Cảnh báo ngộ độc chì khi tùy tiện dùng thuốc nam
Trong thời gian qua, các bệnh viện đã điều trị cho một số trường hợp bệnh nhi bị ngộ độc chì nặng, thậm chí nguy kịch, do cha mẹ cho trẻ dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc.
Đáng lo ngại, triệu chứng nhiễm độc chì ở trẻ nhiều lúc khó phát hiện ra, nhất là trong trường hợp lượng chì nhiễm dưới mức nguy hiểm nhưng lại “âm thầm” gây các bệnh mạn tính cho trẻ.
Ngộ độc chì cấp thường do hấp thụ chì qua đường tiêu hóa khi uống thuốc nam, đặc biệt là các loại thuốc tễ, thuốc tán không rõ nguồn gốc.
Nguyên nhân chủ yếu do sự chủ quan của phụ huynh
Nếu như người lớn dễ bị ngộ độc chì do hấp thụ chì trong môi trường sinh hoạt và nghề nghiệp như các ngành công nghiệp sản xuất nhựa, thủy tinh, sản xuất ắc quy chì, ngành in ấn, kinh doanh xăng dầu, hàn chì,… thì ngộ độc chì ở trẻ nhỏ chủ yếu lại do cha mẹ ít cảnh giác khi cho con sử dụng các loại thuốc cam, thuốc tưa lưỡi… Ngoài ra, ngộ độc chì cấp thường do hấp thụ chì qua đường tiêu hóa khi uống các thuốc nam, đặc biệt là các loại thuốc tễ, thuốc tán không rõ nguồn gốc, bào chế khử độc không an toàn có thể chứa các kim loại nặng hàm lượng cao như chì, thủy ngân, asen...
Tháng 2-2024, Bệnh viện Nhi Trung ương đã cấp cứu cho một bé gái 9 tuổi ở Hà Tĩnh được chuyển đến viện trong tình trạng lơ mơ, co giật nhiều và kéo dài, giảm tri giác. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị ngộ độc chì nặng và có tổn thương não. Gia đình của bé cho biết thường mua thuốc cam về cho bé uống và tin tưởng đây là thuốc đông y có thành phần tự nhiên nên không độc hại.
Gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương lại tiếp tục điều trị cho một bệnh nhi mới chỉ 3 tuổi ở Thanh Hóa bị ngộ độc chì nặng, nguy kịch, do cha mẹ cho dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc để chữa bệnh động kinh. Qua khai thác bệnh sử, được biết, trẻ có tiền sử mắc bệnh động kinh từ lúc 6 tháng tuổi. Trước khi nhập viện 3 tháng, gia đình thấy trẻ co giật nhiều hơn, nhưng đáng tiếc, thay vì tuân thủ hướng dẫn điều trị bệnh của các bác sĩ chuyên khoa thì gia đình lại tự ý đi mua thuốc nam không rõ nguồn gốc dạng viên về cho trẻ uống.
Khi dùng thuốc, tình trạng co giật của trẻ có giảm hơn, thế nhưng khoảng 1 tháng sau đó trẻ xuất hiện rối loạn hành vi, khóc buồn vô cớ hay kêu đau đầu… Trẻ nhập viện trong tình trạng co giật, nôn nhiều, rối loạn ý thức, da xanh tái. Mặc dù đã được cấp cứu điều trị tích cực bằng thở máy, chống phù não kết hợp sử dụng thuốc thải chì trong máu… nhưng trẻ vẫn trong tình trạng nguy kịch, tiên lượng xấu.
Ngộ độc chì “âm thầm” gây ra các bệnh mạn tính cho trẻ
Ngoài những trường hợp ngộ độc nặng kể trên, nhiều trẻ cũng bị ngộ độc chì “âm thầm” do cha mẹ tự ý dùng các loại thuốc đông y giúp trẻ tăng cân, thuốc chữa tưa lưỡi để vệ sinh răng miệng, thuốc chữa viêm da cơ địa…
TS.BS Đào Hữu Nam, Trưởng khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Chì là một kim loại nặng, rất độc, gây ảnh hưởng đến tất cả cơ quan của con người, đặc biệt là đối với trẻ em. Khi xâm nhập vào cơ thể, kim loại này có thể gây ra nhiều bệnh lý về thần kinh, tim mạch, huyết học, dạ dày, đường ruột, thận…”. Ngộ độc chì có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ em, bao gồm kích thích, co giật, lơ mơ, hôn mê, liệt. Đáng nói nhiều biểu hiện ngộ độc chì “âm thầm” nhưng lâu dài, không điển hình.
Do đó, để phòng ngừa ngộ độc chì cho trẻ em, các chuyên gia y tế khuyến cáo, cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ dùng thuốc nam và các loại thuốc không rõ nguồn gốc khi không có chỉ định của bác sĩ. Đối với trẻ mắc bệnh động kinh nói riêng và các bệnh mạn tính nói chung, cần phải tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn điều trị, dùng thuốc và tái khám theo lịch hẹn, không được tự ý ngừng thuốc, trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
Cha mẹ cũng cần cảnh giác với các loại thuốc cam không rõ nguồn gốc, được quảng cáo giúp con tăng cân và nâng cao sức đề kháng. Đây cũng là loại thuốc vẫn còn được sử dụng phổ biến ở nhiều vùng quê dù đã có nhiều cảnh báo. Trên thực tế, thuốc cam là một bài thuốc có trong Đông y nhưng khi được chào bán trên thị trường lại chủ yếu là thuốc không rõ nguồn gốc, thậm chí không được phép lưu hành, không có hướng dẫn sử dụng cụ thể. Do đó, phụ huynh thường dùng thuốc không đúng cách và gây ra ngộ độc do quá liều.
Bên cạnh đó, việc tự ý sử dụng thuốc mà không có ý kiến của người có chuyên môn có thể dẫn đến việc dùng sai thuốc, làm trầm trọng thêm triệu chứng bệnh ở trẻ. Nếu nghi ngờ trẻ mắc phải tình trạng ngộ độc chì, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
- Người mẹ gây xôn xao khi mang 9 bào thai cùng một lúc
- Bé gái 7 tuổi tử vong sau vài tiếng nhập viện ở Thanh Hóa
- Phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm sau khi vô tình đọc báo
- Bé 4 tuổi đi cấp cứu với tiên lượng tử vong do biến chứng đái tháo đường
- 4 triệu chứng ở chân cảnh báo bệnh tiểu đường đã nghiêm trọng
- Bộ Y tế đề xuất cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng
- 4 thực phẩm giúp giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư
- Ngứa cảnh báo tình trạng nguy hiểm không chỉ là bệnh ngoài da khi trời hanh khô
- Căn bệnh khiến nhiều người không bao giờ tỉnh lại vào ngày hôm sau