Chẳng lý do gì để nói "không"!

Thứ sáu, ngày 17 tháng 3 năm 2023 | 8:23

Cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian bị kỷ luật một trong các hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý thì sẽ được tinh giản biên chế.

Đây là một trong những nội dung mới được bổ sung trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 108/2014/NĐ-CP, Nghị định 113/2018/NĐ-CP và Nghị định 143/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế đang được lấy ý kiến rộng rãi.

Tinh giản biên chế là vấn đề lớn, không chỉ liên quan trực tiếp đến chi ngân sách, mà còn là vấn đề chất lượng cán bộ. Để nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy, rất cần chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải “tinh”. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phải “thanh lọc” nguồn nhân lực. Nói cách khác, phải “siết” chặt việc thực hiện tinh giản biên chế.

Theo số liệu kiểm tra tinh giản biên chế đến 30.6.2022 của Bộ Nội vụ thì số liệu tinh giản biên chế của các bộ, ngành, địa phương là 79.024 người. Nếu tính theo lý do tinh giản biên chế thì tinh giản biên chế do đánh giá hàng năm không hoàn thành nhiệm vụ chiếm tỷ lệ cao nhất với 52,712%; do chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo là 15,684%; dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự, đơn vị hành chính là 15,447% và thấp nhất là do sức khỏe không bảo đảm với tỷ lệ là 3,746%.

Dù kết quả tinh giản biên chế đạt về chỉ tiêu, số lượng nhưng theo đánh giá, kết quả này chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Việc tinh giản biên chế trong thời gian qua chủ yếu giảm số người về hưu, thôi việc, nghỉ việc. Đáng nói là, chỉ giảm những người “tinh” - có đủ năng lực tham gia khu vực tư mà chưa thực sự gắn với việc đánh giá xếp loại hoàn thành công việc. Việc chuyển việc của không ít cán bộ ngành y thời gian qua là một ví dụ. Bên cạnh đó có những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện muốn nghỉ hưu, thôi việc nhưng lại không thuộc đối tượng tinh giản biên chế nên họ lựa chọn cách làm việc đối phó, hiệu quả không cao để “được” đánh giá xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ để được nghỉ. Thực trạng này, không chỉ ảnh hưởng đến tính hiệu quả của hoạt động công vụ, mà còn gây lãng phí ngân sách nhà nước.

Có một thực tế là, một trong những khâu yếu không thể phủ nhận đó là công tác rà soát, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực sự chặt chẽ, khách quan, còn nể nang, né tránh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với các trường hợp có năng lực hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm hiện đảm nhiệm chưa thực sự hiệu quả. Đó là chưa kể, việc xác định vị trí việc làm là cơ sở để tuyển dụng, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức chưa có quy định, chưa hướng dẫn đồng bộ dẫn đến khó khăn trong thực hiện. Chính điều này làm cho việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm có cơ quan, đơn vị rất chung chung, “dĩ hòa vi quý”, khó tìm người để tinh giản. Do đó, thời gian tới cần siết chặt công tác đánh giá cán bộ.  

Ngoài việc tinh giản cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ như hiện hành, để có thêm cơ sở cho việc tinh giản biên chế cho các đối tượng khác, dự thảo nghị định lần này đã “mở” thêm trường hợp cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian bị kỷ luật một trong các hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo, tự nguyện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

Liên quan đến vấn đề này, Thông báo số 20-TB/TW Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật đã nêu rõ, khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Như vậy, kết luận của Trung ương đã có, cần sớm thể chế hóa thành các quy định pháp luật để có cơ sở triển khai trên thực tế.

Cán bộ bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo thường do bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực và do năng lực lãnh đạo, quản lý hạn chế, yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ. Trong trường hợp, cán bộ, công chức, viên chức không còn bảo đảm tiêu chuẩn đạo đức, hoặc trình độ năng lực, không còn uy tín thì việc tinh giản biên chế đối với trường hợp này là cần thiết. Qua đó, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ, vừa bảo đảm chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, thể hiện sự tự trọng của chính người trong cuộc, cũng như tạo niềm tin cho cử tri, nhân dân vào những người đứng trong bộ máy.

Cán bộ bị kỷ luật, không còn uy tín, muốn được tinh giản biên chế, chẳng có lý do gì để nói “không”!

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/