Chỉ 1 tuần, tăng hơn 11.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết
- Ca mắc sốt xuất huyết ở nước ta đang gia tăng nhanh, chỉ trong vòng 1 tuần qua đã ghi nhận hơn 11.000 người mắc. Bộ Y tế dự báo số ca COVID-19 và ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng và bùng phát trên diện rộng, nguy cơ dịch chồng dịch nếu không quyết liệt phòng chống
Ca COVID-19 và mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng, bùng phát trên diện rộng
Theo báo cáo của các địa phương, đến ngày 11/7, cả nước ghi nhận khoảng hơn 103.000 ca sốt xuất huyết. Con số này tăng khoảng 11.000 ca so với thống kê 1 tuần trước đó. Đã có 37 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết.
Tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết của cả nước 7 tháng đầu năm 2022 là 0,035% (tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết giai đoạn 2016-2020 là 0,03%), thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực (Timor Leste 1,2%, Indonesia 0,89%, Philippin 0,51%, Campuchia 0,2%, Lào 0,18%, Malaysia 0,06%).
Liên quan đến công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, theo Bộ Y tế kết quả kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết thời gian qua cho thấy một số vấn đề tồn tại như: tại các hộ gia đình nhiều ổ lăng quăng (bọ gậy) không được xử lý; chỉ số mật độ muỗi và bọ gậy vượt ngưỡng; công tác truyền thông chưa được đẩy mạnh; thiếu hóa chất, trang thiết bị, dịch truyền cao phân tử phục vụ công tác phòng, chống sốt xuất huyết.
Số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng mạnh tại TP HCM, nhiều bệnh viện tuyến cuối có nguy cơ quá tải.
Trong hơn hai năm tập trung nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 đội ngũ cán bộ y tế dự phòng và cán bộ điều trị chưa được tập huấn, tập huấn lại, đặc biệt tại các cơ sở y tế tư nhân về bệnh dịch sốt xuất huyết.
Bộ Y tế dự báo số ca COVID-19 và ca mắc sốt xuất huyết thời gian tới có thể tiếp tục tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Để chủ động phòng, chống dịch, kiên quyết không để dịch chồng dịch, Bộ Y tế ngày 10/7 đã có văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố huy động các ban ngành, đoàn thể, đặc biệt các lực lượng cán bộ tại các tổ dân phố, thôn, bán và cộng đồng tham gia các hoạt động phòng chống dịch; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tới tận các hộ gia đình để người dân chủ động tham gia phòng, chống dịch, chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc sinh sống,khu vực di biến động về dân cư, khu vực có ổ dịch cũ.
Triển khai mạnh mẽ các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn ngay trong tháng 7 và duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng (bọ gậy) cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại. Vận động toàn thể người dân cùng tham gia.
Sở Y tế các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch trong cộng đồng. Tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong; có kế hoạch phân tuyển, hỗ trợ cán bộ điều trị có kinh nghiệm cho tuyến dưới để hạn chế chuyển tuyến khi không cần thiết, tránh quá tải bệnh viện.
Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở.
Sốt cao đột ngột, đau mỏi người và đi từ miền Nam về, cần đến cơ sở y tế để xét nghiệm, chấn đoán sốt xuất huyết kịp thời
Tại phía Bắc, theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, vừa qua bệnh viện đã điều trị cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng có biểu hiện cô đặc máu kèm theo các hiện tượng tràn dịch màng bụng, suy thận, men gan tăng cao, được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết. Trước đó, bệnh nhân vừa đi du lịch tại Đồng Nai, Đắk Lắk, Gia Lai trở về.
Tại Hà Nội tính từ đầu năm đến nay Thành phố đã ghi nhận khoảng gần 200 ca mắc sốt xuất huyết, dù số ca ít hơn phía Nam nhưng thời gian gần đây đã có xu hướng gia tăng.
Theo các chuyên gia, yếu tố dịch tễ di chuyển cộng với thời tiết miền Bắc có nhiều thất thường, khi lúc nắng gắt, lúc mưa dông kèm lượng mưa lớn chính là điều kiện thuận lợi cho dịch sốt xuất huyết phát triển, dẫn đến dễ bùng dịch.
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới thăm khám cho bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bạch Mai Ảnh: Mai Thanh
Hiện Hà Nội đang mưa nhiều vào mùa hè, dự báo trong thời gian tới cũng là đỉnh điểm của miền Bắc về dịch sốt xuất huyết. Vì vậy, khi bệnh nhân có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau mỏi người, có yếu tố dịch tễ là đi từ miền Nam ra cần đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm, chẩn đoán và được điều trị kịp thời. Tránh trường hợp đến viện muộn có biểu hiện sốc, sốt xuất huyết nặng và có thể dẫn đến tử vong.
Cũng theo các bác sĩ, tại Hà Nội và miền Bắc, sốt xuất huyết đang bắt đầu vào vụ dịch và đỉnh điểm của dịch dự báo sẽ vào tháng 8 nên người dân phải hết sức lưu ý chủ động phòng bệnh ngay từ bây giờ.
- Hai điểm lạ của cơn đau đầu cảnh báo u não
- Ai mắc sốt xuất huyết sẽ có nguy cơ cao gặp nguy hiểm?
- Người phụ nữ trẻ phát hiện mắc ung thư di căn từ dấu hiệu tưởng chừng đơn giản
- Nhiều loại ký sinh trùng tưởng tuyệt chủng bất ngờ xuất hiện lại ở Việt Nam
- Người phụ nữ trẻ phát hiện mắc ung thư di căn từ dấu hiệu tưởng chừng đơn giản
- Người đàn ông mất một nửa lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
- Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn
- Người đàn ông mất một nửa lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
- Người bệnh tiểu đường bất ngờ khi nhân viên y tế đưa suất ăn có bát cơm đầy