Cảnh báo nhiều, vẫn... "sập bẫy" (!?)
Thời gian qua, Báo Hànộimới đã có nhiều bài viết cảnh báo tình trạng các công ty không có chức năng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhưng ngang nhiên quảng cáo, thu tiền của người dân.
Dù đây là việc làm trái pháp luật, vẫn có nhiều người nhẹ dạ, cả tin khiến bản thân, gia đình rơi vào cảnh lao đao, nợ nần vì "sập bẫy" lừa đảo.
Người lao động tập trung đòi quyền lợi tại Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Educa Việt Nam ở số 78 phố Duy Tân (quận Cầu Giấy), ngày 22-9.
Ngang nhiên vi phạm
Vụ việc đáng báo động gần đây là trường hợp Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Educa Việt Nam (Công ty Educa) ở số 78 phố Duy Tân (quận Cầu Giấy) thu tiền của hơn 200 người lao động nhưng không thực hiện cam kết là đưa họ đi làm việc tại Hàn Quốc.
Theo đó, hơn 200 lao động đã phải đóng gần 300 triệu đồng để được xuất khẩu lao động, song lại bị công ty thông báo hoãn lịch bay ngay sát giờ vào ngày 22-9, khiến hàng trăm người rơi vào khủng hoảng, bức xúc. Khi kiểm tra, người lao động mới phát hiện công ty này không được Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép hoạt động về lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Tương tự, dù không có giấy phép nhưng Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển nhân lực GHR Global - Công ty GHR Global (địa chỉ tại quận Cầu Giấy) vẫn thu tiền của người lao động. Trong đơn tố cáo gửi đến Báo Hànộimới, chị Đậu Quỳnh Tâm (trú tại xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) cho biết, ngày 10-5-2023, chị đã giới thiệu anh Cao Xuân Cường (trú tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) đăng ký và hoàn thành các thủ tục để được đi làm việc tại Canada do công ty trên tổ chức. Chị Tâm đã chuyển khoản 3 lần, với tổng số tiền 294.100.000 đồng cho công ty này, ghi nhận bằng Phiếu thu có chữ ký, dấu đỏ của Giám đốc Công ty GHR Global Phạm Thị Hồng Giang.
Theo lời hứa của bà Giang, khoảng tháng 8-2023, anh Cường sẽ được bay sang Canada nhưng mãi đến tháng 3-2024 vẫn không có thông tin gì. Sau đó, anh Cường đã yêu cầu rút hồ sơ không đi nữa, bà Giang đồng ý nhưng trì hoãn không trả lại tiền đặt cọc. Đến ngày 21-5-2024, công ty này gửi cho anh Cường mẫu đơn xác nhận rút hồ sơ nhưng đơn vị có tên trong giấy hẹn lại là Công ty cổ phần Techconnects Global ở thành phố Đà Nẵng. Thấy dấu hiệu bất thường, chị Đậu Quỳnh Tâm gọi điện thoại cho bà Phạm Thị Hồng Giang yêu cầu trả lại số tiền đã nộp thì bị chặn điện thoại.
“Sau khi nhờ sự giúp đỡ của cơ quan có thẩm quyền, tôi mới hẹn gặp được bà Giang vào ngày 30-8-2024 tại phố Mễ Trì Thượng (quận Nam Từ Liêm). Tuy nhiên, bà Giang đã đổ lỗi cho Công ty cổ phần Techconnects Global; đồng thời cho biết Công ty GHR Global cũng là nạn nhân và khi nào đòi được tiền thì mới trả lại cho tôi. Thái độ vô trách nhiệm của bà Giang khiến tôi vướng vào nợ nần vì đã sử dụng số tiền gần 300 triệu đồng của anh Cường để nộp cho công ty này", chị Tâm bức xúc nói.
Hồi chuông cảnh tỉnh
Về sự việc Công ty Educa "mang con bỏ chợ" khiến hơn 200 lao động "bơ vơ", ngày 24-9-2024, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã ban hành Công văn số 1335/CQLLĐNN-TTr gửi các cơ quan chức năng đề nghị phối hợp kiểm tra, xác minh và xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Công văn khẳng định Công ty Educa không được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cục cũng đánh giá đây là vụ việc lớn, phức tạp, có dấu hiệu vi phạm pháp luật và lừa đảo người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài.
Trả lời phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết, hiện Sở đang kiểm tra thông tin liên quan đến sự việc trên và sẽ trả lời sớm khi có kết luận.
Đối với trường hợp liên quan đến chị Đậu Quỳnh Tâm, trong danh sách 494 doanh nghiệp được phép đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên website dolab.gov.vn của Cục Quản lý lao động ngoài nước, không có tên Công ty GHR Global. Như vậy, việc thu tiền của người lao động để đưa đi làm việc tại Canada của đơn vị này là hành vi trái pháp luật.
Phóng viên Báo Hànộimới đã cố gắng liên hệ bằng điện thoại, tin nhắn với bà Phạm Thị Hồng Giang, Giám đốc công ty nhưng không nhận được hồi âm. Được biết, chị Đậu Quỳnh Tâm hiện đã tố cáo hành vi chiếm đoạt tài sản của bà Giang tới cơ quan Công an quận Bắc Từ Liêm.
Theo quy định tại Điều 7 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực vào ngày 1-1-2022, trong số những hành vi bị nghiêm cấm có hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng mà không có giấy phép; thu tiền môi giới của người lao động… Cá nhân vi phạm có thể bị xem xét, xử lý về hành vi “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, trên thực tế, dù có rất nhiều cảnh báo từ các cơ quan chức năng về hành vi lừa đảo nêu trên nhưng vẫn có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người lao động tiếp tục mất tiền cho những công ty "lừa" để rồi phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai đang có kế hoạch đi làm việc ở nước ngoài cần cẩn trọng, tỉnh táo để tránh mất tiền oan.
- Lễ hội cây cảnh hoa giấy Phù Đổng - “Sắc hoa trên miền di sản”
- Khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine do căng thẳng leo thang
- Trách nhiệm, đồng lòng chống lãng phí
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Cấp đổi thẻ căn cước trực tuyến được giảm 50% lệ phí
- Ban hành Công điện về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh