Chi từ Quỹ Bảo hiểm y tế vượt dự toán: Kiểm soát chặt chẽ, chống lãng phí
Nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Thủ đô Hà Nội đang đối mặt với nguy cơ vượt dự toán chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2024. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là sự gia tăng số lượt bệnh nhân cũng như chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Để bảo đảm quyền lợi cho người bệnh, phát huy tối ưu hiệu quả của Quỹ Bảo hiểm y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh cần nâng cao tinh thần thực hành tiết kiệm, kiểm soát chặt chẽ, chống lãng phí trong khám, chữa bệnh; đặc biệt là với những chỉ định xét nghiệm, dịch vụ kỹ thuật...
Tiếp nhận thủ tục đăng ký khám chữa bệnh có thẻ bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Phổi Hà Nội. Ảnh: Trang Thu
Nguy cơ mất cân đối thu - chi
Theo báo cáo của Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), tính đến hết tháng 10-2024, toàn quốc đã sử dụng hết 95,4% dự toán chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2024.
Đáng chú ý, theo báo cáo, có 12 tỉnh, thành phố đã sử dụng trên 100% dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2024 như: Tây Ninh vượt 11,4%, Trà Vinh vượt 6,4%, Bình Định vượt 5,2%, Quảng Nam vượt 4,7%, Cần Thơ vượt 2,4%, Quảng Bình vượt 2,3%, Đắk Lắk vượt 2%, Sơn La vượt 1,9%, Tuyên Quang vượt 1,5%, Sóc Trăng vượt 1,4%, Bình Thuận vượt 0,8%, Tiền Giang vượt 0,3%.
Tỷ lệ sử dụng dự toán tăng cao do có sự gia tăng số lượt bệnh nhân cũng như số chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trong đó, số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng 5,8%; số chi tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, trong năm 2024, tỷ lệ bệnh nhân điều trị nội trú có xu hướng tăng cao, bình quân toàn quốc là 10,2%.
Báo cáo tổng hợp của Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và thanh toán đa tuyến (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cũng chỉ ra một số vấn đề đáng quan tâm trong chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong 10 tháng năm 2024. Nổi lên là một số dịch vụ kỹ thuật chiếm tỷ trọng và số gia tăng lớn. Tại một số địa phương và cơ sở y tế, tình trạng chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI) tăng cao gấp 2-4 lần so với năm trước. Hay có phòng khám đa khoa có chi phí bình quân điều trị ngoại trú cao hơn tại bệnh viện, thậm chí cao hơn bệnh viện hạng I và hạng II…
Còn tại Hà Nội, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, trong 10 tháng năm 2024, số chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các bệnh viện, phòng khám ngoài công lập có ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng cao so với cùng kỳ năm 2023, nguy cơ vượt dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2024 với số tiền lớn. Cùng với đó, một số cơ sở khám, chữa bệnh chưa nâng cao tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chỉ định xét nghiệm, điều trị nội trú và sử dụng dịch vụ, nhất là các dịch vụ kỹ thuật và thuốc điều trị đắt tiền.
Nhiều chuyên gia y tế cũng thẳng thắn thừa nhận, có tình trạng lạm dụng xét nghiệm quá mức cần thiết đối với người bệnh, gây tốn kém chi phí và ảnh hưởng đến Quỹ Bảo hiểm y tế. Đơn cử như với chỉ định chẩn đoán hình ảnh bằng siêu âm. Dù hiện nay siêu âm đen trắng vẫn có giá trị chẩn đoán, nhưng không ít bệnh viện cho rằng, người bệnh phải được hưởng siêu âm màu vì đây là kỹ thuật cao cấp hơn. Do đó, trong nhiều trường hợp, người bệnh chỉ cần siêu âm đen trắng với giá 49.300 đồng/lần nhưng bác sĩ vẫn chỉ định phải siêu âm màu là 233.000 đồng/lần (gấp gần 5 lần siêu âm đen trắng). Thậm chí, ở một số bệnh viện, nhiều bệnh nhi đến khám xong là bác sĩ chỉ định nhập viện kể cả đối với những trường hợp hoàn toàn có thể điều trị tại nhà…
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin
Hiện nay, tại các bệnh viện đang điều trị cho rất nhiều bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính, bệnh hiếm, ghép tạng. Những trường hợp này cần quá trình điều trị dài ngày và chi phí điều trị rất lớn để phục hồi, duy trì cuộc sống. Đây là gánh nặng với ngay cả những người có điều kiện kinh tế nếu không tham gia bảo hiểm y tế. Vì vậy, việc sử dụng hiệu quả, tối ưu Quỹ Bảo hiểm y tế, tránh lãng phí, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế là điều rất quan trọng trong bối cảnh nguồn lực quỹ có hạn.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường cho biết, trung bình một ngày, bệnh viện khám cho khoảng 1.200 bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế. Để quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế có hiệu quả, bệnh viện đã ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai phần mềm kiểm soát chỉ định chẩn đoán, xét nghiệm, kê đơn thuốc… Cùng với đó, bệnh viện cũng thành lập bộ phận chuyên trách giám sát vấn đề này. Nếu phát hiện nhân viên y tế thực hiện không đúng, bệnh viện chủ động nhắc nhở và chấn chỉnh ngay lập tức, tránh tình trạng lạm dụng gây thất thoát, lãng phí cho bệnh nhân và Quỹ Bảo hiểm y tế.
Tương tự, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba, để sử dụng hiệu quả, tối ưu, tránh lãng phí, bệnh viện đã chia Quỹ Bảo hiểm y tế thành 3 phần: Thuốc, thăm khám và cận lâm sàng. Riêng với những trường hợp có chỉ định sử dụng các chẩn đoán, xét nghiệm, dịch vụ kỹ thuật cao với chi phí tốn kém, bệnh viện sẽ phải tiến hành hội chẩn liên khoa và lãnh đạo từng khoa, phòng chịu trách nhiệm phê duyệt chỉ định. Ngoài ra, bệnh viện cũng thành lập tổ giám định nội bộ, tự kiểm tra, kiểm soát, đánh giá tính hợp lý của các dịch vụ y tế được cung cấp cho người tham gia bảo hiểm y tế.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết, Sở Y tế luôn sẵn sàng phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố thực hiện một số chuyên đề kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trong và ngoài công lập. Thậm chí, kiểm tra đột xuất các cơ sở khám, chữa bệnh có gia tăng cao chi bảo hiểm y tế bất thường. Sở Y tế cũng đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tốt việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh, quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế, hạn chế việc lạm dụng chỉ định điều trị, xét nghiệm…
- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về kỷ nguyên mới
- Vượt khó nhờ nguồn vốn chính sách
- 10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
- Phát huy vai trò đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Thủ đô: Cần cơ chế, chính sách cụ thể, khả thi
- Lễ cầu siêu tưởng niệm liệt sĩ và nạn nhân đợt thảm sát bằng bom B52 năm 1972
- Doanh nhân nặng lòng với quê hương
- Tuyến đường xây dựng 4 năm chưa hoàn thành
- Cơ hội học tập và làm việc quốc tế cho lực lượng bộ đội, công an sau xuất ngũ
- “Nhảy việc” - cơ hội và thách thức