Chậm tiêu tiền công và chuyện dám nghĩ, dám làm

Thứ sáu, ngày 20 tháng 5 năm 2022 | 12:37

Hồi đầu tháng này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký quyết định thành lập 6 tổ công tác do 4 Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng làm tổ trưởng.

Nhiệm vụ của các tổ công tác là kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong nỗ lực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại các bộ, ngành và địa phương.

Đây là lần thứ hai chỉ trong trong mấy tháng đầu năm, Thủ tướng đã phải đôn đốc việc giải ngân đầu tư công. Trong phiên họp Chính phủ tháng 3, ông cho rằng giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA quý I chưa được cải thiện đáng kể và yêu cầu tiếp tục rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách đầu tư công.

Từ việc thúc ép bằng lời nói đến hành động của Thủ tướng cho thấy việc giải ngân đầu tư công đang chậm trễ thế nào. Đây là điều khó biện minh trong bối cảnh tiền nhà nước nằm im trong kho bạc trong khi nền kinh tế và doanh nghiệp đang rất khó khăn do tác động của dịch bệnh.

Cùng một cơ chế, chính sách, có bộ, có địa phương giải ngân tốt, nhưng có bộ, địa phương giải ngân rất thấp. Ảnh minh họa: Phạm Hải

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ giải ngân đầu tư công đến cuối tháng 4 chỉ đạt 18,48% kế hoạch năm. Có tới 43/51 bộ và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 17%; vẫn còn gần 39 nghìn tỷ đồng (tương đương 7,4% kế hoạch) trong ngân sách nhà nước cho các dự án chưa được các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết.

Thậm chí có 17 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn ở mức 0%. Tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài chưa có cải thiện nào đáng kể khi mới đạt 3% kế hoạch.

Người đứng đầu có bị quy trách nhiệm?

GS.TS Hoàng Văn Cường, ĐBQH khóa 15, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, có ý kiến đề xuất Chính phủ nên phê bình 17 bộ, cơ quan trung ương đến nay chưa giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022. 

“Đầu tư công chính là một vấn đề không ổn nếu vẫn giải ngân chậm, giải ngân không hết vốn”, ông nói tại hội thảo khoa học về kinh tế Việt Nam 2021 và triển vọng 2022. 

Trong một cuộc họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải thích, việc giải ngân chậm tiến độ là do các chủ đầu tư - một số các bộ, cơ quan và địa phương - chưa thật sự quyết liệt trong chỉ đạo, hay trong ban hành giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công.

“Vấn đề là cùng một cơ chế, chính sách, có bộ, có địa phương giải ngân tốt, nhưng có bộ, có địa phương giải ngân rất thấp”, ông Dũng nói với hàm ý cơ chế, chính sách là khá đầy đủ.

Tất nhiên, ông cũng chỉ ra những yếu tố khách quan khi giá vật liệu xây dựng như sắt thép, cát đá, xi măng… đã tăng cao, làm cho tiến độ thi công dự án bị chậm. Nhiều dự án được thi công cầm chừng với hi vọng giá sẽ giảm. “Nếu thi công nhanh, các nhà thầu sẽ bị lỗ so với giá trúng thầu, ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án", ông nói. 

Rõ ràng, những dữ liệu giải ngân trong 4 tháng đã phát đi tín hiệu không yên tâm về tiến độ trong cả năm nay, áp lực của những tháng còn lại rất lớn. Nguyên nhân nào đằng sau đó cũng như các giải pháp gì chắc chắn phải được đặt ra. 

ĐB Hoàng Văn Cường: “Đầu tư công chính là một vấn đề không ổn nếu vẫn giải ngân chậm, giải ngân không hết vốn”

Đại biểu Hoàng Văn Cường lý giải, một trong những vướng mắc là nhiều địa phương “e ngại” trong việc ra quyết định. “Họ làm cũng được, không làm cũng được, làm thế này cũng được, làm thế kia cũng được”. Ông cho rằng, không ít lãnh đạo địa phương lựa chọn cách chờ xin ý kiến cấp trên để “an toàn”. “Người đứng đầu có dám chịu trách nhiệm hay không là quan trọng nhất”, ông nhấn mạnh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022. Họ cần chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên… và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư của các dự án được giao quản lý.

Các bộ, ngành và địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022 thì cần cam kết lộ trình giao kế hoạch cụ thể, điều chỉnh ngay cho các dự án chuyển tiếp đủ điều kiện giao vốn.

Trường hợp không điều chỉnh được, có văn bản gửi Bộ đề nghị điều chỉnh cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác có nhu cầu. Bộ này sẽ tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thu hồi, điều chuyển cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác có nhu cầu trước ngày 30/6 tới.

Bộ cũng đề nghị các cấp, ngành thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc dự án trọng điểm triển khai trong năm 2022 nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của các dự án để sớm hoàn thành, tạo động lực mới nhằm phát triển bền vững.

Các chuyên gia tính toán, nếu giải ngân được toàn bộ nguồn vốn đầu tư công, tăng trưởng GDP sẽ có thêm 0,42 điểm phần trăm, một tỷ lệ không nhỏ. Quan trọng hơn, vốn công sẽ làm vốn mồi cho các nguồn vốn khác.

Những nỗ lực của các đoàn kiểm tra có đủ, những vướng mắc có được tháo gỡ, người đứng đầu có bị quy trách nhiệm? Trong bối cảnh cả nền kinh tế và các doanh nghiệp đang trông chờ rất lớn vào vốn đầu tư công để làm trụ đỡ giúp nền kinh tế phục hồi, thì việc chậm trễ giải ngân là không chấp nhận được. Quy chế khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm liệu có hiệu lực trong lĩnh vực này?

 

 

Nguồn https://vietnamnet.vn/cham-tieu-tien-cong-va-chuyen-dam-nghi-dam-lam-2020764.html