ChatGPT, sợ gì?
Mấy năm trở lại đây, ngoài dịch COVID-19, hiếm có sự kiện nào khiến cả thế giới cùng “phát sốt” lên, như sự xuất hiện của ChatGPT. Mới chỉ sau hai tháng, đã có 100 triệu người trên khắp thế giới đăng kí sử dụng công cụ chatbot (trò chuyện/tương tác tự động) dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) này.
Đã có quá nhiều bình bàn cũng như lo ngại về con “thợ chat” thông minh vừa ra đời. Về khả năng học hỏi và tự học hỏi, cũng như kỹ năng lập luận vừa mạch lạc thấu đáo, vừa ma xó của nó. Nhưng tôi không coi sản phẩm của ChatGPT là trí tuệ, mà đó chỉ là thao tác lượm lặt, tổng hợp đáp ứng theo lệnh của người dùng vào hầu hết mọi chủ đề, lĩnh vực. Về bản chất đó cũng không khác lắm công cụ tìm kiếm Google, chỉ có điều với AI thế hệ mới, đã có sự sắp xếp, tổng hợp những nhu cầu/chủ đề tìm kiếm/tìm hiểu của người dùng thành những văn bản hoàn chỉnh, trong một khoảng thời gian siêu nhanh.
Tôi cho rằng chẳng hạn với một luận văn nghiên cứu bậc cao, thì trong đó may lắm chưa đến 10% là phát kiến mới. Còn lại đều là nền tảng, lịch sử nghiên cứu có sẵn chỉ cần tìm hiểu, sắp xếp và dẫn nguồn đầy đủ. Giờ có con chat thông minh này, nếu biết ứng dụng phù hợp, nó sẽ hỗ trợ tạo ra phần nền ấy nhanh, bao quát, hợp lý hơn mà thôi. Tức là những gì thuộc về kiến thức cơ bản, thông dụng. Còn trí tuệ, ý tưởng phát hiện đích thực phải và chỉ là của con người sống động, gắn với bản sắc, danh tính cụ thể không trùng lắp của mỗi người.
Ai sợ bọn “thợ chat” nhân tạo? Có lẽ không ai khác chính là những con người hời hợt, lười biếng, luôn náu mình vào đám đông. Họ sợ bị ChatGPT nuốt chửng, cướp mất công ăn việc làm của mình. Họ không đủ hiểu rằng chẳng cần học vấn thấp cao, nhiều hay ít chữ, mà chỉ với căn tính riêng, suy nghĩ hành động riêng đã đủ cho riêng mình một thế giới. Tôi luôn nghĩ, ngay những lão nông suốt đời không ra khỏi lũy tre làng, cũng có thể viết nên một cuốn sách độc đáo của đời mình. Một thứ địa chí riêng biệt, có thể rồi sẽ trở thành nguyên liệu hiếm quý cho những thế hệ người máy kế tiếp. Như mọi thứ nhân tạo sẽ luôn đi sau và ăn theo trí tuệ, nhận thức và tình cảm của loài người, đó là điều chắc chắn.
Thực ra, chúng ta đều đang đứng trên vai những người khổng lồ mà nhiều người không để ý. Bao cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật, cho đến tư tưởng, học thuật, nghệ thuật,… thành quả của nó giờ đây đều đã thành kiến thức và kỹ năng quá quen thuộc với đại chúng. Và loài người thì vẫn đang hào hứng chạy theo những cuộc cách mạng công nghệ mới với những phát kiến không tưởng.
Có một câu thú vị đọc được ở đâu đó, rằng “Không ai lại đi chạy đua với một chiếc xe cả, họ ngồi trên nó”. Những phát kiến điên rồ sẽ tiếp tục chào đời, lại chính là một cơ hội “chọn lọc tự nhiên” đáng mừng. Bỏ lại phía sau lớp người quen ăn theo lười biếng, thúc đẩy bộ phận biết tư duy sáng tạo thực sự.
ChatGPT không đáng sợ. Chỉ sợ con người tự biến mình thành cỗ máy.
Nguồn: https://tienphong.vn/
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Khẳng định vai trò Đảng cầm quyền
- Giữ chữ tín để đi đường dài
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo