Căng thẳng giữa Nga và phương Tây khiến giới đầu tư tiếp tục bán tháo
Phố Wall tiếp tục lao dốc trong phiên ngày thứ Tư (24/2), khi diễn biến căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine ngày một xấu đi.
Tình hình xung quanh biên giới Ukraine vẫn xấu đi, sau khi nước này ban bố tình trạng khẩn cấp, tổng động viên quân đội và khuyến cáo công dân rời khỏi Nga.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thêm, họ chưa thấy có dấu hiệu nào cho thấy người Nga lùi bước, trong khi Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden không có ý định cử lính Mỹ tham chiến ở Ukraine.
Trước đó, phương Tây đã công bố thêm một loạt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga do nước này tiến vào miền đông Ukraine, và Moscow đã bắt đầu sơ tán đại sứ quán ở Kyiv.
Phiên hôm nay, chỉ số Nasdaq dẫn đầu mức giảm, mất hơn 2%. Trong khi đó, lĩnh vực công nghệ giảm 2,6% và là lực cản lớn nhất đối với S&P 500.
Đà lao dốc đã khiến Nasdaq Composite tiến gần hơn vào vùng thị trường giá xuống (bear market), khi chỉ số này đã sụt gần 19% so với mức đóng cửa cao kỷ lục ghi nhận hồi tháng 11/2021.
Trong khi S&P 500 vào phiên trước đó đã xác nhận đi vào vùng điều chỉnh khi chỉ số này kết thúc giảm 10% so với mức cao kỷ lục đóng cửa ngày 3/1.
Nhóm các cổ phiếu liên quan đến việc tái mở cửa kinh tế như hàng không và du thuyền sụt giảm, cũng như một số cổ phiếu công nghệ, với Delta Air Lines mất 4,1%, Tesla sụt 7%, Amazon giảm 3,6% và Apple mất 2,6%.
Nhóm cổ phiếu bán lẻ cũng chìm trong sắc đỏ với Macy’s giảm 5,2%, TJX Companies giảm 4,2%, Best Buy mất 2,1% và Nordstrom giảm 3,4%.
Kết thúc phiên 23/2, chỉ số Dow Jones giảm 464,85 điểm (-1,38%), xuống 33.131,76 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 79,26 điểm (-1,84%), xuống 4.225,50 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 344,03 điểm (-2,57%), xuống 13.037,49 điểm.
Chứng khoán châu Âu giảm điểm, do các tin tức liên quan đến xung đột Nga-Ukraine làm suy giảm tâm lý nhà đầu tư, trong khi các lệnh trừng phạt khiêm tốn của phương Tây đối với Nga và báo cáo kết quả kinh doanh mạnh mẽ giúp hạn chế đà rơi của thị trường.
Chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu đóng cửa giảm 0,26% xuống 453,95 điểm, với các cổ phiếu ngân hàng, dịch vụ tài chính và bán lẻ giảm mạnh nhất.
Thị trường tiếp tục quan ngại với các diễn biến căng thẳng chính trị, sau khi Ukraine tuyên bố tình trạng khẩn cấp và yêu cầu công dân của họ rời khỏi Nga, trong khi Moscow bắt đầu sơ tán đại sứ quán tại Kyiv. Những dấu hiệu đáng ngại mới nhất về một cuộc tấn công toàn diện của quân đội Nga.
Ukraine cũng đổ lỗi cho Nga về một loạt các cuộc tấn công mạng vì các trang web nhà nước của họ, bao gồm cả các trang chủ của chính phủ và bộ ngoại giao.
Hạn chế đà giảm của thị trường đến từ kết quả kinh doanh. Theo đó, trong số hơn một nửa trong số 600 công ty thuộc STOXX đã báo cáo cho đến nay đã có 63% vượt ước tính lợi nhuận của các nhà phân tích, theo dữ liệu của Refinitiv.
Đáng chú ý, Barclays đã tăng 3,1% sau khi lợi nhuận năm vừa qua cao gần gấp ba lần năm ngoái. Công ty môi giới trực tuyến FlatexDEGIRO có trụ sở tại Đức đã tăng 16,7% sau một báo cáo rằng công ty đang thu hút sự quan tâm từ các công ty cổ phần tư nhân.
Kết thúc phiên 23/2: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 3,97 điểm (+0,05%), lên 7.498,18 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 61,64 điểm (-0,42%), xuống 14.631,36 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 6,93 điểm (-0,10%), xuống 6.780,67 điểm.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch ngày sinh nhật Thiên hoàng.
Chứng khoán Trung Quốc tăng, với các cổ phiếu công nghệ cao và các công ty năng lượng mới dẫn đầu đà đi lên, sau khi các nhà đầu tư toàn cầu mua bắt đáy sau đợt đợt bán tháo do khủng hoảng Ukraine trong phiên trước.
Chứng khoán Hồng Kông tăng, được thúc đẩy bởi lực mua bắt đáy, sau khi thị trường đóng cửa giảm hơn 650 điểm vào ngày hôm qua. Trong khi các nhà đầu tư vẫn đang theo dõi sát sao tình hình căng thẳng ở Ukraine.
Chứng khoán Hàn Quốc phục hồi sau hai phiên giảm liên tiếp, mặc dù mức tăng bị giới hạn bởi những lo ngại xung quanh cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine.
Kết thúc phiên 23/2: Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 32,00 điểm (+0,93%), lên 3.489,15 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 140,28 điểm (+0,60%), lên 23.660,28 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 12,74 điểm (+0,47%), lên 2.719,53 điểm.
Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Tư tăng trở lại do căng thẳng địa chính trị leo thang tại châu Âu khiến dòng tiền trú ẩn chảy mạnh.
Kết thúc phiên 23/2, giá vàng giao ngay tăng 10,4 USD lên 1.908,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng hơn 3 USD lên 1.913,5 USD/ounce.
Giá dầu thô ít thay đổi trong phiên này, sau khi giới chức Mỹ phát tín hiệu rằng căng thẳng giữa Nga với phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine có thể sẽ không dẫn tới các biện pháp trừng phạt nhằm vào nguồn cung năng lượng từ Nga.
Kết thúc phiên 23/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,19 USD (+0,21%), lên 92,10 USD/thùng. Giá dầu thô Brent không đổi tại 96,84 USD/thùng.
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/cang-thang-giua-nga-va-phuong-tay-khien-gioi-dau-tu-tiep-tuc-ban-thao-post291726.html
- Cải thiện tính minh bạch để tăng giá trị, sức hút cho thị trường chứng khoán
- Tìm lời giải cho bài toán bán ròng của khối ngoại
- Cổ phiếu VNI bị đưa vào diện cảnh báo và tiếp tục bị đình chỉ giao dịch
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Gỡ rào cản về cơ chế thanh toán để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán
- Sửa Luật Chứng khoán hướng tới thu hút vốn, tăng quy mô nhà đầu tư tổ chức
- Gần 160 nghìn tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 10, nâng tổng số vượt mốc 9 triệu
- Thông tư 68/2024/TT-BTC thể hiện cam kết thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán