Chia sẻ khó khăn với người yếu thế
Tính đến thời điểm này, nguồn kinh phí Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam trực tiếp vận động, điều phối và phối hợp thực hiện năm 2024 đã lên đến 746 tỷ đồng. Nhờ vậy, hơn 3 triệu lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi và các đối tượng yếu thế khác đã được hỗ trợ, giúp đỡ để vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Các đơn vị ký kết thỏa thuận hợp tác và phát động chương trình “Chung tay trợ giúp người khuyết tật và trẻ em mồ côi”. Ảnh: Nguyễn Kiên
Gắn kết những tấm lòng hảo tâm
Năm 2024, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm trong và ngoài nước vốn là những nhà tài trợ truyền thống của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam gặp khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác vận động nguồn lực của Hội. Tuy nhiên, vượt qua mọi khó khăn, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam và các tỉnh, thành hội đã phát huy tính chủ động, linh hoạt trong công tác vận động quỹ với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo và hiệu quả để có thêm nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ nhóm người yếu thế dễ tổn thương như người khuyết tật, trẻ mồ côi... Ngay đầu tháng 12 này, 500 học sinh khuyết tật Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn, Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu đã được nhận quà từ Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật Hà Nội phối hợp Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina và một số đơn vị tổ chức. Nhiều em học sinh Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn khi nhận phần quà đã chia sẻ: "Những món quà từ Ban tổ chức thực sự khiến chúng em thấy ấm lòng, cảm nhận rõ sự đồng hành của xã hội... Từ đó, chúng em càng có nghị lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống".
Ngoài việc trực tiếp vận động, chủ trì điều phối các hoạt động hỗ trợ, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã tích cực kết nối, phối hợp với các tổ chức, đơn vị, cá nhân nhà tài trợ triển khai những chương trình trợ giúp đối tượng yếu thế như: Tư vấn, định hướng nhà tài trợ ưu tiên đối tượng thụ hưởng là người khuyết tật, trẻ mồ côi; lựa chọn địa bàn, lựa chọn đối tượng, tổ chức chương trình trao trợ giúp... Tính đến thời điểm này, nguồn kinh phí Hội đã trực tiếp vận động, điều phối và phối hợp thực hiện năm 2024 là 746 tỷ đồng (năm 2023 là 711 tỷ đồng).
Với nguồn kinh phí vận động, kết nối được, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam cùng các tổ chức thành viên đã triển khai thực hiện chương trình bảo trợ trọng tâm của Hội cùng nhiều hoạt động trợ giúp cho 3.029.000 lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi và các đối tượng khó khăn, yếu thế khác với trị giá 725,8 tỷ đồng.
Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam Nguyễn Trọng Đàm cho biết: “Hội tiếp tục bám sát chủ trương, chính sách, các chương trình, đề án của Đảng, Chính phủ và các chương trình trọng tâm của Hội để xây dựng và tổ chức các hoạt động phù hợp, hiệu quả trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Các cấp hội đã tranh thủ tốt sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền; phối hợp chặt chẽ với cơ quan để triển khai hiệu quả các chương trình. Đặc biệt, Hội đã chuyển hướng mạnh mẽ sang trợ giúp bền vững như trợ giúp về học nghề, hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, triển khai chương trình học bổng dài hạn cho trẻ khuyết tật, mồ côi…”.
Luôn đồng hành với người khuyết tật, trẻ mồ côi
Từ ngày 13-12-2024 đến 28-2-2025, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam phối hợp với Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia (1400) và một số cơ quan triển khai chương trình “Chung tay trợ giúp người khuyết tật và trẻ em mồ côi” bằng hình thức quét mã VietQR qua nền tảng Cổng 1400. Giám đốc Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia (1400), Tổng công ty VTC Đỗ Thị Hòa cho biết: Chỉ cần quét mã VietQR trên Cổng 1400 (website 1400.vn), hoặc chuyển khoản vào tài khoản (tên chủ tài khoản: HOI BAO TRO NKT VA TMC VIET NAM, số tài khoản: 0272, Ngân hàng Quân đội - MB), những cá nhân, tập thể ủng hộ đã góp phần hỗ trợ đào tạo nghề, vốn sản xuất, tặng xe lăn, xe đạp, học bổng cho người khuyết tật và trẻ mồ côi, giúp họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Toàn bộ quá trình tiếp nhận ủng hộ đều được thể hiện công khai, minh bạch, giúp nhà hảo tâm tin tưởng ủng hộ các chương trình từ thiện.
Do hậu quả và di chứng của chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh và rủi ro trong cuộc sống, hiện cả nước có khoảng 7,2 triệu người khuyết tật, trong đó hơn 2 triệu trẻ em; trên 500 nghìn trẻ mồ côi (hơn 21 nghìn trẻ mồ côi cả cha và mẹ). Phần lớn người khuyết tật, trẻ mồ côi đang sống trong các gia đình nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thông qua hoạt động vận động Quỹ của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, thời gian qua, người khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ em nghèo tiếp tục được quan tâm, thăm hỏi, tặng quà. Hội đã xây dựng mới, sửa chữa nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho các hộ gia đình, xây dựng đường tiếp cận tại nhà ở của người khuyết tật, công trình vệ sinh; cải thiện hệ thống nước sinh hoạt cho hộ gia đình có trẻ mồ côi và người khuyết tật.
Đánh giá cao việc triển khai huy động kênh vận động nguồn lực mới, phù hợp với yêu cầu và xu thế của kỷ nguyên số hóa, chuyển đổi số và luôn đồng hành chăm lo cho người khuyết tật, trẻ mồ côi, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi đề nghị, thời gian tới, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam cùng các tỉnh, thành Hội tăng cường tuyên truyền chính sách pháp luật, tư vấn trợ giúp pháp lý giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi được hưởng đầy đủ chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước và sự quan tâm của cộng đồng xã hội.
- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về kỷ nguyên mới
- Vượt khó nhờ nguồn vốn chính sách
- 10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
- Phát huy vai trò đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Thủ đô: Cần cơ chế, chính sách cụ thể, khả thi
- Lễ cầu siêu tưởng niệm liệt sĩ và nạn nhân đợt thảm sát bằng bom B52 năm 1972
- Doanh nhân nặng lòng với quê hương
- Tuyến đường xây dựng 4 năm chưa hoàn thành
- Cơ hội học tập và làm việc quốc tế cho lực lượng bộ đội, công an sau xuất ngũ
- “Nhảy việc” - cơ hội và thách thức