Cảnh giác lừa đảo tiêu dùng trên không gian mạng trước sự kiện Black Friday
Trước 'cơn sốt' mua sắm giảm giá Black Friday, các chuyên gia an ninh mạng liên tục lên tiếng cảnh báo khách hàng đang có ý muốn săn hàng giá rẻ để tránh nguy cơ lừa đảo trực tuyến.
Tội phạm mạng có thể dùng mọi thủ đoạn để đánh cắp tiền và thông tin cá nhân của khách hàng trực tuyến.
Sự kiện Black Friday hằng năm, theo truyền thống được tổ chức vào cuối tháng 11, không chỉ thu hút người tiêu dùng, mà còn cả tội phạm mạng.
Doanh thu thương mại điện tử toàn cầu đạt 5,7 nghìn tỷ USD vào năm 2022, tăng 10% so với năm 2021, tạo mảnh đất màu mỡ cho hoạt động lừa đảo trực tuyến.
Trong bối cảnh giao dịch trực tuyến ngày càng phát triển, số vụ tấn công lừa đảo và tội phạm trên không gian mạng cũng ngày càng gia tăng, đòi hỏi người tiêu dùng phải đặc biệt chú ý đến vấn đề an ninh.
Một báo cáo mới đây của công ty phần mềm bảo mật Kaspersky Lab đã đánh giá nhiều mối đe dọa khác nhau trên không gian mạng, gồm mã độc tài chính, các trang web lừa đảo bắt chước các nền tảng bán lẻ, ngân hàng và các hệ thống thanh toán.
Các nhà nghiên cứu của Kaspersky Lab đã sử dụng dữ liệu trong khoảng thời gian từ tháng 01-10/2023, bao gồm phân tích lừa đảo trực tuyến và thư rác liên quan đến sự kiện Black Friday.
Kết quả nghiên cứu cho thấy sự gia tăng đáng kể các cuộc tấn công lừa đảo. Trong 10 tháng đầu năm 2023, 30,8 triệu cuộc tấn công nhắm vào các cửa hàng trực tuyến, hệ thống thanh toán và ngân hàng đã được xác định.
Các nền tảng thương mại điện tử, chiếm 43,5% tổng số vụ tấn công, thu hút sự chú ý đặc biệt của bọn tội phạm. Đáng chú ý, Apple là đối tượng bị tin tặc nhắm mục tiêu thường xuyên nhất, với hơn 2,8 triệu lần tấn công.
Số lượng cửa hàng lừa đảo liên quan đến lĩnh vực thời trang, đồ gia dụng và đồ điện tử với giá chiết khấu cao đang tăng lên đáng kể.
Những kẻ lừa đảo tích cực tạo ra các cửa hàng giả mạo, nơi người tiêu dùng bị lừa trả tiền cho những món hàng sẽ không bao giờ nhận được.
Số lượng tên miền có dòng chữ “Black Friday” cũng gia tăng đáng kể và thường là không tồn tại hoặc là bản sao y như thật của các cửa hàng trực tuyến thực sự.
Lừa đảo tài chính cũng chiếm một phần đáng kể trong tổng số vụ tấn công. Việc tạo ra các trang web ngân hàng giả mạo, bắt chước các nền tảng thanh toán nổi tiếng, cũng như giả mạo các trang web của các cửa hàng trực tuyến phổ biến gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho những người tiêu dùng cả tin.
Khi sự kiện Black Friday đang cận kề, tổng số các cuộc tấn công lừa đảo và thư rác nhằm vào người mua hàng trực tuyến có xu hướng tăng lên đáng kể.
Mặc dù phương thức của những kẻ lừa đảo chưa có sự thay đổi mang tính đột biến, nhưng mùa bán hàng giảm giá khiến những lời mời chào mua hàng của chúng trở nên thuyết phục hơn.
Do đó, với xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong các mùa cao điểm như Black Friday, người tiêu dùng cần đặc biệt chú ý kiểm tra tính hợp pháp của bất kỳ mời chào khuyến mãi, cũng như cảnh giác với các tin nhắn rác.
Việc luôn cảnh giác, cập nhật thông tin về các mối đe dọa hiện tại và áp dụng các biện pháp bảo mật mạnh sẽ giúp người tiêu dùng chủ động tự bảo vệ mình khỏi những nguy cơ bị lừa đảo tài chính đang ngày càng phổ biến trong thế giới kỹ thuật số.
(theo Securitylab)
- Vì sao Việt Nam ra quy định không cấp phép game bài?
- Mạng xã hội Threads có thêm 35 triệu người dùng nhờ Elon Musk và Donald Trump
- Nhiều startup công nghệ thắng lớn tại Techfest Việt Nam 2024
- Indonesia: Apple đã rót hơn 15 tỷ USD vào sản xuất tại Việt Nam
- Chuyển đổi số để phát triển quận Bắc Từ Liêm xứng tầm
- OpenAI nhắm đến hai địa hạt thống trị của Google
- OpenAI chi bao nhiêu để mua nội dung đào tạo ChatGPT?
- OpenAI nhắm đến hai địa hạt thống trị của Google
- Doanh nghiệp Việt loay hoay tăng thu giảm chi bằng chuyển đổi số