“Cày đêm” tàn phá sức khỏe ra sao?
Cuộc sống hiện đại bận rộn, nhịp sống hối hả khiến nhiều người có thói quen thức khuya, làm việc “xuyên đêm”. Trong khi đó, việc thức khuya thường xuyên có ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, đồng thời ảnh hưởng tới sắc đẹp, làn da, đặc biệt với phụ nữ.
Sau 21h là khoảng thời gian các cơ quan trong cơ thể cần được giảm hoạt động và nghỉ ngơi hoàn toàn.
Rất nhiều tác hại
Giấc ngủ quan trọng đối với sức khỏe bởi buổi tối là khoảng thời gian cơ thể bài tiết các chất độc hại, đồng thời đó cũng là khoảng thời gian hồi phục hệ thống miễn dịch của cơ thể. Trong khi đó, việc ngủ nghỉ không đúng giờ sinh học sẽ vô tình phá vỡ nhịp sinh học của cơ thể, không chỉ khiến thời gian ngủ nghỉ bị rối loạn mà còn làm cho các hoạt động nội tiết của cơ thể chúng ta bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tình trạng đồng hồ sinh học bị rối loạn kéo dài chính là nguyên nhân khiến cơ thể rơi vào tình trạng thiếu năng lượng, thường xuyên mệt mỏi, giảm sức đề kháng... Điều này có thể gây tác động xấu đến các hoạt động hằng ngày và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
ThS.BS Bùi Ngọc Phương Hòa, khoa Khám bệnh và Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho biết, thói quen “cày đêm” rất nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí sẽ để lại hậu quả nặng nề. Tỷ lệ người có thói quen thức khuya bị suy giảm trí nhớ cao gấp 5 lần so với người bình thường. Bởi vì thời gian buổi tối là lúc để bộ não nghỉ ngơi và ghi nhớ lại những hoạt động đã diễn ra trong ngày. Khi chúng ta thức khuya, ta đã làm tăng lượng thông tin cần ghi nhớ, trong khi giảm thời gian nghỉ ngơi của bộ não. Nếu thường xuyên thức khuya sẽ gây ra những dấu hiệu về rối loạn tâm thần như mất ngủ, hay quên, lo âu, dễ cáu gắt, căng thẳng, đau đầu...
Việc thức khuya còn ảnh hưởng tới hệ miễn dịch. Khi thức khuya cơ thể dễ bị thiếu năng lượng, mệt mỏi và làm cho sức đề kháng giảm sút. Vì vậy, những người thức khuya thường xuyên dễ bị mắc các bệnh do vi sinh vật gây nên như cúm, viêm nhiễm đường hô hấp... cao hơn so với người ngủ đủ giấc.
Khi thường xuyên thức đêm muộn, não cần được tưới máu nhiều hơn, áp lực bơm máu lên não càng tăng, khiến huyết áp tăng vọt, tạo một lực tác động lên thành mạch máu não lớn quá mức và hậu quả là vỡ mạch máu não.
Bên cạnh đó, các tế bào niêm mạc dạ dày có thể tự tái tạo và hồi phục vào ban đêm trong khi ngủ. Việc thức khuya khiến cho các tế bào này không được nghỉ ngơi dẫn đến suy yếu. Hơn thế nữa, thức khuya khiến cho dịch dạ dày tiết ra nhiều, dẫn đến viêm loét dạ dày, hoặc làm nặng hơn tình trạng bệnh nếu đã mắc bệnh trước đó.
Tầm quan trọng của giấc ngủ “đúng giờ”
Theo ThS.BS Bùi Ngọc Phương Hòa, nếu ngủ dưới 5 giờ/ngày thì nguy cơ teo não tăng 25%; nguy cơ đột quỵ tăng lên 800%; nguy cơ tử vong do bệnh tim và các bệnh mạch vành tăng 48 lần so với người ngủ đủ giấc; chưa nói liên quan đến các bệnh ung thư có nguy cơ tăng lên như ung thư đại tràng, ung thư vú...
Trước đây, mất ngủ, khó ngủ là tình trạng thường gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên trên thực tế, chứng mất ngủ ngày càng có xu hướng gia tăng ở người trẻ tuổi, khiến công việc, cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngoài ra, các áp lực của cuộc sống hiện đại, công việc, học tập,… khiến không ít người trẻ thường xuyên đối mặt với stress… Điều này làm hệ thần kinh luôn ở trạng thái kích thích, từ đó ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Đặc biệt, thói quen “nghiện” thiết bị công nghệ, thức khuya để “cày game”, xem phim, đọc truyện, “ôm” điện thoại tán gẫu… cũng là nguyên nhân gây hại cho hệ thần kinh bởi các sóng điện từ, ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử.
Ngoài ảnh hưởng về sức khỏe, các quá trình lão hóa cũng diễn ra nhanh chóng hơn khi giấc ngủ đến quá muộn và ngủ không đủ giấc. Người có thói quen ngủ muộn dễ xuất hiện tình trạng sạm da, da xỉn màu, khô, nổi mụn, da nhanh chóng xuất hiện nếp nhăn...
Thức khuya học bài hay làm việc, xem phim khiến chúng ta dễ bị đói bụng và có nhu cầu ăn đêm nhiều hơn. Lúc này, nếu cơ thể nạp một lượng lớn đồ ăn sẽ dễ dàng gây ra tình trạng tăng cân mất kiểm soát. Bên cạnh đó, hệ thống tiêu hóa cũng sẽ vô tình gây ra các áp lực cho dạ dày để tiêu hóa lượng thức ăn mới được nạp vào.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu và chỉ ra rằng, vào buổi tối, bắt đầu từ 21h, cơ thể con người cần được thư giãn để đi vào giấc ngủ say sau 1 - 2 tiếng đồng hồ. Trạng thái ngủ từ 0 - 1h sáng khiến cơ thể được nghỉ ngơi thực sự, giúp tinh thần sảng khoái khi tỉnh dậy.
Do đó, tốt nhất, chúng ta nên ngủ trước đó tầm 1 hoặc 2 tiếng, để vào tầm thời gian nói trên thì đã chìm vào giấc ngủ sâu. Từ 1h tới 5h sáng là lúc cơ thể tiết ra các chất tái sinh và nâng cao hệ miễn dịch.
- Nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bùng phát
- Hai điểm lạ của cơn đau đầu cảnh báo u não
- Ai mắc sốt xuất huyết sẽ có nguy cơ cao gặp nguy hiểm?
- Người phụ nữ trẻ phát hiện mắc ung thư di căn từ dấu hiệu tưởng chừng đơn giản
- Nhiều loại ký sinh trùng tưởng tuyệt chủng bất ngờ xuất hiện lại ở Việt Nam
- Người phụ nữ trẻ phát hiện mắc ung thư di căn từ dấu hiệu tưởng chừng đơn giản
- Người đàn ông mất một nửa lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
- Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn
- Người đàn ông mất một nửa lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết