Chặn dịch bệnh bùng phát mùa tựu trường
Số ca mắc sởi, ho gà, tay chân miệng… tại nhiều địa phương đang gia tăng. Lúc này, học sinh các cấp đang quay trở lại trường học, sắp bước vào năm học mới 2024-2025 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây lan và bùng phát.
Do đó, để bảo vệ sức khỏe của trẻ cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và ngành Y tế.
Tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ tại Trung tâm Y tế huyện Ứng Hòa. Ảnh: Xuân Lộc
Theo thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều địa phương trên cả nước đã ghi nhận sự gia tăng của các trường hợp mắc bệnh sởi, ho gà và một số bệnh truyền nhiễm khác. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2023, số ca mắc sởi tăng hơn 8 lần, số ca mắc ho gà tăng hơn 25 lần.
Đề cập đến diễn biến phức tạp của bệnh sởi, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Hoàng Minh Đức cho biết, tính từ đầu năm 2024 đến nay, nước ta đã ghi nhận hơn 2.000 ca bệnh. Đặc biệt, lần đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận hơn 500 ca sởi, trong đó 3 trẻ tử vong có bệnh nền đi kèm.
Cùng với sởi, tay chân miệng cũng là bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao trong trường học. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 1.845 ca mắc bệnh tay chân miệng (tăng gần 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2023). Theo dự báo, khi bắt đầu vào năm học mới, nguy cơ số ca mắc bệnh tay chân miệng ở trẻ sẽ gia tăng nếu trường học, cơ sở giáo dục mầm non không thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường…
Từ kinh nghiệm theo dõi, giám sát dịch tễ, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Quang Thái, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) nhận xét, mỗi khi đến mùa tựu trường vào khoảng tháng 9 và tháng 10 hằng năm thường thấy các ca bệnh tăng vọt. Nguyên nhân là sau thời gian nghỉ hè, trẻ từ các gia đình, các môi trường sống khác nhau bắt đầu tập trung vào một không gian lớp học, cùng nhau sinh hoạt, ăn uống bán trú… Khi mầm bệnh xuất hiện trong nhà trường, những trẻ chưa có miễn dịch, chưa được bảo vệ bằng vắc xin có nguy cơ dễ nhiễm bệnh.
Các chuyên gia y tế dự báo, hiện nay, nếu không triển khai tốt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong trường học thì từ những ca bệnh lẻ tẻ, các ổ dịch nhỏ sẽ lây lan thành các ổ dịch lớn. Khi số lượng các ca mắc trong cộng đồng gia tăng sẽ kéo theo các ca bệnh nặng cũng tăng lên.
Tiến sĩ - bác sĩ Vũ Quốc Đạt, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới và can thiệp giảm hại (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho rằng, với những bệnh đã lưu hành từ nhiều năm như: Sởi, thủy đậu, ho gà… khi xuất hiện nhiều bệnh nhân nặng, cộng đồng sẽ nghĩ rằng, độc lực của vi rút đã biến đổi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vi rút vẫn như vậy, chỉ có miễn dịch trong cộng đồng thay đổi.
Chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Ảnh: Xuân Lộc
Để hạn chế biến chứng của bệnh, Tiến sĩ - bác sĩ Vũ Quốc Đạt lưu ý, khi trẻ mắc bệnh, các bậc phụ huynh nên quan tâm đến các dấu hiệu như: Rối loạn tri giác, li bì nhiều, khó thở, nôn nhiều, tiêu chảy nhiều… để đưa đến bệnh viện kịp thời. Mặt khác, trẻ phải được cách ly, không được đến trường để tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Ngoài ra, hướng dẫn trẻ vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh bàn tay mọi nơi, mọi lúc, ăn chín uống sôi và khi ho cần ho đúng cách để không lây bệnh cho người khác… Đây là những biện pháp cơ bản nhưng mang lại hiệu quả phòng bệnh cao.
Đồng quan điểm trên, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Quang Thái thông tin, mới đây, khi xuất hiện một nhóm ca bệnh sởi được đưa đến bệnh viện, các chuyên gia đã điều tra ngược lại cộng đồng và phát hiện, ổ dịch đó khởi phát từ một trường học. Thế nhưng, khi trường học phát hiện ra học sinh nhiễm bệnh đã không thông báo cho ngành Y tế. Do đó, để ngăn chặn và khống chế kịp thời sự lây lan của dịch bệnh, khi phát hiện trẻ mắc bệnh, nhà trường cần thông báo cho trạm y tế. Còn các bậc phụ huynh nên cho trẻ tiêm bổ sung đầy đủ vắc xin trước khi quay trở lại trường học.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương:
Cần theo dõi chặt diễn biến dịch bệnh
Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh mùa tựu trường năm học 2024-2025, Bộ Y tế đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp, chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ sở giáo dục đào tạo trên cả nước chuẩn bị các điều kiện tốt nhất bảo đảm sức khỏe cho trẻ em, học sinh, sinh viên như: Bảo đảm vệ sinh môi trường, lớp học sạch sẽ, thông thoáng và đủ ánh sáng.
Đồng thời, ngành Giáo dục phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh, sinh viên để phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh; tuyên truyền vận động phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch. Đặc biệt, Sở Y tế các tỉnh, thành phố cần theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương:
Chung tay xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh
Thời điểm này, các quận, huyện, thị xã cần phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong công tác chủ động triển khai các giải pháp về phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, nhất là các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra trong mùa tựu trường. Cùng với đó, Sở Y tế cũng đã chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc bảo đảm công tác thu dung, cách ly, điều trị tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng, tử vong.
Đặc biệt, ngành Y tế rà soát, bảo đảm sẵn sàng công tác hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, thiết bị, nhân lực... đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”... Chúng tôi cũng kêu gọi các cơ quan y tế, các cơ sở giáo dục, các bậc phụ huynh, người dân sinh sống trên địa bàn Thủ đô hãy chung tay xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh và vững mạnh. Đồng thời, người dân hưởng ứng hoạt động tiêm chủng trong năm 2024.
Giám đốc y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC Bạch Thị Chính:
Những mũi vắc xin cần tiêm trước mùa tựu trường
Trẻ em có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, dễ mắc bệnh và lây nhiễm cho nhau, ảnh hưởng đến khả năng học tập. Mùa tựu trường cũng là lúc giao mùa từ hè sang thu, thuận lợi cho nhiều loại vi rút, vi khuẩn phát triển và gây bệnh. Trong khi đó, đa số các bậc phụ huynh chỉ chú trọng tiêm phòng cho con trong 2-3 năm đầu đời, mà bỏ qua những mũi tiêm nhắc lại.
Do đó, các gia đình nên cho con tiêm vắc xin đầy đủ trước mùa tựu trường. Vắc xin đầu tiên cần tiêm cho trẻ là cúm. Tiếp đến, trẻ nên tiêm vắc xin phòng các bệnh ho gà - bạch hầu - uốn ván; tiêm nhắc đối với nhóm dưới 7 tuổi và dưới 15 tuổi. Trẻ còn cần phòng bệnh phế cầu khuẩn do bệnh dễ lây qua đường hô hấp, gây nhiều bệnh như: Viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm não Nhật Bản, não mô cầu... Các gia đình cần tiêm chủng cho con trước khi nhập học tối thiểu hai tuần.
Lưu Thu ghi
- Hai điểm lạ của cơn đau đầu cảnh báo u não
- Ai mắc sốt xuất huyết sẽ có nguy cơ cao gặp nguy hiểm?
- Người phụ nữ trẻ phát hiện mắc ung thư di căn từ dấu hiệu tưởng chừng đơn giản
- Nhiều loại ký sinh trùng tưởng tuyệt chủng bất ngờ xuất hiện lại ở Việt Nam
- Người phụ nữ trẻ phát hiện mắc ung thư di căn từ dấu hiệu tưởng chừng đơn giản
- Người đàn ông mất một nửa lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
- Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn
- Người đàn ông mất một nửa lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
- Người bệnh tiểu đường bất ngờ khi nhân viên y tế đưa suất ăn có bát cơm đầy