Câu chuyện tỷ giá, lãi suất và những dự cảm năm mới

Thứ ba, ngày 13 tháng 2 năm 2024 | 14:17

Năm 2023 khép lại với một bức tranh êm đềm về tỷ giá, nhưng lại nhiều sóng gió với diễn biến lãi suất. Một năm cũ đã đi qua, nền kinh tế bước vào giai đoạn mới, những cơ hội đan xen thách thức đang đợi chờ phía trước và việc dự cảm sớm các thay đổi có thể diễn ra sẽ là hành trang cho chặng đường phía trước.

Câu chuyện tỷ giá, lãi suất  và những dự cảm năm mới
Cuối năm 2023, mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đã thấp hơn khoảng 2,5% so với cuối 2022.

Lãi suất đi vào vùng đáy

Sóng gió của các diễn biến lãi suất đã hình thành từ cuối năm 2022 và tiếp tục ảnh hưởng sang năm 2023, gây ra nhiều khó khăn cho cả các ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp. Ngân hàng huy động vốn với lãi suất cao - có lúc lên tới trên 11% vào cuối năm 2022 - tiếp tục phải đối diện với chi phí vốn tăng cao trong năm 2023. Trong khi đó, các doanh nghiệp đã phải trải qua một năm vật lộn với nhiều khó khăn cả từ yếu tố thị trường bên ngoài, lẫn các khó khăn do chi phí tài chính tăng cao.

Thực tế, những cơn sóng lớn về lãi suất cũng là một câu chuyện chung trong bối cảnh thị trường tiền tệ thế giới “nổi sóng”, thể hiện ở các đợt lãi suất tăng liên tục của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. Trong suốt năm 2022 và 2/3 thời gian của năm 2023, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã thực hiện 11 lần tăng lãi suất, với tổng mức tăng 5,25 phần trăm. Giai đoạn này cũng là thời kỳ thắt chặt quyết liệt nhất của FED kể từ đầu năm niên 1980. Cùng với động thái tăng lãi suất rất quyết liệt của FED, một loạt ngân hàng Mỹ đã sụp đổ, mở màn là sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB). Tiếp theo đó là các ngân hàng khác như Signature Bank (SB), First Republic Bank…

TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia cho biết, SVB sụp đổ do ngân hàng này tập trung quá nhiều vào một số ít lĩnh vực, đó là công nghệ, đổi mới sáng tạo…, trong khi đây là những lĩnh vực rủi ro, có nhiều biến động nhanh khi nền kinh tế có sự điều chỉnh, suy giảm tăng trưởng từ đầu 2022. Còn với SB, bản chất hoạt động của ngân hàng này cũng khá tương đồng với SVB, đặc biệt việc cùng phục vụ chính các công ty khởi nghiệp và khi các công ty này rút vốn dẫn đến việc mất thanh khoản.

Trở lại câu chuyện của thị trường tiền tệ trong nước, trước những sức ép rất lớn từ bên ngoài, Quốc hội và Chính phủ vẫn đặt quyết tâm thực thi các chính sách hiệu quả, linh hoạt để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Thực hiện các chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ, trong năm 2023, NHNN đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành. Mặc dù vậy, những “sóng gió” về vấn đề lãi suất vẫn chưa hẳn đã được giải quyết ngay do chính sách chưa thể tác động ngay đến nền kinh tế. Lãi suất tuy có giảm sau đó, nhưng tốc độ giảm lãi suất cho vay khá chậm, khiến cho các doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải gồng mình để vượt qua các khó khăn về chi phí tài chính.

Trong bối cảnh này, các chuyên gia tài chính cũng đã tham mưu thêm nhiều giải pháp để cùng hỗ trợ giải quyết những khó khăn chung của doanh nghiệp. TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Quản ký kinh tế Trung ương đề xuất các giải pháp về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong khi đó, TS. Phạm Thế Anh - Trưởng Khoa Kinh tế học thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân thì nhấn mạnh các giải pháp kích thích tổng cầu và khuyến khích đầu tư tư nhân cũng là một giải pháp hợp lý, đồng thời cũng cần kiểm soát tăng cung tiền ở mức vừa phải.

Sau những giai đoạn nhiều sóng gió, đến cuối năm 2023, diễn biến lãi suất trong nước đã bước vào giai đoạn êm dịu và hứa hẹn sẽ là động lực quan trọng giúp nền kinh tế tăng tốc trong năm 2024. Theo NHNN, đến cuối năm 2023, mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đã giảm thấp hơn khoảng 2,5% so với cuối năm 2022. Ngoài ra, diễn biến lãi suất cho vay có thể sẽ có cơ sở để giảm thêm trong năm 2024, bởi đến tận cuối năm 2023 (tháng 11 và tháng 12), nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động với mặt bằng lãi suất đầu vào, thậm chí đã thấp hơn cả giai đoạn trước dịch Covid-19.

Một năm yên bình của tỷ giá

Câu chuyện tỷ giá, lãi suất  và những dự cảm năm mới

Khác với những sóng gió với lãi suất, tỷ giá năm 2023 diễn biến khá êm đềm, khác khá nhiều với những diễn biến tỷ giá năm 2022.

Trước đó trong năm 2022, tỷ giá đã có thời điểm “nổi sóng”, cao điểm rơi vào tháng 10 - 11/2022, khi đến tháng 11/2022, tỷ giá đồng USD/VND đã tăng khoảng 7% so với cuối năm 2021. Tuy nhiên, diễn biến tỷ giá năm 2023 cho thấy tỷ giá USD chỉ tăng hơn 1%, tốc độ tăng tỷ giá trong năm 2023 theo đó thấp hơn khá nhiều so với năm trước.

Bám sát các chỉ đạo về điều hành chính sách tiền tệ

NHNN cho biết, trên cơ sở bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, từ đầu năm 2023, NHNN đã ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN (ngày 17/1/2023) yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành thực hiện nghiêm túc các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2023. Trên cơ sở đó, chính sách đã góp phần ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát khoảng 3,2 - 3,4%.

Trong năm 2023, NHNN cũng có một số thời điểm phải có động thái can thiệp để điều tiết tỷ giá, nhưng việc can thiệp ở mức độ khá nhẹ nhàng, chỉ trong phạm vi thị trường tiền tệ liên ngân hàng, không gây tác động đến thị trường ngoài khu vực dân cư. Động thái đáng chú ý nhất về sự can thiệp của NHNN là giai đoạn hút tiền trên thị trường mở của NHNN thông qua phát hành tín phiếu, kéo dài khoảng 1,5 tháng từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 11/2023. Ông Nguyễn Đắc Toại - chuyên viên tư vấn thuộc Công ty chứng khoán SSI cho biết, đây là quyết định kịp thời của NHNN để giảm thiểu đầu cơ tỷ giá trong hệ thống ngân hàng.

Giai đoạn NHNN can thiệp trên thị trường mở là thời kỳ giá đồng USD trên thị trường quốc tế tăng cao, qua đó phần nào làm tỷ giá trong nước gợn sóng. Thời kỳ đó, chỉ số DXY đo lường sức mạnh đồng USD có thời điểm tăng lên mức trên 102 điểm. Tuy nhiên đến cuối năm, chỉ số DXY đã quay đầu giảm về mức chỉ khoảng trên 103 điểm và theo đó, NHNN đã dừng việc can thiệp trên thị trường mở.

Trong khi đó, diễn biến xuất nhập khẩu vẫn trong trạng thái xuất siêu suốt năm 2023 cũng là yếu tố giúp cho nguồn cung ngoại tệ khá dồi dào. Số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy, cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 xuất siêu 28 tỷ USD, cao hơn khá nhiều so với mức xuất siêu 12,1 tỷ USD của năm 2022.

Bước vào những ngày đầu năm 2024, tỷ giá tiếp tục diễn biến trong trạng thái khá ổn định, ít nhất trong ngắn hạn, đặc biệt giai đoạn đầu năm dương lịch nói chung vẫn thường là thời điểm thuận lợi về tỷ giá nhờ có nguồn cung từ kiều hối. TS. Châu Đình Linh - giảng viên Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, dòng kiều hối đổ về giai đoạn giáp Tết Nguyên đán (cuối năm 2023 đầu năm 2024 tính theo năm Dương lịch) là yếu tố quan trọng có thể làm gia tăng nguồn cung ngoại tệ.

Tuy nhiên về mặt trung và dài hạn, năm 2024 có thể cũng có những yếu tố chưa chắc chắn về cung cầu ngoại tệ. Cụ thể là trạng thái xuất siêu diễn ra trong suốt năm 2023 dựa trên yếu tố sụt giảm cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu mà đây là xuất phát từ bối cảnh khó khăn, chứ không phải từ bối cảnh thuận lợi. Lý do là doanh nghiệp xuất khẩu bị thu hẹp thị trường nên từ đó cắt giảm nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào. Theo đó, năm 2024 và giai đoạn tiếp theo nếu thị trường xuất khẩu phục hồi thì đây có thể coi là tín hiệu tích cực của nền kinh tế, nhưng ảnh hưởng của nó đến tỷ giá cũng có thể xảy ra khi nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu tăng cao trở lại.

Lãi suất cho vay có thể giảm thêm trong năm 2024

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2023, mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đã giảm thấp hơn khoảng 2,5% so với cuối năm 2022. Ngoài ra, diễn biến lãi suất cho vay có thể sẽ có cơ sở để giảm thêm trong năm 2024, bởi đến tận cuối năm 2023 (tháng 11 và tháng 12), nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động với mặt bằng lãi suất đầu vào, thậm chí đã thấp hơn cả giai đoạn trước dịch Covid-19.