Cảnh giác với ''bẫy'' vay tiền trên mạng

Thứ ba, ngày 31 tháng 5 năm 2022 | 14:0

Thường xuyên đăng tải trên mạng xã hội, nhắn tin liên tục để mời chào vay tiền qua các ứng dụng, sau khi “cá cắn câu” thì các đối tượng tính lãi cao và dùng các chiêu trò đòi nợ bằng điện thoại, tin nhắn đe dọa, thậm chí đăng ảnh của người thân khi khách hàng chưa kịp trả tiền. Mặc dù các cơ quan chức năng đã bắt giữ nhiều vụ việc nhưng tình trạng cho vay nặng lãi qua ứng dụng (app) theo kiểu "tín dụng đen" vẫn nở rộ, người dân cần nâng cao cảnh giác để không bịlừa.

Người dân cần tìm hiểu kỹ các thông tin để tránh bị sập “bẫy” vay tiền trên mạng. Ảnh: Đỗ Tâm

Thủ đoạn tinh vi

Hiện trên các trang mạng xã hội vẫn tồn tại các lời mời chào vay tiền qua app nhưng thực chất là cho vay nặng lãi với thủ đoạn tinh vi. Cụ thể, trên mạng xã hội Facebook, các tài khoản “vay tiền nhanh toàn quốc”; “hỗ trợ tài chính”; “vay tiền qua app”… nhiều vô kể, đăng cập nhật thông tin hằng ngày với nội dung gói vay linh hoạt, lãi suất cạnh tranh, thủ tục nhanh gọn… Tại Hội Vay tiền app online trên Facebook, nhiều tài khoản chia sẻ đã là nạn nhân của việc vay tiền online qua app và việc bị các đối tượng khủng bố. Tài khoản tên Hương Giang cũng chia sẻ đã vay tiền của app Vdong.vn số tiền hơn 10 triệu đồng nhưng chỉ có một kỳ đóng chậm mà các nhân viên đã nhắn tin, gọi điện đòi nợ, đe dọa.

Thủ tục cho vay qua app rất đơn giản. Người vay chỉ cần chụp ảnh chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân và thế chấp bằng danh bạ điện thoại là có thể vay 2-30 triệu đồng mà không cần gặp mặt hay ký kết giấy tờ. Các đối tượng sẽ thẩm định danh bạ điện thoại của người vay để xác định tính chính xác, lấy căn cứ cho việc đòi nợ sau này.

Người vay phải thanh toán số tiền gốc ban đầu trong 3-5 ngày, tiền lãi sẽ được các đối tượng cắt ngay khi giải ngân. Nếu "con nợ" không thanh toán được tiền gốc như cam kết, số tiền sẽ được nhân lên 1.570-2.190%/năm. Các đối tượng sẽ cho bộ phận đòi nợ được phân cấp khác nhau nhắn tin, gọi điện nhắc nhở, đe dọa, "khủng bố" tinh thần từ "con nợ" đến người thân của họ và toàn bộ các mối quan hệ trong danh bạ điện thoại cung cấp trước đó.

Táo tợn hơn, các đối tượng còn đe dọa và uy hiếp, tung ảnh các thành viên trong gia đình hay bạn bè lên mạng nhằm gây áp lực cho “con nợ”. Mới đây, chị Nguyễn Thanh Thủy, nhà ở đường Bưởi (quận Cầu Giấy) bị các đối tượng xấu tung ảnh 5 thành viên gia đình gồm vợ chồng chị và 3 con (trong đó con út mới học lớp 1). Chị Thủy rất bức xúc vì chị không vay tiền mà chỉ là bạn của một “con nợ”. 

Các đối tượng trong đường dây cho vay nặng lãi qua ứng dụng (app) theo kiểu "tín dụng đen" có quy mô xuyên quốc gia bị bắt đưa về Phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội).

Cần tìm hiểu kỹ nguồn vay

Ngày 26-5 mới đây, Công an thành phố Hà Nội phối hợp cùng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) triệt phá một đường dây cho vay lãi nặng qua app và đòi nợ thuê có quy mô xuyên quốc gia, liên quan đến gần 300 đối tượng, trong đó có cả người nước ngoài và thu giữ toàn bộ tang vật có liên quan về trụ sở cơ quan điều tra. 

Đại tá Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) thông tin, số đối tượng bị bắt khẩn cấp cho đến nay là 21 người, trong đó có 5 đối tượng bị bắt về hai hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và “Cưỡng đoạt tài sản”; 16 đối tượng bị bắt về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Về vấn đề này, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo, bên cạnh các app cho vay tiền chính thống, hoạt động công khai, minh bạch thì hiện nay đang xuất hiện app cho vay tiền núp dưới hình thức “tín dụng đen”, cho vay lãi suất “cắt cổ”. Do vậy, khi người dân vay tiền qua app, cần phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website.

Trong khi đó, luật sư Trương Anh Tú, Văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) phân tích, căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu các đối tượng, tổ chức đứng sau các app cho vay tiền dính tới việc cho vay với lãi suất cao, “khủng bố” người vay thì có thể bị xử lý tại Khoản 1, 2 và 3 Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015. Trong đó, nêu rõ đối tượng bị xử lý là những người trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này. 

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an, ứng dụng vay tiền trực tuyến thực chất là một ứng dụng cho vay tín chấp, người đi vay không cần có tài sản bảo đảm và người cho vay dựa vào uy tín của người đi vay về thu nhập và khả năng trả nợ để cho vay. Các giao dịch được thực hiện trực tuyến, thông qua các trang web, sàn giao dịch trực tuyến hoặc ứng dụng được cài đặt trên điện thoại di động thông minh. Tuy nhiên, có nhiều app cho vay biến tướng, trở thành một dạng của “tín dụng đen” cần phải được ngăn chặn kịp thời; đồng thời người dân cần tìm hiểu kỹ nguồn vay để tránh bị lừa.

 

 

Nguồn http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/1033372/canh-giac-voi-bay-vay-tien-tren-mang