Cháy rừng ở Sóc Sơn ngày càng khó kiểm soát
Hơn 1 tháng qua, huyện Sóc Sơn xảy ra 10 vụ cháy rừng, thiệt hại hơn 23ha rừng. Trong đó, phần lớn cơ quan chức năng không tìm được nguyên nhân, truy ra được thủ phạm, dẫn đến nguy cơ cháy rừng ở địa phương này ngày càng phức tạp, khó kiểm soát.
Do vậy, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cần được huyện Sóc Sơn, lực lượng kiểm lâm, công an quan tâm đặc biệt để giữ rừng, bảo vệ rừng.
Hiện trường vụ cháy rừng tại huyện Sóc Sơn, ngày 14-11. Ảnh: Đức Lê
Công tác quản lý, bảo vệ gặp nhiều khó khăn
Trên địa bàn huyện Sóc Sơn có hơn 4.500ha rừng phòng hộ bảo vệ môi trường và đất quy hoạch lâm nghiệp. Trong đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội quản lý hơn 3.242ha; còn lại do UBND các xã, thị trấn của huyện Sóc Sơn quản lý. Rừng ở Sóc Sơn chủ yếu là rừng trồng thuần loài (thông, keo, bạch đàn) và có thảm thực vật dày. Địa hình các xã có rừng phức tạp, nằm giáp ranh với tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Thái Nguyên. Nhiều khu dân cư, công trình tôn giáo, tín ngưỡng, di tích văn hóa xen kẽ trong rừng, quy hoạch rừng còn nhiều bất cập…, khiến việc quản lý, bảo vệ rừng của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hà cho biết, hằng năm, UBND huyện và các đơn vị đã ban hành 110 văn bản quản lý trong lĩnh vực lâm nghiệp để chỉ đạo UBND các xã, thị trấn có rừng nâng cao vai trò, trách nhiệm trong quản lý nhà nước về lâm nghiệp; tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô, các ngày nắng nóng và dịp lễ, Tết.
Ngoài ra, UBND huyện Sóc Sơn tổ chức 75 đợt tuyên truyền lưu động về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tại 11 xã, thị trấn có rừng, các khu vực có nhiều du khách đến tham quan, cắm trại, như: Hồ Đồng Đò, hồ Hoa Sơn, hồ Hàm Lợn, hồ Đồng Quan, đền Sóc Sơn; tổ chức tập huấn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng xung kích và các hộ dân sống gần rừng... Phòng Kinh tế huyện cũng phối hợp với Hạt Kiểm lâm số 4 (Chi cục Kiểm lâm Hà Nội) lắp đặt 37 biển nội quy về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tại nhà văn hóa các thôn, xóm có rừng; lắp 500 biển cấm lửa, đặt trạm giám sát cháy rừng tự động... phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm số 4 (đơn vị phụ trách địa bàn huyện Sóc Sơn) Nguyễn Văn Hải cho biết, đơn vị xác định có 7 vùng trọng điểm cháy rừng ở huyện Sóc Sơn để chủ động xây dựng phương án ứng trực, phòng ngừa trong suốt mùa hanh khô…
Cháy rừng vẫn gia tăng
Mặc dù có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng nhưng trong mùa khô năm 2023-2024, trên địa bàn huyện vẫn xảy ra 63 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp. Huyện Sóc Sơn đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 15 trường hợp, tổ chức cưỡng chế 1 trường hợp, vận động 11 trường hợp vi phạm tự tháo dỡ công trình. UBND huyện chỉ đạo tổ công tác liên ngành kiểm tra 9 trường hợp vi phạm san gạt, múc đất, xây dựng công trình trên đất lâm nghiệp (trong đó khởi tố đối với 1 trường hợp). Trên địa bàn huyện cũng xảy ra 26 vụ cháy rừng, thiệt hại 41ha rừng và thảm thực bì.
Vào mùa khô 2024-2025, cháy rừng ở Sóc Sơn diễn biến phức tạp. Cụ thể, từ ngày 11-10 đến 14-11, trên địa bàn huyện Sóc Sơn xảy ra 10 vụ cháy rừng tại các xã: Hồng Kỳ, Bắc Sơn, Nam Sơn, Minh Phú, Minh Trí, gây thiệt hại 23ha rừng. Nghiêm trọng nhất là chiều 14-11, xảy ra cùng một khung giờ 3 vụ cháy rừng tại 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Minh Phú, gây thiệt hại hơn 12ha lâm sinh. Diện tích rừng bị cháy phần lớn thuộc trách nhiệm quản lý, bảo vệ của Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội.
Theo phản ánh của người dân huyện Sóc Sơn, hầu hết các vụ cháy rừng ở Sóc Sơn trong thời gian qua đều do con người gây ra nhưng không được điều tra, xác minh đối tượng gây cháy để xử lý. Trong khi đó, hằng năm, thành phố Hà Nội chi nhiều tỷ đồng tiền ngân sách cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Hơn nữa, có đến 5 cơ quan, đơn vị từ thành phố xuống đến huyện, xã, thôn, chủ rừng tham gia quản lý, bảo vệ, song vẫn để xảy ra cháy rừng không rõ nguyên nhân.
Để làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa hanh khô 2024-2025, UBND huyện Sóc Sơn đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội tham mưu thành phố bổ sung kinh phí cho huyện duy tu, sửa chữa các tuyến đường lâm nghiệp; hướng dẫn, hỗ trợ huyện trong triển khai dự án rà soát hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp, làm cơ sở xây dựng phương án đề xuất UBND thành phố thực hiện điều chỉnh quy hoạch rừng của huyện Sóc Sơn. Có như vậy mới giảm số vụ cháy rừng, bảo vệ được “lá phổi xanh cho Thủ đô”.
- Lễ hội cây cảnh hoa giấy Phù Đổng - “Sắc hoa trên miền di sản”
- Khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine do căng thẳng leo thang
- Trách nhiệm, đồng lòng chống lãng phí
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Cấp đổi thẻ căn cước trực tuyến được giảm 50% lệ phí
- Ban hành Công điện về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh