đối với các gói chính sách hỗ trợ đã ban hành. Các quy trình, giai đoạn thẩm định cần được đơn giản hóa hết mức, tập trung vào giai đoạn hậu kiểm và các chế tài xử phạt đối với các hành vi trục lợi chính sách./.
Diệp Anh
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan kiểm soát xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam tại cửa khẩu
- 0 aA Chỉ đạo, quyết định của Chính phủ - Thủ tướng Chính phủ Điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan kiểm soát xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam tại cửa khẩu
- Hệ thống hóa pháp luật để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
- Sửa quy định về sử dụng kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
- Sửa đổi Luật Việc làm: Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
- Đường, cầu đường bộ có thời gian sử dụng tính hao mòn là 40 năm