“Cây gậy” trị bệnh thiếu trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật
Gần một năm nay, kể từ ngày Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU (ngày 7-8-2023) về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội” kèm theo Phụ lục 25 biểu hiện cụ thể để nhận diện đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác đánh giá cán bộ. Chỉ thị số 24-CT/TU được ví như “cây gậy” trị bệnh né tránh trách nhiệm, xem nhẹ kỷ cương, kỷ luật.
1. 25 biểu hiện gợi ý nhận diện được ban hành kèm theo Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy được chia theo 3 nhóm, dễ hiểu, dễ nhớ, để cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa hằng ngày. Soi vào 25 biểu hiện này, các cơ quan chức năng và người dân cũng dễ dàng đánh giá, kiểm tra, giám sát việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, đơn vị, địa phương.
Đây có thể coi là “cây gậy” trị bệnh đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; xem nhẹ kỷ cương, kỷ luật; đồng thời cũng là phép thử đối với cán bộ. Đối với những cán bộ “7 dám” (dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung), Chỉ thị số 24-CT/TU không thể làm khó mà còn tạo thêm động lực và quyết tâm, bản lĩnh giúp họ vượt khó thành công. Ngược lại, những ai không đủ bản lĩnh, thiếu trách nhiệm, không đáp ứng được yêu cầu công việc sẽ dễ dàng bị nhận diện, điểm tên.
Còn nhớ, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ mười bảy, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI diễn ra đầu tháng 7 vừa qua, phóng sự của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã nêu rõ một số dự án chậm triển khai. Trong đó, dự án Bảo tàng Hà Nội được đầu tư khái toán với tổng vốn hơn 2.300 tỷ đồng. Giai đoạn 1, dự án gồm tòa nhà bảo tàng được hoàn thành năm 2010 (trị giá hơn 1.600 tỷ đồng). Giai đoạn 2 - trưng bày hiện vật, khái toán khoảng 800 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2015, nhưng được điều chỉnh kéo dài đến 2019. Sau đó, thành phố có thêm nhiều lần điều chỉnh thời gian, nhưng đến thời điểm này, phần trưng bày hiện vật vẫn chưa hoàn thành.
Trước nghị trường, đại biểu HĐND thành phố đã chất vấn Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố Hà Nội về tiến độ, thời gian hoàn thành dự án và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức theo tinh thần Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy. Phần trả lời chất vấn của Trưởng ban Quản lý sau đó đã làm rõ quá trình thực hiện các công việc từ sau khi đơn vị này tiếp nhận dự án; cam kết hoàn thành dự án trong quý III-2025; bàn giao đưa vào sử dụng dịp 10-10-2025.
Lắng nghe chất vấn và trả lời chất vấn, chủ tọa kỳ họp - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn ghi nhận tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm và đề nghị Trưởng ban Quản lý: “Đồng chí đã cam kết về tiến độ; đề nghị UBND thành phố, các sở liên quan cùng vào cuộc để thực hiện đúng lời hứa với cử tri”.
Một trường hợp khác được “cây gậy” Chỉ thị số 24-CT/TU chỉ rõ thông qua kiểm tra công vụ liên quan đến việc một dự án kéo dài 884 ngày mới trả lời văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sau khi kiểm tra, văn bản không nằm ở UBND huyện, không nằm ở sở chức năng mà lại nằm ở trưởng, phó phòng cấp huyện.
2. Trách nhiệm được hiểu là phần việc được giao cho cá nhân, tập thể phải bảo đảm hoàn thành, nếu kết quả không tốt thì phải gánh hậu quả. Trách nhiệm còn được hiểu là sự ràng buộc đối với lời nói, hành vi của cá nhân bảo đảm đúng đắn, nếu sai trái thì phải gánh phần hậu quả. Còn kỷ cương, kỷ luật được hiểu là những quy định tạo nên tính thống nhất trong mọi hoạt động, giúp định hướng cho cá nhân tập trung vào giải quyết công việc mà tập thể yêu cầu để hoàn thành nhiệm vụ chung.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhiệm vụ, công việc được giao, dù là việc lớn hay việc nhỏ, việc đơn giản hay việc phức tạp… Thực hiện lời dạy của Bác, đội ngũ cán bộ, đảng viên Thủ đô trong thời gian qua luôn nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao. Ngay trong 6 tháng đầu năm 2024, tinh thần vào cuộc quyết liệt từ thành phố đến cơ sở đã giúp giải quyết được nhiều việc nóng, việc khó, để Hà Nội đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thành được nhiều công việc lớn như, tham gia xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); hoàn thiện đồng thời 2 bản quy hoạch lớn là Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; triển khai Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội…
Tuy vậy, vẫn còn có những câu chuyện chưa như mong muốn, những biểu hiện cần chấn chỉnh. Chưa hết nhiệm kỳ mà theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, thành phố đã phải thay thế, chuyển đổi vị trí công tác đối với 3 giám đốc sở, trưởng ngành chủ chốt và 6 chủ tịch UBND cấp huyện. Như vậy, rõ ràng ở đây có câu chuyện cán bộ chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ, không đáp ứng được yêu cầu công việc... Sau khi thực hiện công tác cán bộ, 6 địa phương đều có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong giải quyết các thủ tục hành chính.
Phạm vi hẹp hơn, vì để chậm muộn hồ sơ, một chủ tịch UBND xã ở huyện Phú Xuyên bị đánh giá ở mức hoàn thành nhiệm vụ.
Những con số trên thêm khẳng định, Chỉ thị số 24-CT/TU đã “bắt đúng mạch, trị đúng bệnh”, buộc cán bộ phải cố gắng, nỗ lực thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
3. Người cán bộ khi thực thi công vụ cần hội tụ đủ 3 yếu tố: Năng lực, trách nhiệm và quan trọng là thái độ làm việc. Ngoài chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước, người cán bộ cần lắng nghe nhân dân, nhất là những vấn đề khó khăn, vướng mắc của dân để báo cáo, tham mưu cho các cấp kịp thời có biện pháp tháo gỡ.
Thế nhưng, đâu đó vẫn có một bộ phận cán bộ không hội tụ đủ 3 yếu tố này; còn có cán bộ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí sợ trách nhiệm. Đây là vấn đề đáng lo ngại, không thể chủ quan, lơ là. Nhất là càng gần đến đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, các biểu hiện này sẽ càng rõ - vì sợ mắc khuyết điểm mà đùn đẩy, né trách nhiệm, không dám làm gì.
Vì thế, càng cần phải kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trách nhiệm này trước hết thuộc về người đứng đầu cấp ủy, đơn vị, địa phương. Ngoài sự nêu gương trong chấp hành Chỉ thị, người đứng đầu cấp ủy, đơn vị, địa phương còn cần giám sát và có biện pháp xử lý đối với những cá nhân, tập thể né tránh trách nhiệm, vi phạm kỷ luật, kỷ cương, chấm dứt tình trạng “gặp phó, trưởng phòng còn khó hơn gặp giám đốc”, “cấp trên thì sốt sắng, cấp dưới thì đủng đỉnh, cầm chừng”.
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Vạch trần những thủ đoạn chống phá, xuyên tạc về Quốc hội Việt Nam