Chiến lược dài hạn đi cùng với xây dựng chuỗi sản phẩm

Thứ sáu, ngày 22 tháng 4 năm 2022 | 10:19

Việc ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi đang được Hà Nội quan tâm triển khai. Đây là biện pháp mang lại hiệu quả về phòng chống dịch bệnh, tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao, bền vững, TP cần có kế sách dài hơi đầu tư tổng thể.

Chăn nuôi lợn trên địa bàn xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Phạm Hùng  

Chăn nuôi lợn trên địa bàn xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Phạm Hùng  

Ứng dụng công nghệ cao đối diện với nhiều thách thức

Hiện nay, các trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn TP đều được xây dựng xa khu dân cư. Trong đó có 557 trang trại sử dụng công nghệ chuồng kín; 26 trang trại sử dụng công nghệ dây chuyền cho ăn uống tự động; 200 trang trại sử dụng công nghệ bán tự động; 3 trang trại được trang bị máy vắt sữa…

Công nghệ cao cũng được ứng dụng trong sản xuất giống vật nuôi. Đến nay, 100% lợn giống tại các trang trại là giống lợn lai ngoại; 100% trang trại gia cầm nuôi các giống lai có năng suất cao. Các trang trại bò sữa, bò thịt sử dụng 100% giống được lai tạo với các giống lai cao sản; tỷ lệ thụ tinh nhân tạo bò sữa đã đạt 100 %, bò thịt đạt trên 80%; một số trang trại đã sử dụng tinh phân ly giới tính giống HF thuần chủng, cấy truyền phôi, có 2 cơ sở sản xuất tinh đông lạnh trâu, bò.

Ngoài ra, có 857 trang trại ứng dụng mô hình chăn nuôi công nghệ cao trong xử lý môi trường bằng công nghệ các công nghệ tiên tiến. Trong liên kết sản xuất đã hoàn thiện 31 chuỗi tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi giết mổ tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cũng cho thấy, việc ứng dụng công nghệ cao với ngành chăn nuôi Hà Nội đang đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Đó là chưa hình thành được vùng chăn nuôi theo tiêu chí vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao của TP. Việc nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao còn khiêm tốn.

Đặc biệt, quỹ đất để đầu tư mô hình chăn nuôi công nghệ cao còn hạn chế; chi phí GPMB, đầu tư hạ tầng ban đầu cho các dự án công nghệ cao ở Hà Nội cao hơn so với các tỉnh, TP lân cận. Mặt khác, thời hạn cho thuê đất hiện nay ngắn (5 năm), sau đó phải đấu giá lại mới được thuê tiếp nên người dân, DN chưa yên tâm đầu tư lâu dài.

Mô hình trang trại công nghệ cao trên địa bàn TP còn thiếu những công nghệ tiên tiến, chưa tạo ra được sự đột biến mạnh mẽ về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn hẹp, không ổn định, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế sản xuất một số sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư. Trong khi đó, một số chính sách ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ nên khó thu hút được các nguồn lực xã hội, DN.

Bên cạnh đó tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, quỹ đất dành cho phát triển chăn nuôi ngày càng bị thu hẹp, dẫn đến phát triển sản xuất manh mún, thiếu bền vững, ô nhiễm; hạ tầng phục vụ chăn nuôi thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu về chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật có khả năng và tiếp cận công nghệ cao để ứng dụng, chuyển giao còn thiếu.

Không đốt cháy giai đoạn

Những vấn đề, nút thắt nêu trên đòi hỏi TP và các cơ quan, ban ngành, đơn vị chuyên môn phải có kế sách mang tính dài hơi thay vì nóng vội mà đốt cháy giai đoạn. Giải pháp phải mang tính tổng thể, đồng bộ. Đầu tiên, TP cần tiếp tục rà soát những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách hiện có về hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ cao.

Qua đó, đề nghị Trung ương và HĐND TP sửa đổi, bổ sung những nội dung còn thiếu và thay thế những nội dung không còn phù hợp. Hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao như sử dụng chuồng kín, tự động hóa ở các khâu chăm sóc, quản lý dịch bệnh, xử lý môi trường chăn nuôi. Chú trọng công nghệ sinh học, đầu tư vào cơ sở sản xuất giống nhập nội, bổ sung các giống cao sản, cải tạo giống…

Một giải pháp hết sức quan trọng đó là đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giải pháp về thị trường, dịch vụ hỗ trợ hoạt động chăn nuôi công nghệ cao; phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ hỗ trợ cơ khí hóa sản xuất thiết bị chuồng nuôi, thiết bị chế biến, giết mổ, máy chế biến thức ăn, chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm.

Tăng cường tổ chức cho các đối tượng tham gia chợ, hội chợ, triển lãm công nghệ cao trong chăn nuôi, để các tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ môi giới, tư vấn, đánh giá; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ tư vấn kỹ thuật, đầu tư, pháp lý, tài chính, bảo hiểm, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các dịch vụ khác nhằm thúc đẩy hoạt động công nghệ cao, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm công nghệ cao trong chăn nuôi.

Thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND TP đã có nhiều chủ trương, chính sách thu hút DN, cá nhân đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Điểm nhấn là Nghị quyết số 10/2018/NQ- HĐND ngày 5/12/2018 của HĐND TP về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn.

 

Nguồn kinhtedothi

https://kinhtedothi.vn/chien-luoc-dai-han-di-cung-voi-xay-dung-chuoi-san-pham.html