Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo giả danh công an
Mặc dù, các phương tiện truyền thông liên tục đăng tải thông tin, cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các vụ việc giả danh công an để lừa đảo, tuy nhiên nhiều người vẫn mất cảnh giác và bị sập bẫy lừa đảo. Cùng với nỗ lực của lực lượng công an điều tra, phá án thì người dân cũng cần nâng cao cảnh giác trước những thủ đoạn tinh vi của đối tượng lừa đảo.
Công an phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) tuyên truyền cảnh báo người dân về các loại hình tội phạm. Ảnh: Linh Nhi
Chiêu trò mạo danh
Ngày 22-6 vừa qua, chị Vũ Bích Hồng (phường Hà Cầu, quận Hà Đông) nhận được cuộc điện thoại từ số +1844-830-1144 thông báo “Bạn có 1 biên lai cần nộp phạt, đây là thông báo cuối cùng gửi đến cho bạn, vui lòng bấm phím 9 để được hỗ trợ”. Do đầu dây bên kia có giọng nói miền Nam đều đều như kiểu ghi âm nên chị Hồng chợt nhớ đến các thông tin mà đồng nghiệp và bạn bè đã chia sẻ trước đó nên không làm theo hướng dẫn.
Giống như chị Hồng, chị Nguyễn Thị Huế (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm) nhận được điện thoại từ số +1871105941 xưng danh là cán bộ Cục Quản lý giao thông đường bộ cho biết chị có 1 biên lai xử phạt số 003815 yêu cầu phải nộp tiền. Trong khi đó, anh Nguyễn Vũ Hưng (phường Giảng Võ, quận Ba Đình) nhận được cuộc gọi thông báo cơ quan cảnh sát điều tra đang phát hiện anh hưởng lợi từ khoản tiền bảo hiểm hơn 40 triệu đồng, đề nghị anh phối hợp với cơ quan công an để giải quyết. Do anh Hưng không tham gia hợp đồng bảo hiểm nào nên anh biết ngay đây là đối tượng lừa đảo.
Tuy nhiên, không phải ai cũng luôn tỉnh táo nâng cao cảnh giác trước đối tượng lừa đảo. Nhiều người dân thiếu thông tin nên đã bị đối tượng lừa đảo số tiền lớn hàng trăm triệu đến hơn tỷ đồng. Cụ thể, đầu tháng 4-2022, chị Q (quận Hoàn Kiếm) bị một đối tượng xưng là Đội trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Đà Nẵng gọi điện thông báo chị liên quan đến đường dây rửa tiền, buôn bán ma túy. Chị Q nói đang ở Hà Nội, không đến được Đà Nẵng thì đối tượng hướng dẫn chị tải app và đăng nhập tài khoản để xác minh. Sau đó, chị Q phát hiện bị mất 300 triệu đồng trong tài khoản nên đến công an phường Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm) trình báo.
Gần đây nhất, Công an thị xã Sơn Tây cho biết, đang xác minh, điều tra vụ giả danh cán bộ công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 1 tỷ đồng của người dân. Theo đó, ngày 11-6-2022, bà P (sinh năm 1958, thị xã Sơn Tây) nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an, thông báo bà có lệnh bắt và yêu cầu cung cấp tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra. Sau khi làm theo hướng dẫn, bà P phát hiện tài khoản bị mất hơn 1 tỷ đồng.
Theo cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an), hiện nay cơ quan đang điều tra vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Đối tượng lừa đảo giả danh cán bộ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy gọi điện tới các gia đình, doanh nghiệp yêu cầu mua tài liệu tập huấn hoặc cấp chứng chỉ phòng cháy, chữa cháy từ 600.000 đồng đến 6.000.000 đồng. Sau khi nhận được tiền, đối tượng lừa đảo thay đổi số điện thoại, hoặc chặn liên lạc với người bị hại.
Cán bộ Phòng An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội hỏi cung một đối tượng giả danh công an để lừa đảo.
Nâng cao cảnh giác, tăng cường đấu tranh
Trước thực trạng trên, Bộ Công an đã phát đi khuyến cáo tới các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác khi nhận được các cuộc điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ của các cơ quan nhà nước và cơ quan tư pháp, tố tụng hình sự để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại… thì cần đặc biệt cảnh giác, tuyệt đối không làm theo.
Trung tá Tống Văn Công, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, cơ quan công an không bao giờ làm việc theo hình thức gọi điện thoại. Trường hợp cần làm việc với người dân, cơ quan công an đều gửi giấy triệu tập, giấy mời thông qua chính quyền địa phương, cảnh sát khu vực. Khi bị các đối tượng giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện đe dọa, người dân cần bình tĩnh thông báo cho người thân và cơ quan công an gần nhất. Tuyệt đối không cung cấp các thông tin về tài sản cá nhân, số tài khoản ngân hàng cho người lạ.
Theo Đại tá Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội), để nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân, Công an thành phố Hà Nội thường xuyên đăng tải thông tin cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo sử dụng công nghệ cao qua mạng xã hội, trên các trang web của ngành và các phương tiện truyền thông đại chúng để người dân nâng cao cảnh giác. Hiện Công an thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai kế hoạch “Tăng cường phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn thành phố” trong đó tập trung đấu tranh mạnh với tội phạm công nghệ.
Người dân cần tự bảo vệ mình bằng cách không công khai các thông tin cá nhân như ngày sinh, số căn cước công dân, tài khoản ngân hàng… cảnh giác khi kết bạn với người lạ trên mạng xã hội. Đồng thời, hãy lan tỏa những thông tin, kiến thức mình được cập nhật đến người thân, bạn bè để cùng đề cao cảnh giác.
Nguồn http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Phap-luat/1035332/canh-bao-thu-doan-lua-dao-gia-danh-cong-an
- Bị cáo Trương Mỹ Lan tiếp tục bị đề nghị tử hình
- Bị cáo Trương Mỹ Lan đem khu đất 152 Trần Phú bị thu hồi đi khắc phục hậu quả
- Đường dây cho vay nặng lãi, đòi nợ bằng thủ đoạn hắt mắm tôm, đe dọa khổ chủ
- Bà Trương Mỹ Lan: '2.000 người làm đơn xin giảm nhẹ cho bị cáo'
- Xô xát tại phòng trọ, một thanh niên tử vong ở Gia Lai
- Công an TPHCM bắt 1 đối tượng tham gia tổ chức phản động lưu vong
- Khởi tố kẻ đứng sau web phim lậu cực lớn tại Việt Nam
- Nữ nhân viên ngân hàng lừa đảo 6 tỷ đồng đầu tư tiền ảo, công an tìm thêm bị hại
- Hai chú cháu bị khởi tố trong vụ buôn lậu hơn 6kg vàng từ Campuchia về Việt Nam