Chỉ tên 20 DN bất động sản phát hành trái phiếu DN nhiều nhất

Thứ năm, ngày 2 tháng 6 năm 2022 | 9:58

Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ chi tiết 20 doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhiều nhất và 20 DN bất động sản có lượng phát hành trái phiếu lớn nhất.

Quá nửa trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm

Theo Bộ Tài chính, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành năm 2021 đạt 639.766 tỷ đồng, tăng 38,8% so với năm 2020 (466.826 tỷ đồng), chủ yếu là TPDN phát hành riêng lẻ đạt 605.520 tỷ đồng, tăng 38,8% so với năm 2020, tổng khối lượng TPDN chào bán ra công chúng trong năm 2021 đạt 34.146 tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2020.

Quy mô thị trường TPDN đến cuối năm 2021 tương đương 18,2%GDP, tăng 42,4% so với cuối năm 2020 (17,11%GDP).

Trái phiếu doanh nghiệp trải qua thời gian bùng nổ. Ảnh: Lương Bằng

Đối với phát hành ra thị trường quốc tế, năm 2021 có 06 doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế với tổng khối lượng phát hành là 1,74 tỷ USD. Trong đó, 04 doanh nghiệp bất động sản phát hành 1,15 tỷ USD, chiếm 66,1% tổng khối lượng phát hành, còn lại là doanh nghiệp thương mại dịch vụ và tổ chức tín dụng chiếm lần lượt 24,4% và 9,5% tổng khối lượng phát hành. 

Lãi suất phát hành bình quân TPDN riêng lẻ năm 2021 là 7,94%/năm, giảm 1,4%/năm so với năm 2020, thấp hơn 1%-2% so với lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến của các tổ chức tín dụng (TCTD) hiện nay.

Trong năm 2021, TPDN phát hành riêng lẻ có tài sản đảm bảo chiếm 49,7%; trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 50,3%. Đối với TPDN phát hành ra công chúng, trái phiếu chủ yếu không có tài sản đảm bảo, chiếm 99% tổng khối lượng phát hành. 

Trái phiếu không có tài sản đảm bảo chủ yếu là trái phiếu do các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán phát hành, chiếm 77,7% tổng khối lượng trái phiếu phát hành riêng lẻ không có tài sản đảm bảo. 

Đối với trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng phát hành, 88,2% khối lượng phát hành là trái phiếu có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh thanh toán, 11,8% khối lượng phát hành là trái phiếu không có tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo của trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản phát hành chủ yếu là bất động sản, các chương trình, dự án (chiếm 57,84% tổng khối lượng phát hành), bảo đảm bằng cổ phiếu (chiếm 23,95%), bảo đảm bằng cả bất động sản và cổ phiếu (chiếm 1,37%) và bảo đảm bằng các tài sản khác (chiếm 8,67%).

"Theo đó, mặc dù tỷ lệ trái phiếu có tài sản đảm bảo cao nhưng thực tế chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lại hoặc cổ phiếu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản. Trường hợp thị trường bất động sản khó khăn, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu", Bộ Tài chính đánh giá.

Bất động sản thu hút lượng vốn lớn từ trái phiếu. Ảnh: Lương Bằng

Cảnh báo các chiêu lách quy định

Bộ Tài chính lưu ý về nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Mặc dù trên thị trường sơ cấp, tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân mua TPDN riêng lẻ giảm mạnh so với năm 2020 nhưng trên thị trường thứ cấp tỷ trọng mua của các nhà đầu tư cá nhân lên tới mức 19% tổng khối lượng phát hành.

Để chào mời, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân, thị trường đã xuất hiện nhiều cách thức “lách” quy định của pháp luật về nhà đầu tư chứng khoán riêng lẻ. Cụ thể: Nhà đầu tư cá nhân được xác nhận là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (hiệu lực trong vòng 1 năm) bằng hợp đồng mua kỳ hạn TPCP hoặc chứng khoán niêm yết trong thời gian từ 2-4 ngày.

Hai là nhà đầu tư cá nhân sử dụng tài khoản vay ký quỹ để chứng minh danh mục chứng khoán niêm yết đang nắm giữ có giá trị trên 2 tỷ đồng nhưng thực tế số vốn tự có thấp hơn.

Ba là cá nhân không trực tiếp đứng tên mua trái phiếu mà ký hợp đồng dân sự với công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại hoặc doanh nghiệp khác để mua TPDN riêng lẻ. 

Đáng chú ý, trong số 358 doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ năm 2021, có 57 doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh lỗ trước khi phát hành; 45 doanh nghiệp có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 10 và 10 doanh nghiệp phát hành có tỷ lệ khối lượng phát hành gấp trên 5 lần vốn chủ sở hữu. Một số doanh nghiệp phát hành để góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn; hoặc phát hành để chuyển vốn “lòng vòng” nhằm lách quy định về giới hạn cho vay/đầu tư TPDN của TCTD đối với 1 khách hàng/nhóm khách hàng. 

Bên cạnh đó, trên thị trường có hiện tượng các doanh nghiệp chào bán công khai TPDN phát hành riêng lẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trái phiếu được chào bán là trái phiếu có lãi suất cao (11%-12%/năm), thông tin chào bán do chính tổ chức phát hành trực tiếp chào mời trên thị trường sơ cấp hoặc do doanh nghiệp có liên quan chào bán lại trên thị trường thứ cấp. 

Ngoài ra, Bộ Tài chính cho biết có hiện tượng một số tổ chức tư vấn xây dựng hồ sơ chào bán có lợi cho doanh nghiệp để huy động vốn mà không cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin công bố cho nhà đầu tư. 

Theo Bộ Tài chính, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP sẽ quy định chặt chẽ hơn điều kiện phát hành nhằm hạn chế việc doanh nghiệp phát hành TPDN với khối lượng lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, gây mất an toàn trong hoạt động, ảnh hưởng đến khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu của doanh nghiệp. 

Chi tiết các DN bất động sản phát hành trái phiếu DN nhiều nhất gồm: Hưng Thịnh land 9.650 tỷ đồng, Vạn Trường Phát 8.000 tỷ, Osaka Garden 7.700 tỷ, địa ốc Nova 6.938 tỷ, Tổng công ty đầu tư và phát triển công nghiệp 6.000 tỷ, Golden Hill .5760 tỷ, Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam 4.700 tỷ, Hoàng Phú Vương 4.670 tỷ, địa ốc Việt Hân 4.000 tỷ, Sunshine Homes 3.400 tỷ, Sunshine AM 3.400 tỷ, nhà Sunshine 3.300 tỷ...

 

 

Nguồn https://vietnamnet.vn/chi-ten-20-dn-bat-dong-san-phat-hanh-trai-phieu-dn-nhieu-nhat-2025799.html