Cảnh giác với bỉm 'nhập ngoại' bán giá rẻ 'như bèo'
Thời gian qua, không ít thương lái đã quảng cáo, bày bán trên mạng nhiều loại bỉm với bao bì in chữ nước ngoài, có mức giá rẻ hơn nhiều so với các thương hiệu bỉm khác.
Một bịch bỉm được quảng cáo là "nội địa nhập ngoại", chất lượng cao có 100 miếng, nhưng giá chỉ khoảng 200.000 đồng. Tuy nhiên, không ít loại bỉm gắn mác "nhập ngoại" hay "hàng nội địa cao cấp" này lại không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Vấn nạn tã bỉm kém chất lượng hoặc nhập lậu vẫn luôn là bài toán nan giải. Thời gian qua, lợi dụng tình hình dịch bệnh, thu nhập của không ít người dân giảm sút, không ít thương lái đã quảng cáo, bày bán trên mạng các sản phẩm bỉm với bao bì in chữ nước ngoài, có mức giá rẻ hơn rất nhiều so với các loại bỉm có thương hiệu trong nước. Thậm chí, nhiều chiếc bỉm được quảng cáo là "hàng nội địa Trung" khiến các bà mẹ bỉm sữa tin vào những lời quảng cáo đường mật, "rẻ mà chất lượng tốt" nên vẫn mua và sử dụng.
Bỉm "nhập ngoại" nhưng không có tem phụ
Theo lời quảng cáo trên mạng, chúng tôi đến 1 kho hàng trên địa bàn quận Hà Đông, TP Hà Nội. Tại đây, hàng chục loại bỉm được xếp hàng la liệt, với đủ các nhãn mác, mẫu mã khác nhau và đều in chữ nước ngoài. Người bán giới thiệu đây đều là các loại bỉm nội địa cao cấp từ Trung, Nhật, Hàn, với giá chỉ hơn 100.000 đồng/bịch khoảng 40 - 60 miếng.
Tã trẻ em được quảng cáo là hàng “nội địa” Trung, nhưng không được bán ở Trung Quốc.
Dù quảng cáo là hàng nhập ngoại, nhưng không ít loại bỉm ở đây lại không hề có tem phụ bằng tiếng Việt, không biết công ty nào sản xuất cũng như công ty nhập khẩu.
Khi người mua thắc mắc, chủ kho hàng cho biết: "Hàng này là bọn em tự kéo container về, không có công ty nhập khẩu đâu".
Khi người mua tỏ ra ngần ngại về việc bỉm không rõ nguồn gốc, chủ kho hàng trấn an: "Nếu chị muốn có tem thì bọn em sẽ dán cho. Bọn em không dán tem trước vì dán vào sẽ phải nộp thuế".
Bán "nội địa" nhập ngoại cao cấp nhưng chỉ thấy bán tại Việt Nam
Tại 1 kho hàng khác, bỉm có mác "nhập ngoại" không tem và có tem cũng chất đầy hai lối đi, trên bao bì đủ các thứ tiếng từ Trung Quốc, tiếng Hàn, Nhật. Tuy nhiên bà chủ kho hàng lại khẳng định, toàn bộ đều là hàng được sản xuất tại Trung Quốc.
Chủ kho hàng chia sẻ: "Theo phong trào, năm ngoái chị lấy các loại bỉm gắn mác nhập ngoại, được quảng cáo là "hàng nội địa Trung, Nhật, Hàn cao cấp về bán, nhưng chỉ được một thời gian, đến nay hàng đang bị ế chỏng chơ do bị khách chê".
Những phản hồi về chất lượng bỉm gắn mác "nội địa Trung" được nhiều bà mẹ chia sẻ.
"Giá thành rẻ mà chất lượng không ra gì thì sẽ bị đào thải ngay, khách toàn báo là bị tràn và vón cục. Chị bán theo "trend" thôi chứ không được lâu dài như bán bỉm hãng. Hàng này được cái rẻ nhưng thực chất lại không rẻ. Cháu nhà chị 1 đêm phải dùng 2 miếng này, nhưng bỉm hãng chỉ dùng 1 miếng", chủ kho hàng nói.
Trên các trang mạng xã hội, ngập tràn những loại bỉm được quảng cáo là "bỉm nội địa Trung cao cấp" được người dân Trung Quốc sử dụng nhiều. Tuy nhiên, khi nhập tên các hãng bỉm này vào các trang thương mại điện tử lớn ở Trung Quốc như: Taobao, Baidu, Alibaba thì lại không thấy ai bán.
Nhiều bà mẹ bỉm sữa cũng chia sẻ trên mạng xã hội về việc cho con sử dụng các loại bỉm gắn mác nhập ngoại này sau đó bị dị ứng.
Những nguy hại tới sức khỏe của trẻ khi sử dụng bỉm kém chất lượng
Giữa thị trường bỉm phong phú ở Việt Nam như hiện nay, không phải bà mẹ nào cũng chọn lựa được sản phẩm uy tín, chất lượng cho con mình sử dụng. Không ít bà mẹ vì giá thành rẻ trước mắt mà không lường được hết những hậu quả trẻ em phải gánh chịu khi sử dụng sản phẩm bỉm kém chất lượng.
Chất lượng một chiếc bỉm được đánh giá dựa trên các tiêu chí như nguyên vật liệu sản xuất, khả năng, tốc độ hút nước, giới hạn vi trùng không gây bệnh, giới hạn nấm mốc…
Các chuyên gia cho rằng, những chiếc bỉm nhập nhằng nguồn gốc, xuất xứ thường sử dụng nguyên liệu giá rẻ, sản xuất gia công trên dây chuyền lạc hậu, không tuân thủ các tiêu chuẩn quản lý chất lượng nghiêm ngặt. Để đưa ra thị trường những chiếc bỉm giá chỉ bằng 1/3 hay bằng một nửa của bỉm chính hãng, các đơn vị sản xuất phải sử dụng nguyên liệu giá rẻ và thay đổi hàm lượng chất hóa học trong sản phẩm. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới làn da non nớt của trẻ nhỏ.
Theo các bác sĩ, sử dụng bỉm kém chất lượng, trẻ em có thể đối mặt 4 vấn đề rắc rối: hăm tã, viêm da, nấm bộ phận sinh dục, nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh, Phó trưởng Khoa bệnh da phụ nữ và trẻ em, Viện Da liễu Trung ương, đã đưa ra cảnh báo về những nguy hại cho sức khỏe từ việc sử dụng bỉm kém chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc giá rẻ.
Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh - Viện da liễu Trung ương.
Theo bác sĩ này, bỉm giá rẻ thông thường sẽ có những chất hóa học, chất tẩy trắng công nghiệp hoặc mực in không đảm bảo. Khi trẻ sử dụng các loại bỉm này, ngoài bị viêm da dị ứng, sức khỏe có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng cho sau này.
"Nếu bị nhiễm độc mực in, nhiễm độc hóa chất có trong bỉm thì có thể dẫn tới những tổn thương lớn hơn trên toàn thân mà một thời gian sau chúng ta mới phát hiện ra được, thậm chí có nguy cơ tử vong. Các bậc cha mẹ nên chọn những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và có độ đảm bảo về thương hiệu và chất lượng trên thị trường", bác sĩ Nguyễn Thùy Linh nhấn mạnh.
Theo kết quả nghiên cứu gần đây của Viện Da liễu TP Hà Nội, cứ 1.000 bệnh nhân đến khám, bao gồm cả người lớn và trẻ em thì có 2 trẻ em bị dị ứng với bỉm, chiếm 0,2%. Nguyên nhân chính là do sử dụng bỉm không đạt chất lượng và sử dụng không đúng cách. Thậm chí với bỉm không rõ nguồn gốc, khi xảy ra vấn đề gì, quyền lợi của người dùng sẽ không được đảm bảo.
(Theo VTV)
- Bị cáo Trương Mỹ Lan nói về quan hệ với ‘chúa đảo’ Tuần Châu
- Bị cáo Trương Mỹ Lan nói về quan hệ với ‘chúa đảo’ Tuần Châu
- Bà chủ Xuyên Việt Oil mang cả ‘chai nước tương và đôi dép’ đi tặn
- Truy tố bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trong vụ án mới
- Loạt quan chức nhận hối lộ trong vụ Xuyên Việt Oil hầu tòa
- Bắt hung thủ giết người sau 1 giờ gây án ở Đồng Nai
- Quá trình phá đường dây mua bán hơn 16kg ma túy của cặp vợ chồng hờ ở Hà Nội
- Điên cuồng ném bom xăng vào nhà ‘con nợ’
- Bị cáo Trương Mỹ Lan tiếp tục bị đề nghị tử hình