Chi hơn 2.000 tỷ, xử lý nghìn tấn rác thải sinh hoạt ở Vĩnh Phúc

Thứ ba, ngày 29 tháng 3 năm 2022 | 8:12

Trong đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc mới được chính thức phê duyệt, tỉnh này dự chi hơn 2.000 tỷ đồng để xử lý rác thải sinh hoạt.

Nhiều năm nay, việc triển khai các dự án nhà máy xử lý rác ở Vĩnh Phúc gặp khó khi chưa có mặt bằng để đầu tư xây dựng, thì hàng ngày có hàng trăm tấn rác thải phải xử lý bằng các phương pháp thủ công. 

Cụ thể, theo thống kê của Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc, lượng rác thải phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 920 tấn/ngày, trong đó ở khu vực đô thị khoảng 350 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 570 tấn/ngày. Tỉ lệ thu gom đã đạt trên 75% ở khu vực nông thôn và trên 95% ở khu vực đô thị.

Chi hơn 2.000 tỷ, xử lý nghìn tấn rác thải sinh hoạt ở Vĩnh Phúc
Bãi rác chôn tạm tại núi Bông, TP Vĩnh Yên xuất hiện vũng nước đen kịt. Ảnh: Đoàn Bổng

Tuy nhiên, phương pháp xử lý chủ yếu hiện nay là chôn lấp (chiếm khoảng 75%) và đốt bằng các lò đốt rác quy mô nhỏ cấp xã, cơ sở xử lý do tư nhân đầu tư. Hầu hết các bãi chôn lấp và cơ sở xử lý rác thải đang hoạt động hiện nay chưa đáp ứng được quy chuẩn về môi trường.

Để giải quyết vấn đề trên, tỉnh Vĩnh Phúc triển khai đề án xử lý rác thải với mục tiêu từ nay đến năm 2025 sẽ thực hiện thu gom và từng bước xử lý triệt để rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Từng bước hình thành hoạt động cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn đồng bộ từ cấp huyện đến cấp xã, làm cơ sở cho việc xã hội hóa toàn bộ hoạt động này. 

Dự chi hơn 2.000 tỷ đồng

Về thực trạng xử lý rác thải sinh hoạt, tỉnh Vĩnh Phúc thừa nhận tỷ lệ rác được xử lý hợp vệ sinh còn rất thấp, tình trạng tập kết, đổ thải rác thải gây ô nhiễm môi trường còn diễn ra phổ biến. Hầu hết các bãi rác, lò đốt rác thải hiện đã quá tải, xuống cấp, công nghệ lạc hậu... gây ô nhiễm môi trường.

Việc triển khai xây dựng các nhà máy xử lý rác thải tập trung còn chậm. Đến nay mới chỉ có nhà máy xử lý rác thải tại thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương và xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc đi vào hoạt động, song công suất xử lý còn thấp.

Theo đề án, dự báo đến năm 2025 khối lượng phát sinh khoảng 980 tấn/ngày, áp lực lên hệ thống thu gom, xử lý rác sẽ ngày càng gia tăng, đặc biệt là đối với những vùng trung tâm phát triển đô thị, công nghiệp, vùng lõi nằm trong quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc.

Để xử lý rác, Vĩnh Phúc đề ra mục tiêu cụ thể từng năm, từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn năm 2030. Dự kiến kinh phí thực hiện đề án khoảng 2.138,3 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hơn 1.400 tỷ đồng, còn lại là nguồn xã hội hóa. 

Trong đó gồm các hạng mục chi gồm: đầu tư xây dựng các điểm tập kết trung chuyển (khoảng 87 tỷ đồng); thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải (hơn 1.414 tỷ đồng); cải tạo phục hồi môi trường các bãi rác cũ (hơn 152 tỷ đồng); tuyên truyền, tập huấn, mô hình (24 tỷ đồng). 

Chi hơn 2.000 tỷ, xử lý nghìn tấn rác thải sinh hoạt ở Vĩnh Phúc
Nhà máy xử lý rác tại huyện Yên Lạc hoàn thành sớm hơn dự kiến. Ảnh: Báo Vĩnh Phúc

Áp dụng công nghệ số trong xử lý rác thải

Bên cạnh việc dự tính chi số tiền lớn để giải quyết bài toán rác thải, Vĩnh Phúc xác định mục tiêu cụ thể cho từng năm. Riêng năm 2022, tỉnh đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ thu gom, xử lý rác đô thị đạt 95%, con số này ở khu vực nông thôn là 80%. Bên cạnh đó sẽ hình thành dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý đồng bộ tại các địa bàn thành phố Vĩnh Yên; huyện Tam Dương, Tam Đảo.

Trong năm nay, tỉnh Vĩnh Phúc đẩy nhanh tiến độ việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch. Mục tiêu đưa vào vận hành vào giữa năm 2023. Cùng với việc xây dựng nhà máy xử lý rác, năm 2022, Vĩnh Phúc tập trung cải tạo phục hồi môi trường 40 bãi chôn lấp bãi rác của huyện Tam Dương, Tam Đảo và TP Vĩnh Yên.

Đến năm 2025, tỉnh này đặt mục tiêu hoàn thành hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đồng bộ trên toàn tỉnh. Tỷ lệ rác thải được thu gom, xử lý rác đạt 97% ở khu vực đô thị và đạt 90% ở khu vực nông thôn. Đáng chú ý, tỉnh kỳ vọng sẽ đạt 95% bãi chôn lấp rác thải thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường được tái sử dụng vào các mục đích khác.

Để thực hiện được các nhiệm vụ trên, Vĩnh Phúc nêu ra nhiều nhóm giải pháp cụ thể. Trong đó, giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ được ưu tiên hàng đầu. Cụ thể, tỉnh sẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong việc theo dõi, quản lý lộ trình của các phương tiện tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn.

Áp dụng công nghệ số và chuyển đổi hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải bằng hình thức phù hợp thực tiễn và quy định pháp luật hiện hành nhằm giảm thời gian, chi phí thực hiện của đơn vị cung cấp dịch vụ...

Vĩnh Phúc cũng ưu tiên ứng dụng các công nghệ mới có thể thu hồi, tái sử dụng lại các thành phần hữu ích trong chất thải và thân thiện với môi trường.

Nguồn Vietnamnet.vn

https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/moi-truong/chi-hon-2-000-ty-xu-ly-nghin-tan-rac-thai-sinh-hoat-o-vinh-phuc-825415.html