Cao Bằng: Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội

Chủ nhật, ngày 12 tháng 11 năm 2023 | 16:15

Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội có vai trò quan trọng nhằm bổ sung thêm những luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn một cách khách quan, tạo ra sự đồng thuận giữa các cơ quan quản lý, đối tượng quản lý và cộng đồng xã hội, đồng thời tạo ra tính khả thi, hiệu quả khi kết quả tư vấn, phản biện được áp dụng vào thực tiễn đời sống.

Nhiều năm qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Cao Bằng đã tập hợp đội ngũ trí thức tỉnh nhà tham gia xây dựng, phát triển kinh tế thông qua nhiều hoạt động thiết thực, đặc biệt trong đó là hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, đó là chia sẻ của bà Hoàng Thị Bình – Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Cao Bằng.

Theo chia sẻ của bà Hoàng Thị Bình, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội được Liên hiệp hội tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả, các nhiệm vụ tập trung vào góp ý các dự thảo: Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng các cấp; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường, y tế; các dự thảo luật quan trọng; các dự án đầu tư trọng điểm; các vấn đề nóng cần sự vào cuộc của trí thức khoa học và công nghệ từ Trung ương đến địa phương.

Liên hiệp hội đã tổ chức thực hiện 17 nhiệm vụ lớn, trong đó có kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021 – 2025. Các hội thành viên thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao cũng đã tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, bà Bình cho biết.

Hội thảo tư vấn, phản biện “Góp ý quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”

Trong năm 2023 này, Liên hiệp Hội đã tổ chức nhiều hội thảo tư vấn phản biện, Nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc, tâm huyết và đầy trách nhiệm của các chuyên gia, các nhà khoa học đã được Liên hiệp Hội tổng hợp và trình lên các cấp có thẩm quyền.

Điển hình như Hội thảo tư vấn, phản biện “Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Cao Bằng lớp 11” do Sở Giáo dục và Đào tạo soạn thảo, được thiết kế theo các lĩnh vực văn hóa, lịch sử truyền thống, địa lý, kinh tế, hướng nghiệp của địa phương. Tài liệu được xây dựng khoa học, tỉ mỉ, công phu; nội dung dễ nhớ, phù hợp với tâm sinh lý, khả năng nhận thức của học sinh lớp 11, góp phần chuẩn bị cho học sinh những thông tin, kiến thức cơ bản về truyền thống văn hóa, tiềm năng, lợi thế của địa phương và những chủ trương, định hướng của tỉnh Cao Bằng trong phát triển kinh tế - xã hội để sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, các em có thể chọn cho mình một định hướng nghề nghiệp phù hợp.

tm-img-alt

Hội thảo tư vấn, phản biện “Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Cao Bằng lớp 11”

Hay như Hội thảo tư vấn, phản biện “Kế hoạch phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Sau khi nghiên cứu Dự thảo Kế hoạch phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 do Sở Khoa học và Công nghệ soạn thảo, Liên hiệp Hội đã thành lập Hội đồng tư vấn, phản biện gồm 09 thành viên và nhận được nhiều ý kiến tư vấn, phản biện độc lập, góp phần phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng Cao Bằng phát triển nhanh và bền vững. Ngoài ra, các đại biểu góp ý một số nội dung cần được chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, đảm bảo Kế hoạch mang tính khả thi.

Liên hiệp Hội cũng đã tổ chức Hội thảo tư vấn phản biện về thực hiện các chính sách về hỗ trợ phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình xây dựng và đổi mới cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trưởng đầu tư kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

tm-img-alt

Hội thảo tư vấn phản biện về thực hiện các chính sách về hỗ trợ phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng

Mặc dù đạt được nhiều kết quả, nhưng hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội tỉnh Cao Bằng vẫn còn gặp nhiều khó khăn về đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển của tỉnh. Hoạt động tư vấn phản biện còn nhiều lúng túng, thiếu đội ngũ chuyên gia đầu ngành ở các đơn vị trọng yếu. Chính vì vậy, trong Quý IV năm 2023, Liên hiệp Hội Cao Bằng xác định sẽ bám sát các mục tiêu đã đề ra và xây dựng chương trình hoạt động cụ thể, đáp ứng nhu cầu thực thiễn và chú trọng đổi mới; Đồng thời có kế hoạch củng cố, phát triển các hội viên thuộc các ngành khoa học, các đơn vị sự nghiệp kinh tế, văn hóa, xã hội, của địa phương; khuyến khích phát triển các tổ chức KHCN của các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp khoa học - sản xuất.

Theo nhận định của bà Hoàng Thị Bình, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp cần có chương trình, kế hoạch trong việc tập hợp, đoàn kết, phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức, trước hết là công tác tư vấn, phản biện, giám định xã hội. Cần lắng nghe ý kiến xây dựng của giới trí thức, tạo điều kiện để giới trí thức tham gia phản biện hầu hết các chương trình, dự án phát triển của tỉnh, ngành, địa phương; Chương trình phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, các ngành, địa phương phải gắn với sử dụng, bố trí và tạo điều kiện để đội ngũ trí thức làm việc; Đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành.

Để tiếp tục nâng cao tính chủ động, chuyên nghiệp, hiệu quả của hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chú trọng xây dựng quy trình (các biểu mẫu, thông tin giám định viên, phản biện, mẫu báo cáo tác nghiệp theo các bước), tiêu chí đánh giá (định tính, định lượng) về tư vấn, phản biện và giám định xã hội; từng bước xây dựng cơ sở thông tin phục vụ tư vấn phản biện và giám định xã hội, chủ động lựa chọn các nội dung trọng tâm để theo dõi và thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội.

Để bảo đảm các hoạt động tư vấn, phản biện xã hội được tiến hành một cách thực chất, kết quả phản biện, tham gia đóng góp ý kiến phải được tổng hợp, nghiêm túc tiếp thu hoặc không tiếp thu cần có ý kiến giải trình, thể hiện sự tôn trọng của cơ quan nhà nước, cơ quan ban hành văn bản tại địa phương đối với nhân dân, cơ quan, tổ chức đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến.