Chỉ trong 3 tháng, phân khúc biệt thự tại Hà Nội tăng 60% giá
Theo báo cáo của Savills, chỉ trong 3 tháng cuối năm 2021, giá biệt thự tại Hà Nội đã tăng 60% lên ngưỡng 180 triệu đồng/m2, tương tự phân khúc nhà liền kề cũng tăng 33% lên ngưỡng 171 triệu đồng/m2.
Nguồn cung căn hộ chạm “đáy” 5 năm
Theo báo cáo thị trường nhà ở Hà Nội quý IV/2021, Savills VIệt Nam cho biết: Sau một khoảng thời gian chịu tác động bởi đại dịch COVID-19, các sản phẩm nhà ở, nhất là phân khúc căn hộ trong những tháng cuối năm đã sôi động trở lại.
Cụ thể, theo Savills, nguồn cung căn hộ trong quý IV/2021 tăng 42% so với quý trước, tương đương 4.500 căn, nhưng lại giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn cung căn hộ chạm “đáy” 5 năm.
Có thể nói, năm 2021, nguồn cung sơ cấp xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, với hơn 33.600 căn giảm 21% theo năm. Nguồn cung mới và hàng tồn kho ở mức thấp.
Số lượng căn bán được đạt 4.200, tăng 72% theo quý. Tỷ lệ hấp thụ đạt 19%, tăng 7% theo quý và giá tiếp tục tăng quý thứ 12 liên tiếp.
Savills nhận định, nguồn cung hạn chế và ảnh hưởng của đại dịch khiến số lượng giao dịch cả năm 2021 đạt 16.100, mức thấp nhất trong vòng 5 năm.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn Savills Hà Nội chia sẻ: Nguồn cung mới và số lượng giao dịch căn hộ của năm 2021 tại thị trường Hà Nội thấp nhất trong vòng 5 năm qua do giãn cách xã hội kéo dài, tuy nhiên thị trường cuối năm có dấu hiệu phục hồi với tình hình hoạt động được cải thiện.
“Các chủ đầu tư trong nước và nhà điều hành có thương hiệu đang hợp tác thực hiện các dự án cao cấp. Mặt khác, nguồn cung hiện đang mất cân đối và nhu cầu về căn hộ giá bình dân gia tăng”, bà Hằng nói.
Nếu phân tích thị trường theo các mức giá, số lượng giao dịch căn hộ hạng B dẫn đầu với 57% số căn bán được, trong khi Hạng C có tỷ lệ hấp thụ cao nhất đạt 69%.
Như vậy, trong năm 2021, sản phẩm có mức giá từ 35 - 46 triệu đồng/m2 chiếm 52% số căn bán được, tăng 9% theo năm. Phần lớn các căn hộ trong khoảng giá này tại các quận/huyện Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Long Biên và Gia Lâm.
Trong tương lai dự kiến, căn hộ hạng A và B với giá bán cao hơn sẽ chiếm phần lớn thị trường. Đến năm 2024, Hạng A sẽ cung cấp 20% nguồn cung, Hạng B chiếm 68% và Hạng C chiếm 12%.
Đáng chú ý, với quỹ đất lớn, 5 huyện sắp lên quận bao gồm Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm và Đan Phượng sẽ trở thành điểm nóng phát triển bất động sản nhà ở, chiếm tỷ lệ 27% nguồn cung tương lai.
Giá biệt thự tại Hà Nội tăng 60% chỉ trong 3 tháng cuối năm
Xét về thị trường biệt thự/nhà liền kề, trong quý IV/2021 không ghi nhận dự án nào mới, trong khi nguồn cung mới chỉ đến từ các giai đoạn tiếp theo của ba dự án đang bán. Nguồn cung mới đạt 245 căn, tăng 9% theo quý và 29% theo năm.
Giá biệt thự tại Hà Nội tăng 60% chỉ trong 3 tháng cuối năm.
Nguồn cung sơ cấp đạt 1.123 căn, tăng 3% theo quý nhưng giảm -27% theo năm. Mặc dù nguồn cung sơ cấp đã có sự tăng trưởng nhẹ trong quý này nhưng vẫn ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Quận Tây Hồ dẫn đầu nguồn cung sơ cấp với 28% thị phần, nhỉnh hơn Quận Hoàng Mai với 26%.
Tương tự như thị trường căn hộ, hoạt động giao dịch sản phẩm biệt thự/nhà liền kề trong quý IV đã được cải thiện. Đặc biệt tỷ lệ hấp thụ cho nguồn cung mới đạt 83% nhờ vào các hoạt động huy động vốn của chủ đầu tư.
Hầu hết các dự án bắt đầu huy động vốn từ khá sớm với các phương thức đa dạng bao gồm hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư hay hợp đồng hợp tác kinh doanh. Lượng giao dịch đạt 411 căn bán được, tăng 96% theo quý nhưng giảm 19% theo năm.
Quận Tây Hồ ghi nhận lượng giao dịch cao nhất với 40% thị phần, theo sau là Huyện Đông Anh với 21%. Trong đó, Nhà liền kề và Nhà phố chiếm 57% lượng giao dịch, trong khi Biệt thự chiếm 43% thị phần, tỷ trọng cao nhất từ quy I/2020.
Giá sơ cấp trung bình của biệt thự đạt 180 triệu đồng/m2 đất, tăng 60% theo quý và 82% theo năm. Trong khi đó, giá trung bình của nhà liền kề là 171 triệu đồng/m2 đất, tăng 33% theo quý và 54% theo năm.
Sự tăng trưởng cũng ghi nhận với sản phẩm nhà phố với 12% theo quý và 30% theo năm, đạt mức giá trung bình khoảng 239 triệu đồng/m2 đất.
Trong bối cảnh sản phẩm mới tung ra hạn chế và tỷ lệ hấp thụ cao, các chuyên gia Savills nhận định giá trung bình trên toàn thị trường sẽ có sự biến động lớn. Phần lớn nguyên nhân đến từ sự thiếu hụt về nguồn cung mới có giá chào bán thấp tại các quận/huyện nằm ngoài trung tâm.
Dự báo về những thay đổi cho năm 2022, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội chia sẻ: Thị trường Biệt thự/Nhà liền kề Hà Nội đã liên tục thiếu hụt nguồn cung sơ cấp trong một thời gian dài.
“Nguồn cung mới trong năm 2022 chủ yếu đến từ các dự án, khu đô thị lớn ở ngoài trung tâm TP. Hà Nội sẽ giúp khắc phục tình trạng này. Những nơi có cơ sở hạ tầng cải thiện, nguồn cung, lượng giao dịch, cũng như giá bán cũng sẽ có sự tăng trưởng đáng kể”, chuyên gia của Savills nói.
Năm 2022 là một năm nhiều hứa hẹn cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, kết nối giao thông nội đô và vùng ven thành phố. Đây sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy nhu cầu mua bán khi nguồn cung tương lai đạt đến từ 13 dự án nằm chủ yếu tại các khu vực phía Tây và phía Đông của thủ đô.
Nguồn Congluan.vn
https://congluan.vn/chi-trong-3-thang-phan-khuc-biet-thu-tai-ha-noi-tang-60-gia-post176998.html
- Bất động sản: Cú vấp với ‘Ba lằn ranh đỏ’ của Trung Quốc và bài học cho Việt Nam
- Trung Quốc làm gì để giải cứu thị trường bất động sản?
- Thiết kế chính sách phát triển nhà ở xã hội dựa trên lợi ích và nhu cầu
- Những khó khăn chính của thị trường bất động sản Việt Nam và giải pháp tháo gỡ
- Các ông trùm bất động sản mất 65 tỷ USD vì chính sách Thịnh vượng chung của Trung Quốc
- Bị thu hồi dự án gần 800 ha, doanh nghiệp khởi kiện tỉnh Lâm Đồng
- Phát lộ những lần điều chỉnh ‘nhồi’ cao ốc vào ‘con đường đau khổ’ Lê Văn Lương
- Hơn 2,2 triệu tỷ cho vay bất động sản, Ngân hàng Nhà nước chỉ rõ mối nguy cơ
- 13 dự án chung cư dọc tuyến đường Lê Văn Lương nhiều sai phạm